"Người dân Việt Nam rất yêu bóng đá. Họ cuồng nhiệt với đội tuyển quốc gia và bóng đá nơi đây cũng đang thống trị khu vực Đông Nam Á", cây bút Filipe Dias mở đầu bài viết của mình.
Phóng viên của tờ Record.pt tiếp tục: "Bạn đã từng nghe đến tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng chưa? Cậu ấy thực sự trở thành người hùng của bóng đá Việt Nam khi ghi bàn giúp đội nhà có lần thứ hai liên tiếp vô địch Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games).
Thành công này tạo tiếng vang, khiến Record một lần nữa lại phải hướng sự chú ý đến quốc gia châu Á này và dành những lời tán thưởng cho sự phát triển bóng đá ở nơi đây.
Đội tuyển Việt Nam từng lần đầu tiên vô địch Đông Nam Á với sự dẫn dắt của ông Henrique Calisto, một HLV người Bồ Đào Nha. Và giờ đây, họ đang có những mục tiêu lớn hơn, với hi vọng có thể góp mặt tại một kỳ World Cup".
Nhâm Mạnh Dũng (số 17) ăn mừng bàn thắng ở trận chung kết SEA Games 31. (Ảnh: Như Đạt)
Tiếp tục bài viết của mình, tờ báo Bồ Đào Nha tóm lược lịch sử hình thành và phát triển của môn bóng đá tại Việt Nam, từ thời điểm sơ khai cho đến khi V.League ra đời. Cây bút của Record.pt cũng không quên nhắc đến dấu ấn của đội tuyển Việt Nam trong thời gian qua:
"HLV Park Hang-seo đã mang đến những kết quả tốt khi dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam, khiến người hâm mộ cảm thấy rất hài lòng.
Mục tiêu giành vé tham dự một kỳ World Cup ngày càng gần hơn. Và vừa rồi, các chiến binh áo đỏ đã lọt tới vòng loại cuối World Cup 2022. Đó thực sự là một chiến tích lịch sử. Bởi thế, cũng không có gì bất ngờ khi Việt Nam được đánh giá là đội bóng xuất sắc nhất Đông Nam Á thời điểm hiện tại.
World Cup là giấc mơ và bóng đá Việt Nam đang chiến đấu cho mục tiêu đó, dù cho vẫn còn nhiều thử thách. Người Việt có một câu tục ngữ rằng 'cái khó ló cái khôn', như để miêu tả nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, với ý chí vươn lên và không từ bỏ đã được duy trì trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử".
HLV Park Hang-seo liệu có thể tiếp tục tạo nên dấu mốc lịch sử mới cho bóng đá Việt Nam? (Ảnh: Đoàn Ca)
Để có những góc nhìn chi tiết hơn về sự phát triển của bóng đá Việt Nam, cây bút Filipe Dias đã có cuộc trò chuyện cùng hai HLV gắn bó trong hai thời kỳ khác nhau.
Người đầu tiên là HLV Calisto, chiến lược gia từng có 10 năm (từ 2001 tới 2011) làm việc tại Việt Nam. Và người còn lại là HLV Mauro Jeronimo, người đang dẫn dắt CLB Phố Hiến tại giải hạng Nhất.
Theo quan điểm của thầy "Tô", thời điểm mới bắt đầu tới Việt Nam, ông nhận thấy cầu thủ nơi đây có kỹ thuật, sự tinh quái nhưng còn thiếu ý thức chiến thuật. Đó cũng là vấn đề xảy ra với nhiều nền bóng đá ở châu Á.
"Mọi thứ bắt đầu bằng việc thay đổi nền tảng. Khi tôi đến đây, mọi thứ khá giống với bóng đá Anh cổ điển, với những đường phất bóng dài và tạt bổng. Nhưng tôi đã nói với cầu thủ của mình rằng hãy đá ban bật nhỏ, hãy tạo ra những tam giác nhỏ để chuyền bóng, ngay cả khi phải gặp những đối thủ mạnh hơn", HLV Calisto kể lại.
HLV Calisto đến Việt Nam khi V.League bước những bước đầu tiên lên chuyên nghiệp. (Ảnh: AFC)
Nhận xét thêm về điều này, cây viết của tờ Record.pt đưa ra bình luận: "Mọi thứ đã thay đổi nhiều khi một CLB của Việt Nam (HAGL) kết hợp với Arsenal để xây dựng học viện bóng đá. Những học viện kiểu như vậy sau đó dần xuất hiện nhiều hơn, tạo ra sự cạnh tranh để cùng nhau phát triển. Ngày nay, Việt Nam là một cường quốc về bóng đá trẻ, với nhiều thành tích tốt ở cấp độ U19, U23.
Cho đến trước năm 2008, đội tuyển Việt Nam còn chưa từng vô địch Đông Nam Á. Lúc ấy thì ai dám nói đến việc dự World Cup. Còn bây giờ, HLV Park Hang-seo đang có trong tay nguồn lực tốt và điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, để đến được với World Cup còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa".
Khu vực châu Á có 8,5 suất dự World Cup 2026. Đây được coi là cơ hội tốt để đội tuyển Việt Nam giành vé. (Ảnh: Như Đạt)
Về phía HLV Mauro Jeronimo, ông tiết lộ nhận lời tới Việt Nam làm việc theo đề nghị của HLV Philippe Troussier, cựu giám đốc kỹ thuật Trung tâm PVF.
"Với tôi, ban đầu đây là một cuộc phiêu lưu", HLV Mauro Jeronimo nói. "Trung tâm PVF là một trong những học viện bóng đá tốp đầu châu Á và VFF cũng luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện để các cầu thủ từ 16 đến 21 tuổi phát triển.
Sau 2 năm làm việc ở PVF, tôi nhận lời dẫn dắt CLB Phố Hiến. Dù đội chỉ chơi ở giải hạng Nhất của Việt Nam nhưng lại có cơ sở hạ tầng tốt bậc nhất châu Á. CLB này chính là nơi nhiều cầu thủ trẻ tài năng bắt đầu những bước chạy đầu tiên tại môi trường bóng đá chuyên nghiệp".
HLV Mauro Jeronimo (áo vest) đang giúp CLB Phố Hiến xếp thứ 3 tại giải hạng Nhất với 20 điểm sau 11 vòng đấu, chỉ kém đội đầu bảng đúng 1 điểm. (Ảnh: CLB Phố Hiến)
Kết lại bài viết của mình, tờ Record.pt đánh giá bóng đá Việt Nam đang có nền tảng tốt để phát triển. Tuy vậy, để giấc mơ World Cup trở thành sự thật, vẫn cần thêm sự nỗ lực từ nhiều phía.
"Một trận đấu ở cấp độ U19 thôi cũng có thể có từ 15 nghìn đến 30 nghìn khán giả tới cổ vũ. Điều đó thật sự ấn tượng. Giấc mơ World Cup đang được nói đến nhiều ở nơi đây và giải đấu năm 2026 được người hâm mộ đặt kỳ vọng rất lớn, khi mà số đội tham dự sẽ tăng từ 32 lên 48.
Dù vậy, bóng đá Việt Nam vẫn cần tập trung nhiều hơn vào việc chuyên nghiệp hóa các giải đấu và CLB. Các nhà quản lý cũng phải chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho việc đào tạo trẻ. Quá trình này đang được thực hiện và sẽ rất đáng để kỳ vọng", tờ báo Bồ Đào Nha kết lại.