14h00, Hà Nội bắt đầu có mưa lớn, bão trên diện rộng.
Khu vực đường Giải Phóng chìm trong biển nước
Nhiều phương tiện di chuyển gặp nhiều khó khăn
Người dân trú tạm bên đường vì không thể di chuyển được
Bão số 3 đổ bộ khiến các phương tiện phải tấp vào lề ở Keang Nam.
15h30, Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện bão số 3 đã vào đất liền và đang hướng vào phía các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và hướng vào phía Nam Hà Nội.
Từ trưa đến nay, theo số liệu đo đạc tại Hà Nội thì gió đang giật cấp 6; khu vực Láng 20m/s, Sơn Tây giật cấp 6, Ba Vì gió giật cấp 6. Vùng mây lớn vẫn đang bao trùm Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ.
Dự báo khu vực Hà nội trong 3-4 giờ tới có mưa lớn, gió giật mạnh.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cũng khuyến cáo tất cả mọi người không nên ra đường, đặc biệt, người đi xe máy, kể cả ô tô cũng không nên lưu thông qua những cây cầu như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân.
16h00, Khu vực Ngã Tư Sở nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước, một số xe máy của người dân bị chết máy ngang đường.
Nước mưa ngập sâu nhiều tuyến phố. Ảnh: Nguyễn Thế Đại
Khu vực đầu đường Lê Trọng Tấn - Thanh Xuân, nước mưa trắng xoá đường, ngập qua bánh xe máy. Ảnh: Nguyễn Thế Đại
Tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng nước ngập khoảng 20cm các phương tiện có thể lưu thông. Ảnh: Nguyễn Thế Đại
16h10, Mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra, trên một số tuyến phố lực lượng CSGT được tăng cường chủ yếu phân luồng các tuyến có nguy cơ cao về ngập úng, đổ cây và hỗ trợ các lực lượng khác khi bão số 3 đổ bộ.
Một cây xanh mới trồng cũng bị gió lớn quật ngã ra đường. Ảnh: Định Nguyễn
Một số quầy bán bánh Trung thu trên khu vực Mễ Trì bị gió quật đổ sập. Ảnh: Định Nguyễn
16h25, Hiện tại: Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa to.
Khu vực đường Lương Thế Vinh ngập khá sâu, đi lại gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Thế Đại
16h34, Mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra trên diện rộng, càng về chiều lượng phương tiện lưu thông trên đường ngày càng gia tăng, nhiều tuyến đường bắt đầu xuất hiện ùn tắc cục bộ.
Khu vực đường Phạm Văn Đồng, nước mưa dâng ngập bánh xe. Ảnh: Hoàng Hải
Mật độ phương tiện ngày một đông, xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ. Ảnh: Định Nguyễn.
Khu vực đường Phạm Văn Đồng ùn tắc cục bộ. Thực hiện: Thế Long Nguyễn
16h45, Khu vực Dương Nội (Hà Đông) đã ngớt mưa, tuy nhiên trên nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước, nhiều phương tiện không thể di chuyển được.
Nhiều phương tiện phải đi sát vào mép đường để tránh nước ngập. Ảnh: Lê Bảo
Tại đây, lực lượng chức năng phải huy động máy bơm để thoát nước. Ảnh: Lê Bảo
17h00, Khu vực Mễ Trì - Nam Từ Liêm, một số người đổ xô ra đường để bắt cá, mặc dù mưa bão nhưng mọi người tập trung khá đông trên vỉa hè.
Nhiều người mang theo rổ nhựa đổ xô ra vỉa hè bắt cá. Ảnh: Thành Chung
Khu vực Mễ Trì vẫn ngập sâu trong nước. Ảnh: Thành Chung
17h20, Khu vực đường Phan Chu Trinh, một cây lớn đổ đè bẹp chiếc ô tô 4 chỗ, kéo theo 1 cây cột điện đổ vào nhà dân phá bên kia đường khiến giao thông qua đây bị cản trở.
Khu vực đường Phan Chu Trinh có một cây xanh cổ thụ đổ đè lên chiếc Ford khiến chiếc xe này bẹp phần đầu. Ảnh: Nguyễn Thế Đại
Cửa sau bên trái của chiếc ô tô bị bẹp dúm, biến dạng. Ảnh: Nguyễn Thế Đại
Cây xanh đổ kéo theo 1 cây cột điện bị nghiêng, ngả thẳng vào nhà dân. Ảnh: Nguyễn Thế Đại
17h40, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì họp trực tuyến với toàn bộ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với cơn bão số 3.
Theo đó, đã có một số cây đổ và cành cây gãy, một số điểm úng ngập xảy ra sau trận mưa chiều tối 18/8 và sáng 19/8. Có một số thiệt hại về nhà bị tốc mái, một số xe ô tô bị cây đổ đè bẹp... Bước đầu có hai người bị thương do cây đổ vào người.
Chủ tịch yêu cầu các đơn vị thường trực công tác PCLB phải ứng trực 100% quân số, trong đó có các đơn vị thoát nước, công viên cây xanh. Các thiệt hại do cơn bão gây ra cần được thống kê ngay và báo cáo về một đầu mối là Văn phòng UBND thành phố để tổng hợp, báo cáo, xử lý.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo phải tính đến mọi khả năng xảy ra khi bão đổ bộ và đi qua thành phố. Trước mắt, yêu cầu các quận huyện rà soát kỹ lại vấn đề nhà ở nguy hiểm và có phương án di dân kịp thời, phải rút kinh nghiệm từ vụ sập nhà Cửa Bắc; hệ thống loa truyền thanh phường xã phải tăng cường phát huy, cảnh báo người dân hạn chế ra đường.
Đối với vấn đề ngập úng, thành phố cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý và sẽ phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho hệ thống hạ tầng thoát nước.