Bão sa thải "giật cấp 12" vẫn không thể ảnh hưởng được đến ngành nghề này!

Huỳnh Đức, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 03/03/2023

Nhu cầu tuyển dụng ngành nghề này rất lớn bất chấp bão sa thải.

Bão sa thải quét qua đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các công việc liên quan đến an ninh mạng trên thực tế còn có thể tăng về nhu cầu bất chấp cơn bão này. Bởi lẽ, những người làm về mảng an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro bị tấn công mạng.

Trong nghiên cứu của ISC2 đối với 1.000 giám đốc điều hành của C-suite ở 5 quốc gia: Đức, Nhật Bản, Singapore, Anh và Mỹ - gần một nửa giám đốc điều hành cấp cao cho biết họ "rất có thể" sẽ phải sa thải nhân viên trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ có 10% công ty có khả năng cắt giảm nhân viên làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng, so với mức trung bình 20% ở các lĩnh vực khác.

ISC2, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu và là hiệp hội lớn nhất của các chuyên gia an ninh mạng, cho biết tại Singapore, 68% công ty cho rằng việc sa thải nhân viên là cần thiết khi nền kinh tế rơi vào vùng trũng. Tuy nhiên, chỉ 15% có khả năng sẽ giảm các vị trí liên quan đến an ninh mạng, trong khi con số này với các lĩnh vực khác như nhân sự hay marketing lần lượt là 32% và 28%.

Bão sa thải giật cấp 12 vẫn không thể ảnh hưởng được đến ngành nghề này! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: The New York Times

Tại sao ngành an ninh mạng lại "an toàn" trong bão sa thải?

Dữ liệu Jobs on the Rise mới nhất của LinkedIn tiết lộ rằng, các kỹ sư an ninh mạng và chuyên gia tư vấn an ninh mạng là một trong những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao nhất ở Singapore trong năm nay.

Ông Sall - Tổng giám đốc công nghệ của Randstad Singapore, cho biết vai trò của an ninh mạng ở Singapore và trên toàn cầu đã tăng lên trong những năm gần đây do "sự chuyển đổi kỹ thuật số" trong các ngành công nghiệp khác nhau. Ông nói thêm: "Những tiến bộ này đã thúc đẩy nhu cầu về các chuyên gia an ninh mạng có kinh nghiệm để xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số an toàn".

Còn theo Pooja Chhabria - Trưởng ban biên tập khu vực châu Á - Thái Bình Dương của LinkedIn, nguy cơ gia tăng các mối đe dọa trên mạng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu tuyển dụng chuyên gia an ninh mạng cao hơn.

Đây là lý do tại sao 42% công ty được khảo sát cho biết họ dự đoán sẽ tăng nhân sự cho an ninh mạng - mức cao nhất trong số tất cả các vị trí công việc - bất chấp những khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực an ninh mạng không tránh khỏi những khó khăn. Tỷ lệ các công ty muốn tăng nhân sự ở các ngành khác như sau: Tài chính (27%); Quản trị Nguồn nhân lực (25%); Marketing (28%); Sale (28%).

Cụ thể, trong một cuộc khảo sát của Citi vào tháng 11 năm 2022 đối với các "ông lớn" công nghệ hàng đầu cho thấy họ kỳ vọng ngân sách cho nhân sự công nghệ thông tin (CNTT) chỉ tăng 1,8% trong 12 tháng tới - tiếp tục xu hướng giảm kể từ mức 5,6% vào tháng 9 năm 2021. Tuy nhiên, an ninh mạng vẫn là "ưu tiên hàng đầu với mức độ tuyển dụng lớn" trong ngân sách CNTT.

Bão sa thải giật cấp 12 vẫn không thể ảnh hưởng được đến ngành nghề này! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: The Wall Street Journal

Quay trở lại với Việt Nam, theo ông Nguyễn Gia Đức - Giám đốc quốc gia của Fortinet tại thị trường Việt Nam, trong quý IV-2022, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có tới 44 triệu mối đe dọa về an ninh mạng, liên quan đến virus, botnets, Exploits... Con số đó cho thấy tầm quan trọng của nhân sự làm trong ngành an ninh mạng ở Việt Nam là rất lớn.

Các yếu tố khách quan và chủ quan kết hợp khiến ngành an ninh mạng trở thành ngành có nhu cầu tuyển dụng cao tại nước ta. Hiện tại, kỹ sư an ninh mạng là vị trí mà các doanh nghiệp trong nước hay những tập đoàn đa quốc gia đều cần, bởi Internet trở thành nền tảng hoạt động chủ yếu. Từ các công ty hoạt động lĩnh vực về công nghệ cao, viễn thông... đến hệ thống các công ty tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bệnh viện, trường học… đều cần vị trí này.

Theo một báo cáo trên Jobsgo, mỗi năm có hơn 15.000 nhân sự an ninh mạng được tạo cơ hội việc làm và thu nhập thuộc top 10 ngành cao nhất. Còn theo Joboko, thu nhập của nhân sự ngành an ninh mạng tính đến cuối năm 2019 đã nằm trong khoảng 1.500 - 3.000 đô la/ tháng, tương đương với khoảng hơn 35 triệu đồng - 71 triệu đồng.

Cơ hội cho nhân viên công nghệ bị sa thải

Những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Amazon, Google và Microsoft, cùng với các công ty từ Salesforce đến Zoom, đã tuyên bố cắt giảm việc làm trong vài tháng gần đây. Nhưng theo ISC2, những nhân viên công nghệ bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải gần đây cũng có thể được hưởng lợi từ việc tăng nhu cầu tuyển dụng cho ngành an ninh mạng.

ISC2 cho biết: "Có thể nhiều người trong số những cá nhân đó sẽ tìm thấy cơ hội theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực an ninh mạng, nơi họ có thể áp dụng các kỹ năng và kiến thức chuyên môn liên quan".

Bão sa thải giật cấp 12 vẫn không thể ảnh hưởng được đến ngành nghề này! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: The Wall Street Journal

Chhabria của LinkedIn cho biết kỹ sư phần mềm và kỹ sư hệ thống là hai lĩnh vực mà có thể "tay ngang" sang an ninh mạng dễ dàng nhất. Theo một báo cáo khác của ISC2, những công ty đang trong một xu hướng tuyển dụng mang tên "các phòng ban khác thường". Theo đó, họ sẽ tuyển dụng những người có chuyên môn phi kỹ thuật như: chăm sóc dịch vụ khách hàng, truyền thông, nhân sự để vào làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Rosso cho biết: "Điều này phần lớn là do tư duy thay đổi từ việc chỉ tập trung vào các kỹ năng kỹ thuật của ứng viên sang tuyển dụng những người có năng lực phi kỹ thuật. Khi được nhận vào, những người làm trái ngành nghề sẽ được đào tạo để xây dựng các kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến kỹ thuật công nghệ".

Clar Rosso - CEO của ISC2 khẳng định: "Những cá nhân sở hữu các kỹ năng như: giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp hiệu quả… sẽ tiến xa trong nghề này".

Theo Make it