Việc chúng ta vệ sinh tủ lạnh thường xuyên sẽ ngăn các mùi khó chịu, máy móc vận hành êm hơn, kéo dài tuổi thọ cho máy. Bên cạnh đó, thức ăn dự trữ sẽ được đảm bảo chất lượng, tươi ngon và hợp vệ sinh hơn khi đủ độ lạnh bảo quản. Vì thế vệ sinh thường xuyên và vệ sinh tủ lạnh đúng cách là điều mà bạn nên làm để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Bao lâu cần làm sạch ngăn đông?
Công việc vệ sinh ngăn đông tủ lạnh thường là phần việc đứng gần cuối trong danh sách các việc bếp núc - vì mọi người hay nghĩ là cái tủ đông đá đằng nào cũng sẽ không có vấn đề gì, đúng không? Thật ra là không hoàn toàn là như vậy!
Nếu bạn đã từng làm dây bẩn bất cứ thứ nước gì trong khi đặt hộp đựng hay đĩa thức ăn vào tủ đá rồi để nguyên như vậy, hẳn là trong tủ đông đá sẽ có mùi đấy! Bỗng một ngày bạn mở cửa tủ và chợt nhận ra rằng tủ đông đá đang bốc mùi, nghĩa là đã đến lúc vệ sinh tử tế rồi nhé!
Việc vệ sinh tủ lạnh thì không thể có con số cố định được mà phụ thuộc vào số lượng thực phẩm ở trong tủ lạnh hàng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên vệ sinh ngăn đông tủ lạnh 2-3 lần/tháng.
Tùy vào dung lượng và loại thực phẩm đựng trong ngăn đông, bạn cân nhắc thời gian làm sạch nhiều hơn 1 lần/tháng. Thời gian dọn sạch tầm 2 - 3 lần/tháng là tốt nhất, tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo hoặc tạo mùi hôi khó chịu.
Đối với các tủ lạnh dùng đã lâu năm, khi thấy ngăn đá đóng tuyết nhiều đây là dấu hiệu giúp bạn nhận biết đã đến lúc cần xả tuyết cho tủ nếu không muốn hỏng block, tủ lạnh hoạt động liên tục dẫn đến hao tốn điện năng, làm giảm tuổi thọ của máy.
Một số tủ lạnh hiện nay được trang bị nút rã đông tích hợp sẵn trong bảng điều khiển nhiệt độ trong tủ. Khi thấy băng tuyết tích tụ có độ dày khoảng 6mm thì bạn nên rã đông cho tủ.
Còn đối với ngăn mát, thì dấu hiệu dễ nhận biết nhất để bắt tay vào dọn dẹp là tủ lạnh có mùi hôi. Điều này cảnh báo tình trạng tủ lạnh bị bỏ bê quá lâu. Khi dọn dẹp đừng cố giữ lại những thức ăn cũ bạn đã cất giữ quá 4 ngày.
Đồ chín chỉ còn có thể ăn được khi bảo quản không quá 4 ngày, được đựng trong hộp kín để không bị vi khuẩn ở đồ tươi sống tấn công, ảnh hưởng sức khỏe.
Các vết dây bẩn thức ăn đóng trong đá thường là nguồn gốc của những mùi khó chịu trong tủ đông đá
Cách dọn dẹp tủ lạnh nhanh chóng, sạch sẽ
- Công việc quan trọng nhất trước khi vệ sinh tủ lạnh là ngắt nguồn điện bằng cách rút dây nguồn điện ra khỏi ổ cắm.
- Sau khi đã ngắt nguồn điện, hãy bỏ toàn bộ thực phẩm đang trữ trong tủ lạnh ra ngoài và phân loại cẩn thận các loại thực phẩm cũ mới, tươi sống, rau củ quả,… Những thực phẩm đã để quá lâu hoặc hết hạn sử dụng cần vứt bỏ ngay lập tức.
Đối với thức ăn còn thừa cần cho vào hộp kín đậy nắp cẩn thận, tránh để mùi thức ăn thoát ra tủ lạnh. Thực phẩm tươi sống và có mùi tanh như cá, thịt,…nên được làm sạch và bọc ít nhất 2 lớp túi trước khi cho vào tủ.
- Sau khi thực phẩm đã được bỏ hết ra ngoài, bạn đồng thời tháo luôn các ngăn tủ, kể cả ngăn đựng nước hay đá ra ngoài. Đem các ngăn tủ đi rửa thật sạch rồi phơi cho ráo hết nước. Trong lúc đợi các ngăn tủ khô để có thể lắp lại vào tủ, chị em hãy xử lý những vết bẩn "khó ưa" và mùi hôi khó chịu bên trong tủ lạnh bằng cách sử dụng bột muối nở (baking soda).
Pha bột muối nở với một chút nước ấm và nước rửa chén rồi dùng khăn mềm lau tủ, chủ ý những ngóc ngách nhỏ. Nếu không có bột baking soda, có thể thay thế bằng giấm.
- Lắp lại các ngăn tủ vào đúng vị trí bạn vừa tháo rời ra một cách cẩn thận, tránh lắp sai. Có thể đặt một hộp nhỏ bột baking soda hay bã cà phê đã mở nắp vào trong tủ, hoặc một ít vỏ cam, quýt, chanh,… để khử mùi hôi tủ lạnh hiệu quả và tránh vi khuẩn.
Đừng quên lau tay cầm của tủ lạnh khi dọn dẹp
- Đừng quên lau phần tay cầm của tủ lạnh nhé, đó chính là nơi "hoành hành" của nhiều loại vi khuẩn nhất đấy. Sau khi tủ lạnh đã sạch sẽ và khô ráo, hãy cắm điện trở lại và để tủ lạnh hoạt động trong khoảng 30 phút trước khi cho thực phẩm vào.
Ảnh: Internet