Bằng cấp hay kinh nghiệm thực chiến - Cuộc tranh luận không hồi kết của Gen Z: Đâu là đáp án cuối cùng?

Quang Vũ, Theo Phụ nữ mới 20:15 28/09/2023

Trong khuôn khổ sự kiện Money Hunter: Unitour 03, các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam đã có một màn tranh biện “nảy lửa” xoay quanh chủ đề này.

Bằng cấp hay kinh nghiệm, niềm băn khoăn của các gen Z

Tìm việc làm đang là một trong những vấn đề được các cá nhân độ tuổi Gen Z quan tâm nhất. Không chỉ để kiếm tiền, một công việc lý tưởng đối với các bạn phải là môi trường nơi có thể phát triển các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cũng như phục vụ cho mục tiêu cá nhân.

Tại Việt Nam, bằng cấp vẫn đang là tiêu chí hàng đầu để đánh giá trình độ của ứng viên. Ở một góc nhìn khác, thế hệ Gen Z, với sự tự tin và cá tính mạnh lại đánh giá cao tiền bạc và kinh nghiệm thực chiến. Họ cho rằng đối mặt với thị trường lao động sớm và tích luỹ kinh nghiệm là cách để xây dựng năng lực thực tế và sự độc lập.

Trong phần tranh biện Diploma… Dollars, chương trình Money Hunter: Unitour 3 tại Học viện Ngoại giao, Hoàng Dũng (sinh viên năm 2) đã nêu bật sự quan trọng của việc kết hợp cả hai yếu tố: bằng cấp và kinh nghiệm. Dù không phủ nhận giá trị của việc tích luỹ trải nghiệm sớm, Dũng vẫn khẳng định rằng bằng cấp có giá trị không thể thay thế. Dũng cũng đưa ra luận điểm rằng với nhà tuyển dụng, bằng cấp được coi như một bộ lọc giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình tuyển dụng.

Bằng cấp hay kinh nghiệm thực chiến - Cuộc tranh luận không hồi kết của Gen Z: Đâu là đáp án cuối cùng? - Ảnh 1.

Màn tranh luận sôi nổi giữa hai sinh viên Học viện Ngoại giao

Nói về giá trị của các chứng chỉ, Dũng nhấn mạnh rằng đó không chỉ là tấm bằng do đơn vị đào tạo cấp phát. Hơn cả là bằng chứng của một quá trình học tập đầy nỗ lực. "Trường học mang đến kiến thức nền tảng, và chúng là cơ sở cho sự phát triển trong sự nghiệp," Dũng chia sẻ.

Thảo Trang, một chiến binh năm Hai nhiệt huyết lại đưa ra một góc nhìn đối lập. Trang coi ưu tiên bằng cấp là một "quan điểm có phần lỗi thời" và chia sẻ những dẫn chứng thực tế để tăng tính thuyết phục. Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% sinh viên ra trường rồi lại làm việc trái ngành, trái nghề. Theo Thảo Trang, phần lớn nguyên do là bởi áp lực buộc người trẻ Việt Nam phải chọn ngành học trước khi có cơ hội trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực đó.

"Giá trị của bằng cấp đang dần giảm đi trong việc thể hiện định hướng của người học và trở nên ít đáng tin cậy với nhà tuyển dụng," Trang nói. Cô cho rằng bằng cấp chỉ là điều kiện tối thiểu, không phải lợi thế cạnh tranh đáng kể. Ngoài ra, cô cũng cho rằng quan điểm việc học đại học không còn là một thành tựu lớn và có giá trị như những thời đại trước. Thực tế, nhà tuyển dụng ở thời điểm tới giờ đã bắt đầu để tâm vào những yếu tố khác để đánh giá năng lực của ứng viên hơn là chỉ xem xét bằng cấp.

Đầu tư cho bản thân - khoản đầu tư giá trị nhất

Bằng cấp hay kinh nghiệm thực chiến - Cuộc tranh luận không hồi kết của Gen Z: Đâu là đáp án cuối cùng? - Ảnh 2.

Phần giao lưu, thảo luận giữa các bạn sinh viên và khách mời

Tuy nhiên, sự thực là không tồn tại một quy tắc “cứng" nào về ưu tiên bằng cấp hay kinh nghiệm. Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng học tập không chỉ áp dụng khi đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn kéo dài suốt đời. Với ông, việc quan trọng nhất là thái độ học tập có chủ đích. "Bằng cấp thể hiện bạn đã hoàn thành việc được giao trong thời gian học đại học. Kỹ năng tự học có mục tiêu rõ ràng mới giúp bạn trực tiếp sau khi tốt nghiệp".

Theo ông Trần Việt Hưng, nhà sáng lập và Giám đốc Học vụ Trung tâm 7AStar Tutoring, quan trọng nhất là tư duy học tập có mục tiêu. Ông chia sẻ: "Việc học với tôi là để bản thân tốt hơn, không cần phải đi thi để lấy bằng" và “"Đầu tư cho bản thân thì không bao giờ lo lỗi thời".

Bằng cấp vẫn chưa bao giờ là vô giá trị. Trong khi đó, xu hướng đánh giá cao kinh nghiệm thực chiến càng ngày càng trở nên phổ biến ở các lĩnh vực yêu cầu kỹ năng thực hành. Vậy nên, mỗi người cần lưu tâm, xem xét các yếu tố đặc thù ngành nghề, mục tiêu cá nhân và hoàn cảnh tuyển dụng để quyết định phương hướng phát triển sự nghiệp của mình. Quan trọng hơn cả, tinh thần học hỏi và sẵn sàng thích nghi vẫn luôn là chìa khóa tiên quyết cho thành công.