Bật điều hoà xong tắt đi ngay có tốn điện không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai

Thu Phương, Theo Đời sống Pháp luật 20:46 24/08/2024
Chia sẻ

Dùng điều hoà đã lâu song không phải người dùng nào cũng biết về những lưu ý để dùng điều hoà tiết kiệm.

Nhắc đến loạt thiết bị làm mát phổ biến vào mùa hè, không thể không nhắc tới chiếc điều hoà. So với quạt máy, điều hoà được đánh giá cao hơn bởi ưu điểm làm mát sâu, làm mát nhanh. Cách sử dụng điều hòa cũng được đánh giá là rất đơn giản, dễ dàng điều khiển, tùy chỉnh theo nhu cầu cá nhân của mỗi người dùng. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng hiểu hết và nắm rõ các lưu ý cũng như các cách dùng điều hòa sao cho tiết kiệm và hiệu quả.

Trường hợp sau đây là một ví dụ. Nhiều người dùng, vì các lý do khác nhau, từ chủ quan đến khách quan, ngay sau khi bật điều hoà lại nhanh chóng tắt đi. Quá trình này diễn ra chỉ trong vòng khoảng 3-5 phút, thậm chí còn ngắn hơn.

Bật điều hoà xong tắt đi ngay có tốn điện không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

 Vậy hành động tắt điều hoà ngay khi thiết bị được bật có gây tốn điện hay không?

Chuyên gia đưa ra lời khuyên

Nhiều ý kiến cho rằng, vì chỉ khởi động điều hoà trong một thời gian rất ngắn, không duy trì thiết bị hoạt động trong vài giờ như thông thường, nên rõ ràng việc làm này không hề gây tốn điện là bao. Tuy nhiên theo các chuyên gia về điện lạnh cũng như thợ sửa điều hoà lâu năm, việc dù chỉ khởi động điều hoà trong vài phút rồi tắt đi ngay sau đó cũng tiêu hao một lượng điện năng không hề nhỏ.

Bởi theo nguyên lý hoạt động của điều hoà, thiết bị sẽ cần huy động công suất tối đa, gấp 3 lần so với công suất duy trì hoạt động, vào thời điểm khởi động. Cơ chế này giúp điều hoà nhanh chóng làm lạnh sâu, lạnh nhanh không gian, đến mức nhiệt độ được người dùng cài đặt.

Bật điều hoà xong tắt đi ngay có tốn điện không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 2.

Bước khởi động của điều hòa cần tới gấp 3 lần công suất thông thường để làm mát phòng (Ảnh minh họa)

Chính vì vậy có thể hiểu, chỉ cần bật điều hoà là thiết bị đã bắt đầu sử dụng điện năng. Việc điều hoà duy trì hoạt động trong thời gian vài tiếng, nếu người dùng biết cách điều chỉnh chế độ, nhiệt độ phù hợp, thì thiết bị vẫn sẽ phát huy được tốt hiệu quả làm mát, đồng thời không tốn nhiều điện năng như người dùng nghĩ.

Các chuyên gia đưa ra thêm lời khuyên rằng, nếu đã bật điều hoà, người dùng cần để thiết bị chạy ít nhất từ 15 - 20 phút. Đây được xem là mốc thời gian tối thiểu để điều hoà hoàn thành quá trình khởi động của mình. Nếu tắt trước mốc thời gian này, lâu ngày thiết bị sẽ dễ gặp phải các vấn đề hỏng hóc, chập bảng mạch, gây suy giảm tuổi thọ.

Ngoài ra, nếu diện tích không gian phòng, nhà cần làm mát lớn, phục vụ cho đông người, hay bị tác động bởi nhiều yếu tố khác như thời tiết bên ngoài nắng nóng, trong phòng có nhiều nguồn sinh nhiệt, thời gian tối thiểu này có thể kéo dài, lên tới 30 - 40 phút.

Bật điều hoà xong tắt đi ngay có tốn điện không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Sai lầm gây tốn điện khi dùng điều hoà

1. Tắt điều hoà ngay khi thấy đã đủ lạnh

Nhiều người nghĩ rằng việc tắt điều hoà ngay khi thấy điều hoà đã đủ lạnh, sau đó nếu thấy phòng giảm độ mát lại bật lên, sẽ giúp tiết kiệm được 1 điện năng. Bởi theo suy luận phổ biến, điều hoà sẽ được "nghỉ ngơi" trong một khoảng thời gian, từ đó cũng không tiêu tốn điện năng duy trì.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, điều hoà mỗi lúc khởi động sẽ tốn điện gấp 3 lần so với thông thường. Vì vậy việc tắt điều hoà khi thấy phòng đủ lạnh, sau đó lại liên tục bật lại - rồi lại tắt đi, không những không tiết kiệm mà còn "phản tác dụng".

Bật điều hoà xong tắt đi ngay có tốn điện không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

2. Điều chỉnh nhiệt độ thiết bị liên tục

Tương tự với hành động tắt đi - bật lại điều hoà nhiều lần, người dùng cũng không nên điều chỉnh, thay đổi nhiệt độ thiết bị liên tục. Máy nén sẽ liên tục cần duy trì công suất cao để đáp ứng nhu cầu thay đổi đó, từ đó tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Các chuyên gia khuyên rằng, nhiệt độ lý tưởng nhất để duy trì hoạt động của điều hoà, thiết bị vừa đạt hiệu quả tối ưu, vừa tiết kiệm điện, đó là từ 25 - 27 độ C. Vào ban đêm, người dùng có thể tham khảo mức 27 - 28 độ.

Bật điều hoà xong tắt đi ngay có tốn điện không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 5.

Ảnh minh họa

3. Lựa chọn chế độ không phù hợp

Sai lầm lựa chọn chế độ không phù hợp cũng rất phổ biến ở các gia đình dùng điều hoà. Thay vì sử dụng chế độ làm mát thông thường, nhiều người nghĩ dùng chế độ "Dry" vào mùa hè sẽ giúp tiết kiệm điện năng.

Tuy nhiên điều này là không đúng. Chế độ "Dry" không cung cấp gió mát mà sẽ chỉ có tác dụng làm khô, hút bớt ẩm trong không gian. Vì vậy sử dụng vào những ngày nắng nóng cao điểm sẽ khiến không gian không được làm mát, thậm chí trở nên bức bối, khó chịu hơn.

Bởi vậy, tuỳ vào thời điểm cũng như mục đích, nhu cầu, người dùng nên chọn chế độ ở điều hoà sao cho phù hợp. Với nhu cầu làm mát cơ bản, nên chọn chế độ Cool hoặc Auto. Nếu muốn tiết kiệm điện hơn, hãy kiểm tra xem điều hoà nhà mình có chế độ Eco hay không, hoặc ưu tiên lựa chọn các dòng điều hoà Inverter hoặc mang nhãn năng lượng 5 sao.

Bật điều hoà xong tắt đi ngay có tốn điện không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 6.

Bật điều hoà xong tắt đi ngay có tốn điện không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 7.

Người dùng cần lựa chọn chế độ điều hòa phù hợp với thời điểm (Ảnh minh họa)

Cuối cùng, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng không nên dùng điều hoà đã quá cũ vì lý do “tiếc rẻ”, bởi điều hoà quá cũ, máy sẽ càng chậm chạp, càng tốn nhiều điện. Đồng thời cần xây dựng kế hoạch vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị định kỳ để thiết bị được đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày