Bất ngờ với "chợ" pháo lậu hoạt động công khai trên Facebook, Zalo

Huy Hoàng, Theo Gia đình & xã hội 11:38 29/12/2019
Chia sẻ

Trên Facebook, Zalo tràn lan status rao bán pháo lậu. Giao dịch tinh vi, mẫu mã đa dạng, nhiều khách hàng đã bị lừa trắng trợn và không thể trình báo công an vì sợ “dính đến pháp luật”.

Chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa "Pháo Tết 2020" trên Facebook , người dùng mạng xã hội sẽ không khỏi ngạc nhiên khi mặt hàng cấm này lại được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Các giao dịch được thực hiện "đơn giản" đến khó tin.

 Bất ngờ với chợ pháo lậu hoạt động công khai trên Facebook, Zalo  - Ảnh 1.

Các loại pháo đa dạng chủng loại được bày bán công khai trên các trang mạng xã hội

 Bất ngờ với chợ pháo lậu hoạt động công khai trên Facebook, Zalo  - Ảnh 2.

Đủ kích cỡ, đủ chủng loại pháo được rao bán kèm hình ảnh minh họa. Các mặt hàng được rao bán chủ yếu là pháo trứng 250gram đến 450gram, pháo dây cháy chậm, pháo bi và đặc biệt là pháo dàn. Giá mà các đối tượng đưa ra chỉ từ 40.000 đến 1.200.000 đồng. Tất nhiên để đặt được hàng hầu hết người mua đều phải "inbox kín".

 Bất ngờ với chợ pháo lậu hoạt động công khai trên Facebook, Zalo  - Ảnh 3.

Hình thức đặt hàng chỉ cần inbox riêng. Đầu tiên, các đối tượng sẽ dùng các đối thoại qua tin nhắn để lọc các "khách hàng tình nghi". Thông thường, các đối tượng sẽ đặt các câu hỏi như: "Ở xa như thế thì không chuyển được?", "Chỉ còn một giàn muốn để lại chơi", "Anh em tin tưởng nhau là chủ yếu", "Không cần hỏi nhiều"… Tuy nhiên, nếu khách hàng thể hiện sự "tha thiết" và đừng đặt các câu hỏi nghi vấn quá nhiều thì giao dịch mua hàng sẽ diễn ra ngay sau đó.

 Bất ngờ với chợ pháo lậu hoạt động công khai trên Facebook, Zalo  - Ảnh 4.

Các đối tượng sẽ cung cấp cho người có nhu cầu cách giao dịch và vận chuyển. Điểm chung của các giao dịch là khách hàng đều phải trả tiền trước nếu muốn mua hàng. Người bán sẽ đưa số tài khoản ngân hàng để khách hàng chuyển tiền trước.

 Bất ngờ với chợ pháo lậu hoạt động công khai trên Facebook, Zalo  - Ảnh 5.

Tinh vi hơn, nếu từ chối đến lấy hàng trực tiếp thì khách hàng sẽ được yêu cầu nhận hàng theo hình thức "chỉ điểm". Với cách nhận hàng này, người bán sẽ không lộ mặt trực tiếp. Trước khoảng 10 đến 15 phút, khách hàng sẽ được thông báo về việc chuẩn bị nhận hàng. Hàng sẽ được giao đến một địa điểm công cộng gần nhà người mua, việc của người mua là bí mật đến nhận hàng. Với cách giao dịch này thì không ít người mua đã bị lừa khi lỡ chuyển khoản mà không nhận hàng.

 Bất ngờ với chợ pháo lậu hoạt động công khai trên Facebook, Zalo  - Ảnh 6.

Trao đổi với PV báo Gia đình và Xã hội, luật sư Lê Kiều Trang (Công ty Luật hợp danh The Light - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: "Theo quy định của pháp luật, "pháo nổ" thuộc danh mục hàng cấm do đó bất cứ hình thức mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh buôn bán đều là vi phạm pháp luật và có thể bị xem xét xử lý hình sự. Việc sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi mua bán "pháo nổ" là vi phạm pháp luật".

Đối với hành vi buôn bán trái phép pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 4, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng tùy theo số lượng.

Ngoài ra, hành vi buôn bán hàng cấm có thể bị xử phạt theo Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ (được sửa đổi bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP) với mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu TNHS.

Người buôn bán cũng có thể bị truy cứu TNHS về tội buôn bán hàng cấm với mức cao nhất của khung hình phạt tại khoản 3 Điều 190 là 15 năm tù.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày