Tên gọi "bánh khọt" nức tiếng xa gần suốt bao năm đã trở nên thân thuộc với mọi tín đồ sành ăn nói chung và tại Vũng Tàu nói riêng, người ta coi thức quà vặt ấy như "ẩm thực quốc dân" vậy.
Theo những người có thâm niên trong nghề chia sẻ, bánh khọt có nguồn gốc từ bánh căn của vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, sau đó "di cư" tới Vũng Tàu và thay đổi cách chế biến để phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây.
Người Vũng Tàu coi bánh khọt như "ẩm thực quốc dân" (Ảnh: Bánh khọt Vũng Tàu)
Câu chuyện tên gọi của "bánh khọt" cũng có nhiều lý giải hết sức thú vị. Có ý kiến cho rằng, trong quá trình đổ bánh, người ta dùng muỗng để lóc bánh ra khỏi khuôn. Khi muỗng chạm vào thành khuôn thì phát ra tiếng kêu "khọt khọt".
Cũng có cách giải thích khác do thời xưa nghèo khó, người dân không có điều kiện thưởng thức các món cao lương mĩ vị mà chỉ toàn ăn loại bánh được làm hoàn toàn từ bột và không hề có nhân. Bởi vậy, người ta gọi là "bánh khộp", lâu dần đọc chệch đi, thành "bánh khọt".
Làm bánh khọt khó nhất ở khâu pha bột (Ảnh: Bánh khọt Vũng Tàu)
Bánh khọt thường được các bà, các mẹ làm vào những dịp nghỉ lễ, cuối tuần hoặc khi các thành viên trong gia đình sum họp. Lâu dần, hương vị thơm ngon, dễ ăn cùng với quá trình phát triển du lịch mạnh mẽ đã đưa bánh khọt trở thành món ăn đường phố hấp dẫn du khách mọi miền đất nước trong hành trình khám phá ẩm thực Vũng Tàu.
Làm bánh khọt khó nhất ở khâu pha bột và mỗi nhà lại có một công thức pha chế riêng. Bột gạo nguyên chất là nguyên liệu chính để làm bánh khọt. Gạo đem ngâm nước khoảng 2 đến 3 tiếng cho mềm, sau đó mang đi xay.
Bánh khọt Vũng Tàu - món ăn đường phố hấp dẫn du khách (Ảnh: Cát Lâm)
Bột gạo sau khi xay được pha với nước theo tỉ lệ nhất định để đảm bảo bột không quá đặc nhưng cũng không được loãng quá. Bột đặc dễ khiến bánh bị bở, còn nếu bột loãng quá lại làm bánh bị mỏng, trông không hấp dẫn.
Bột xay từ trước rồi để qua đêm thì khi đổ bánh sẽ không bị nhão, vỏ bánh mới giòn rụm, thơm ngon. Người ta cũng có thể thêm chút bột nghệ để bánh khọt có màu vàng trông đẹp mắt.
Bánh khọt nhân truyền thống làm bằng tôm tươi (Ảnh: vietnammenyeu)
Nhân bánh khọt được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như mực, sò điệp, thịt bằm, chả cá… song nhiều người vẫn thích loại nhân truyền thống bằng tôm tươi. Tôm mua về được lột vỏ, bỏ đầu, rửa sạch rồi để ráo nước. Cũng có thể làm thêm tôm cháy để món ăn hấp dẫn hơn bằng cách giã nhuyễn tôm, cho vào đảo đều ở lửa nhỏ, đến khi tôm khô và mịn là được.
Người ta dùng một chiếc mâm to để đổ bột vào từng lõm tròn được khoét đúng bằng kích thước chiếc bánh. Sau khi thoa dầu đều lên khuôn bánh đã được làm nóng, đầu bếp sẽ đều tay đổ bột, thêm tôm và nướng bánh.
Bánh khọt đủ vị béo ngậy của bột gạo và nước cốt dừa (Ảnh: topplus)
Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo từ đôi tay người thợ để bánh khọt chín đều, giòn tan mà không bị vỡ hay cháy. Trên mỗi chiếc bánh tròn vàng ruộm là một con tôm tươi ngon đã bóc sạch vỏ, hồng hào, dày thịt, cực kì kích thích vị giác.
Bánh khọt chuẩn ngon phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai, đủ vị béo của bột gạo và nước cốt dừa, ăn kèm với các loại rau sống như xà lách, tía tô, diếp cá, rau thơm, cải xanh, đu đủ thái sợi...
Vỏ bánh giòn tan với phần nhân thơm nức mùi hải sản (Ảnh: Bánh khọt Vũng Tàu)
Những tín đồ "sành ăn" thường chọn cách cuốn bánh khọt vào trong rau xà lách, xen lẫn với tía tô, diếp cá, cải xanh... để món bánh khọt thêm vị thơm ngon và không bị ngấy. Sau đó cuốn rau chặt tay, chấm cùng nước mắm chua ngọt.
Cắn miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận rõ vị giòn tan của vỏ bánh với phần nhân mềm mại, thơm mùi hải sản của tôm, mực, sò điệp, mỡ hành, kết hợp cùng vị tươi mát của rau thơm và chua ngọt của nước chấm.
Món ăn quen thuộc của những tín đồ sành ăn (Ảnh: Bánh khọt Vũng Tàu)
Những hương vị ấy tạo nên sự lôi cuốn đặc biệt, khiến bánh khọt không trộn lẫn với bất kỳ loại bánh nào khác. Nếu ai đã từng nếm thử một lần, chắc hẳn mỗi khi trở lại vùng đất này vẫn sẽ muốn được thưởng thức trọn vẹn hương vị đặc sản trứ danh: bánh khọt Vũng Tàu.