Bất chấp rủi ro, giá vàng đồng loạt tăng nóng, sát đỉnh. Ảnh minh hoạ
Ghi nhận vào cuối giờ sáng nay, vàng SJC tăng sát mốc 82 triệu đồng.
Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng SJC tại 79,6 - 81,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng mạnh 500.000 đồng/lượng so với giá hôm qua. Trước đó, vào đầu giờ sáng nay, vàng SJC còn đạt ngưỡng 81,7 triệu đồng/lượng.
Bảo tín Minh Châu có mức giá 79,5 - 81,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
DOJI giữ mức giá cho vàng miếng SJC tại 2 thị trường Hà Nội và TPHCM là 79,4 - 81,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Diễn biến giá vàng SJC từ 4/3 - 4/4/2024
Nguồn: Web giá vàng
Nhìn chung, thị trường vàng sau cuộc họp vào cuối tuần trước, về việc ổn định thị tường vàng giữa Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan, giá vàng đã "tạm ổn định" khi duy trì quanh ngưỡng 80 triệu đồng, mỗi phiên chỉ chênh nhau 100.000 – 200.000 đồng/lượng.
Cho tới phiên hôm qua (3/4), vàng SJC lại biến động bất thường khi tăng mạnh trở lại lên 81,6 triệu đồng/lượng, nhưng nhanh chóng hạ nhiệt xuống 81 triệu đồng/lượng vào cuối phiên chiều.
Trước tín hiệu về chính sách: đề xuất bỏ niêm yết vàng SJC, điều chỉnh ổn định giá vàng trong nước dựa trên cơ sở giá vàng thế giới khi có mức chênh lệch quá cao, khiến vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư/người mua vàng.
Cùng lúc đó, vàng nhẫn chưa hết "nóng" với đà tăng mạnh, áp sát mốc đỉnh 72,5 triệu đồng trước đó.
Bảo tín Minh Châu niêm yết mức giá cao nhất với 71,12 - 72,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng đã có mức giá 70,85 - 72,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
So với thời điểm khoảng 1 tháng trước, khi vàng nhẫn trong đà tăng mạnh, mức giá giữa các hãng kinh doanh vàng có sự chênh lệch lớn tới khoảng 1 triệu đồng. Đến nay, khoảng cách này đã được rút ngắn lại đáng kể.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang trong trạng thái tăng đứng, có thời điểm vượt 2.300 USD/ounce và giao dịch quanh ngưỡng này tại 2.298,2 USD/ounce.
Quy đổi sang VND, giá vàng thế giới đang có mức giá là 69,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC 12 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 2,6 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới hiện tại
Nguồn: Kitco
Vàng thế giới được đánh giá phi mã từ nhu cầu phòng ngửa rủi ro từ căng thẳng địa chính trị leo thang, cụ thể Ukraine tiếp tục chiến dịch dùng thiết bị bay không người lái để tấn công hạ tầng dầu khí của Nga, hay tại Trung Đông, Iran đã khẳng định sẽ trả đũa Israel sau khi cáo buộc tấn công nước này không kích lãnh sự quán Iran ở Damascus, Syria khiến 7 sỹ quan thiệt mạng.
Dự báo giá vàng
Vàng đang tăng mạnh nhưng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro từ chính sách tiền tệ và đồng USD.
Mới đây, trong cuộc trao đổi với CNBC ngày 3/4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta, ông Raphale Bostic đã nhận định, Fed sẽ chỉ giảm lãi suất duy nhất 1 đợt trong năm nay vào quý 4. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết, Fed cần có thêm căn cứ về giảm lạm phát trước khi bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trước sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, khả năng việc hạ lãi suất của Fed đang dần bị thu hẹp.
Đặt cược cho cuộc họp tháng 5 của Fed, có tới 99% nhà giao dịch cho rằng lãi suất sẽ không thay đổi (theo công cụ FedWatch Took của CME). Khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 6 đã giảm xuống còn hơn 62% (trước đó 1 tuần là 70%).
Hơn nữa đồng USD đang có tín hiệu tăng nhẹ trở lại, vào trưa nay, giá USD đã tăng khoảng 60 đồng so với thời điểm này hôm qua.
Dù vậy, không ít giới chuyên gia, nhà đầu tư vẫn hy vọng giá vàng tiếp tục được thúc đẩy đến từ yếu tố bất ổn địa chính trị tại Ukraine - Nga và Trung Đồng. Lực mua đối với vàng nhằm có chỗ trú an toàn giữa bối cảnh này giúp vàng chống chọi trước bất lợi về lãi suất.
Ngoài ra, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong ở New York cho rằng, từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 11%, vàng đã thành công trong việc vượt mốc 2.300 USD/ounce. Do vậy, đà tăng mạnh này sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới sẽ nhảy vào thị trường, vàng từ đó có thêm động lực tăng giá.