Quán bắp nướng của vợ chồng anh Tý (37 tuổi) và chị Vân (28 tuổi) trên đường Nguyễn Kim (quận 10) luôn tấp nập khách hàng đến mua vào mỗi buổi tối. Khách hàng lần đầu đến đây sẽ hơi ngạc nhiên với quy định của chủ quán. Đó là ai đến ăn phải ngồi đợi từ 15- 20 phút, những lúc "quá tải", có khi người ta phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới có thể thưởng thức một phần bắp nướng. Đặc biệt nếu nóng vội, hối thúc chủ quán làm nhanh thì khách sẽ bị từ chối phục vụ.
Clip: Hàng bắp nướng vỉa hè đông khách nhất Sài Gòn - Thực hiện: Quỳnh Trân
Quán "Bắp Chờ" độc đáo duy nhất ở Sài Gòn.
Hàng bắp nướng "thách thức" lòng kiên nhẫn của người Sài Gòn
Khoảng 19h30, quán bắp nướng vỉa hè của anh Tý và chị Vân bắt đầu nhộn nhịp khách đến. Người ngồi trên xe chơi điện tử, người ngồi trên ghế nhâm nhi ly nước mía kiên nhẫn chờ để được thưởng thức 1 phần bắp nướng mỡ hành "thần thánh" gây xôn xao thời gian gần đây.
Để ăn bắp ở đây thực khách phải chờ khá lâu.
Ngồi bên bếp than hồng, đôi tay anh Tý thoăn thoắt xoay những trái bắp trông rất điệu nghệ. Dù cũng đang rất bận rộn với việc làm thức ăn cho khách, nhưng chị Vân vẫn tranh thủ kể cho chúng tôi nghe về sự tích quán "Bắp Chờ".
Anh Tý thoăn thoắt bên bếp than, liên tục lột vỏ, cho bắp lên lò nướng để phục vụ khách.
"Chồng chị thì sáng đi làm thợ sửa điện tử, còn chị thì bán nước mía vỉa hè. Quán bắp này vợ chồng chị bán được 3 năm rồi, chỉ bán buổi tối thôi. Lúc mới mở không phải đông như vầy đâu. Vợ chồng chị cũng thất bại nhiều lần, rồi cũng tìm đến mấy nơi mà người ta đồn là bán bắp nướng ngon để ăn thử và học hỏi" - chị Vân tâm sự.
Sau nhiều lần không thành công anh Tý đã rút ra kinh nghiệm để cải thiện món bắp nướng của mình. Nhờ đó mà quán của anh đã làm ra một loại nước mỡ hành rất đặc biệt, hương vị thơm ngon.
Nhờ rút kinh nghiệm sau nhiều năm mà anh Tý đã tạo ra một loại nước mỡ hành rất ngon.
Mỡ hành chính là thứ khiến một phần bắp nướng trở nên thơm ngon hơn.
Một điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt là nếu ở các quán khác, người ta nướng bắp và làm mỡ hành sẵn để khi khách đến có thể ăn ngay, thì ở quán của anh Tý chỉ khi nào khách đến thì anh mới bắt đầu nướng bắp và làm mỡ hành tại chỗ để món ăn được giữ nguyên hương vị. Anh nói rằng nếu làm trước thì bắp sẽ bị nguội và không còn dẻo như lúc mới nướng.
Đó cũng là lý do chính mà quán của anh Tý có tên là quán "Bắp Chờ". "Không phải mình bắt ép khách phải chờ, nhưng đặc trưng của cái món này nó như vậy. Phải chịu khó chờ thì mới có được món ăn ngon. Ai tới đây ăn cũng hiểu nên ít có khách phàn nàn vì đợi lâu" - anh Tý chia sẻ.
Khách kiên nhẫn chờ và không tỏ ra khó chịu. Lâu lâu vợ chồng chủ quán lại cười nói khiến mọi người đều cảm thấy thoải mái.
Nói thêm về dòng chữ "không nhận đặt" trên biển hiệu của quán, chị Vân thật tình kể: "Trước đây chị cũng thử nhận đặt qua điện thoại để người nào bận rộn không phải mất thời gian chờ. Nhưng gặp phải nhiều trường hợp rất khó xử là khách hàng đặt 8h đến lấy bắp mà 8h vẫn không thấy đến, mình tưởng không đến, nên bán cho người khác, thế rồi hôm sau họ bảo là hôm qua bận không đến lấy được, nên hôm nay phải chừa cho họ, rồi họ chửi, mà toàn chửi bậy, nên từ đó anh chị không nhận đặt nữa. Ai muốn ăn thì đến trực tiếp xếp hàng, ai đến trước thì có trước ai đến sau thì có sau, công bằng".
Ở "Bắp chờ", người ta tạo thói quen về văn hóa có trước có sau, sự lịch sự và công bằng.
Khách đến sẽ được phát thẻ thứ tự để được phục vụ.
Áy náy vì những đêm khách đông đột biến
Những ngày qua, thông tin về quán "Bắp Chờ" được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều trên facebook khiến lượng khách kéo đến quán đông đột biến. Dù chỉ mới 8h đêm mà xe máy đã đỗ ngổn ngang, tràn ra đường để chờ thưởng thức bắp nướng của anh Tý. Dòng người kéo đến dài đến tận mấy căn nhà.
Những ngày gần đây lượng khách đến đông đột biến khiến thực khách phải chờ lâu hơn.
Gia đình anh Phúc (quận 12) gồm 4 thành viên, đã đến chờ gần 2 tiếng đồng hồ để thưởng thức món bắp nướng mà cư dân mạng đang truyền tai nhau. Anh Phúc chia sẻ: "Tôi đọc thông tin trên mạng, nghe đồn là quán làm mỡ hành ngon, nên dẫn vợ và hai con đến ăn thử. Đây là lần đầu tiên tôi đưa gia đình đi ăn mà phải đợi lâu như vậy. Nhưng cảm giác không khó chịu. Và thật sự đây cũng là một cách để thử thách lòng kiên nhẫn của thực khách (cười)".
Nếu như trước đây, khách chỉ chờ 15 - 20 phút để được thưởng thức món ăn, thì những ngày này khách có thể sẽ phải chờ đến tận 1 giờ, thậm chí là 2 giờ đồng hồ. Có khi cất công đến nhưng đã không còn bắp.
Nhìn lượng khách đến chờ quá đông, anh Tý thật tình nói: "Nhìn mọi người chờ quá lâu để được ăn bắp anh cảm thấy rất áy náy trong lòng. Phải chờ đến 1 tiếng để ăn 1 trái bắp, nói thật bắp có ngon thì cũng ít ai muốn quay lại".
Để ăn 1 phần bắp nướng mà phải chở tận hơn 1 tiếng, liệu bạn còn muốn quay lại?
Anh Tý cho biết vợ chồng anh rất sợ những kiểu phong trào rộ lên nhanh rồi lại chìm xuống một cách nhanh chóng. Lấy ví dụ như câu chuyện về món xoài lắc một thời khiến người Sài Gòn phải xếp hàng dài để mua, rồi một thời gian sau người ta cũng lãng quên nó.
Chị Vân cho biết: "Với sức của anh chị thì mỗi buổi tối chỉ bán được tối đa là 100 trái bắp, nên dù khách có tăng lên thì cũng không bán được hơn. Người ta nói là sao không thêm lò nướng, mướn thêm người để đáp ứng nhu cầu của khách. Nhưng thật tình là việc buôn bán ngoài vỉa hè đâu phải là muốn làm gì thì làm, và vợ chồng chị cũng chỉ muốn bán vừa đủ để sáng anh Tý còn đi làm".
Vợ chồng anh Tý khá mệt mỏi vì khách tăng đột biến, nhưng họ vẫn luôn vui vẻ đón tiếp.
Những ai không ăn bắp nguyên trái thì chị Vân sẽ gọt lấy hạt bắp.
Vợ chồng anh Tý chỉ muốn thực khách nào đến quán cũng đều được phục vụ một cách thoải mái nhất, không phải chờ quá lâu.
Anh Tý quay sang nói với tôi: "Làm nghề gì cũng vậy nếu mình đặt hết cái tâm của mình vào công việc thì mình mới thành công".
Đêm cũng đã khuya, bắp cũng đã bán hết, anh chị tranh thủ dọn dẹp quán để về nhà. Họ cũng chỉ mong rằng trong thời gian này khách sẽ thông cảm vì phải chờ lâu hơn bình thường, nhưng hãy đợi qua "cơn bão" rồi "Bắp Chờ" sẽ trở lại như những ngày bình thường của nó.