Nam Cực là một vùng đất kỳ lạ và bí hiểm. Ngay cả với công nghệ hiện đại ngày nay cũng chỉ giúp con người khám phá từng chút một, và mỗi lần như vậy chúng ta lại tìm ra được rất nhiều thông tin có giá trị về vùng đất lạnh giá nhất hành tinh.
Và mới đây, trên hành trình khám phá biển Ross tại Nam Cực, các chuyên gia đã được mục kích tận mắt một hiện tượng thiên nhiên siêu hiếm, với cái tên cũng bí hiểm vô cùng. Đó là băng vảy rồng.
Băng vảy rồng tuyệt đẹp tại Nam Cực
Vùng đất chứa băng vảy rồng do con tàu nghiên cứu Nathaniel B Palmer tìm ra. Theo tiến sĩ Guy Williams - nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Hải dương và Nam Cực từ ĐH Tasmania, thì đây là một hiện tượng tự nhiên rất hiếm gặp. Lần gần nhất nó xuất hiện là vào năm 2007.
"Băng vảy rồng rất hiếm và kỳ lạ, là bằng chứng của một thời kỳ hỗn loạn chưa từng thấy kể từ năm 2007," - Williams cho biết.
Tiến sĩ Williams là thành viên của nhóm 27 nhà nghiên cứu từ 8 quốc gia khác nhau. Họ đến vùng cực này để nghiên cứu các hố băng ven biển (polynya), để rồi phát hiện ra những hố băng đó lại có chứa những lớp băng vảy rồng tuyệt đẹp. Ước tính, lớp băng trải dài tới hàng chục km.
Cơ chế tạo ra hiện tượng này là gì? Tiến sĩ Williams cho biết: "Tưởng tượng bạn có một khay đá đổ đầy nước. Nếu mỗi tuần bạn lấy một lần, bạn sẽ có đúng 1 khay đá. Nhưng nếu đổ nước và lấy đá mỗi ngày, bạn sẽ có nhiều đá viên hơn hẳn".
"Hiện tượng băng vảy rồng cũng vậy. Là gió đã bóc tách từng lớp băng trong hố, để nước lỏng xuất hiện. Lớp nước này nhanh chóng bị đóng băng, chồng lên lớp băng cũ. Lặp lại nhiều lần, ta có băng vảy rồng".
"Đây thực sự là một trải nghiệm khó tin. Chúng tôi trông thật nhỏ bé, giống như đang chèo thuyền kayak chứ không phải đi tàu phá băng nữa".
Không chỉ muốn nghiên cứu về sự hình thành của băng giá vùng cực, các khoa học gia còn muốn xác định lại vì sao nước biển khi đóng băng lại trở thành nước ngọt, và hiện tượng đó có ảnh hưởng như thế nào đến dòng chảy nước biển tại đây. Được biết, hành trình thám hiểm của con tàu sẽ kết thúc vào tháng 6.