Bão số 3 Wipha sắp đổ bộ vào đất liền
Theo bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Trung ương lúc 7h sáng ngày 21/7, vị trí tâm bão số 3 đang ở khoảng 21.3 độ Vĩ Bắc; 109.9 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 222 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Dự báo từ ngày 21 đến đêm 22/7, các tỉnh Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 170–280mm, một số nơi có thể vượt 450mm. Các khu vực còn lại ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa đến to (80–160mm), cục bộ có nơi trên 250mm.
Cảnh báo đáng lưu ý là mưa lớn với cường độ cao, vượt ngưỡng 150mm trong vòng 3 giờ, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng nghiêm trọng tại vùng trũng thấp, khu công nghiệp, đô thị. Trong mưa dông, nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, sét đánh, mưa đá và gió giật mạnh là rất cao.
Dự báo xa hơn trong các ngày 24–25/7, mưa lớn khả năng vẫn tiếp tục tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, với cường độ mưa vừa đến to, có nơi mưa rất to.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá hiện đang ở cấp 1. Tuy nhiên, người dân tại các vùng núi cần đặc biệt cảnh giác với nguy cơ lũ quét và sạt lở đất; tại vùng trũng thấp và đô thị cần đề phòng ngập úng trên diện rộng.
Bão số 3 đang tiến sát đất liền. (Ảnh Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)
Trước những diễn biến của tình hình bão số 3, để đảm bảo an toàn cho người dân, Chính phủ đã có công điện số 112/CĐ‑TTg ngày 19/7/2025 yêu cầu:
- Kiểm đếm, cấm biển, hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm;
- Sơ tán dân cư khỏi vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, tổ chức lực lượng “4 tại chỗ”;
- Bảo vệ hạ tầng thiết yếu: viễn thông, điện lực, giao thông; sẵn sàng ứng cứu;
- Truyền thông kịp thời về diễn biến bão và kỹ năng phòng chống bão.
Người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn?
Ngoài ra, theo các chuyên gia để phòng ngừa, bảo đảm an toàn trước những nguy cơ có thể xảy ra do bão số 3, người dân cần ghi nhớ 8 lưu ý sau:
1. Đối với người dân ven biển, vùng trũng, đảo
- Tuyệt đối không ra khơi, neo đậu tàu thuyền ngoài vùng an toàn;
- Gia cố nhà cửa, chằng chống lồng bè thủy sản, bảo vệ tài sản;
- Sơ tán người và vật dụng đến nơi cao ráo theo hướng dẫn của chính quyền.
2. Đối với người dân vùng núi, trung du
- Hạn chế đi lại tại các khu vực suối, khe, đèo dốc dễ sạt lở;
- Chuẩn bị sẵn đèn pin, lương thực, nước sạch đủ dùng nhiều ngày đề phòng trường hợp bị cô lập;
- Rời khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
3. Đối với khu vực đô thị, thành thị vùng trũng
- Rút phích điện các thiết bị điện không cần thiết;
- Không trú dưới mái tôn, cây lớn, biển quảng cáo trong thời điểm có gió mạnh.
Ngành y tế kích hoạt chế độ ứng phó khẩn cấp
Để chủ động ứng phó với bão số 3, ngành y tế đã kích hoạt chế độ ứng phó khẩn cấp. Ngày 19/7, Bộ Y tế đã ban hành công điện yêu cầu các Sở Y tế và đơn vị trực thuộc tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ khẩn trương thực hiện:
- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
- Theo dõi sát tình hình mưa bão, lũ quét, sạt lở và rà soát các phương án phòng chống phù hợp với diễn biến thực tế tại địa phương.
- Duy trì trực cấp cứu 24/24, đảm bảo không gián đoạn công tác điều trị. Chủ động sơ tán các cơ sở y tế tại vùng trũng, có nguy cơ bị ngập, sạt lở.
- Tăng cường vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trước, trong và sau bão.
- Báo cáo thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ vượt khả năng địa phương về Bộ Y tế để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ kịp thời.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống thiên tai xảy ra, đồng thời đảm bảo công tác khám, chữa bệnh diễn ra an toàn, thông suốt.