Mô hình kiến trúc này phản ánh nền văn hóa cộng đồng cần cù của Việt Nam và gợi lại những ảnh hưởng từ kiến trúc thời kỳ thuộc địa trước đó.
Những tòa nhà nhỏ nhắn, kết hợp vừa là nơi ở của gia đình và cũng là nơi buôn bán, tiếp tục giữ vị trí nổi bật về kiến trúc ở Việt Nam ngay cả khi các tòa chung cư hiện đại được đang thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.
Cấu trúc nhà ống. Ảnh: Bloomberg
Những cấu trúc này - được người dân địa phương gọi là nhà ống - làm nên cảnh quan đường phố của Việt Nam và đặc biệt là khu phố cổ Hà Nội, một khu phố gồm 36 phố ở trung tâm thành phố.
Các con phố được đặt tên theo các ngành nghề buôn bán của khu phố, chẳng hạn như Hàng Tre, Hàng Đồng và Hàng Bạc. Những căn nhà ống này là nơi sinh sống của những gia đình nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình không có quan hệ huyết thống cùng sống chung trong một căn nhà ống cũng rất phổ biến.
"Đó là một nét văn hóa cộng đồng bắt nguồn từ cuộc sống làng quê", Tống Mạnh Hải, một kiến trúc sư, người đã thiết kế lại một phần cửa hàng buôn bán của gia đình thành một quán trà sơn màu rực rỡ với những bức tranh đương đại và những chiếc ghế gỗ, nói.
Quán trà được thiết kế lại. Ảnh: Bloomberg
Ngôi nhà nhìn ra con phố nơi những người phụ nữ lớn tuổi đội nón lá bán vải và đồ gia dụng trên những chiếc xe đẩy.
Quán trà chiếm 2 tầng của căn nhà. Ngay phía trên quán trà là nhà bếp, phòng tắm và phòng khách của chủ nhà. Một gác lửng kê chiếc giường ngủ, dưới mái hiên là kho chứa bàn ghế của quán trà, và một bàn thờ tổ tiên. Các phòng không lớn, nhưng mỗi tầng đều có ban công râm mát nhìn ra đường để có thêm không gian bên ngoài.
Khu phố cổ phát triển từ văn hóa làng nghề; những người thợ thủ công và thương nhân ban đầu xây dựng các gian hàng trong chợ trước khi xây dựng các khu nhà ở phía sau.
Michael DiGregorio, chuyên gia về quy hoạch đô thị, cho biết, khi các đường phố chật kín xe cơ giới và xe xích lô ba bánh, người Pháp đã thiết kế lại các tòa nhà với tầng một là không gian thương mại, giống với các cửa hàng buôn bán quay mặt ra đường ở các thị trấn nông thôn của Pháp.
Các sân trong ngăn cách khu vực buôn bán và sinh hoạt cuối cùng đã trở thành một phần của cửa hàng khi căn nhà được mở rộng sâu vào bên trong.
Sau chiến tranh, phần lớn trung tâm thành phố bị phá hủy và tạo ra tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng, DiGregorio nói. Một số gia đình đã thuê các cửa hàng từ chính phủ và được phép mua lại toàn bộ hoặc một phần của căn nhà.
Đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tinh thần kinh doanh của đất nước đã được đánh thức trở lại sau các cải cách đổi mới, đưa đất nước hướng tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu phố cổ lại một lần nữa nhộn nhịp với hoạt động kinh doanh.
Giờ đây, các gia đình sống trong các khu nhà nằm khuất sau hoặc phía trên một loạt cửa hàng kinh doanh, từ cửa hàng tơ lụa đến cửa hàng điện tử trong diện tích nhỏ chỉ bằng tủ quần áo. Các căn shophouse (kết hợp nhà ở và nơi buôn bán) ở Hà Nội cho thấy ảnh hưởng từ thời Pháp thuộc với trần nhà cao, cửa sổ chớp mở ra ban công và tường xi măng dày để chống nóng ẩm.
Ngày nay, một số chủ cửa hàng chuyển sang kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch với các quán bar, cửa hàng lưu niệm và khách sạn.
DiGregorio cho biết, các căn ở phố cổ thường có chiều rộng từ 5 - 7m và cao từ hai tầng trở lên.
Kiến trúc sư Hải cho biết giá trị của một căn shophouse phụ thuộc vào vị trí của nó, nếu con phố càng sầm uất thì giá trị của căn nhà càng lớn. Anh cho biết, tòa nhà rộng 100m2 hiện anh đang mở quán trà dọc theo trục đường chính, phố Hàng Gai, và có thể được bán với giá lên tới 120 tỷ đồng (5,2 triệu USD).
Gần đây, kiến trúc nhà phố thương mại có ở Việt Nam đang đối mặt với thách thức trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của quốc gia mong muốn có được những tiện nghi và tiện nghi tiêu chuẩn quốc tế.
Mô hình này cũng phải cạnh tranh với các trung tâm mua sắm mới rộng lớn cung cấp dịch vụ mua sắm và giải trí có điều hòa nhiệt độ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà phát triển đã xây dựng các khách sạn cao cấp, khu phức hợp văn phòng và các dự án khu dân cư mới.
"Họ có tầm nhìn về Việt Nam giống như Bangkok hay Singapore", DiGregorio nói.
Tuy nhiên, người Việt Nam không hoàn toàn từ bỏ shophouse. Ngay cả khi một số chủ sở hữu ở phố cổ chuyển đến các khu dân cư hiện đại để có thêm không gian và tiện nghi như bể bơi và siêu thị, các thành viên gia đình hoặc người thuê nhà vẫn ở trong những ngôi nhà lịch sử để coi sóc hoạt động kinh doanh.
Và họ vẫn có xu hướng giữ lại tinh thần cộng đồng của mô hình cũ, chia sẻ mọi thứ, từ người trông trẻ đến công việc mua sắm với hàng xóm, DiGregorio nói.