Không ít các ông sếp thường muốn nhân viên coi công ty như nhà của mình, nhưng trong thâm tâm của các lứa nhân viên cũng chỉ biết cười trừ. Nhưng nếu phải trả lời cho câu hỏi: “Bạn coi công ty là gì?” thì bạn sẽ trả lời như thế nào? Một số người cho rằng chỉ coi công ty như một công ty. Thật sao? Nếu ai cũng coi công ty là công ty thì tại sao một số người trong công ty ngày nào cũng làm việc chăm chỉ, có người đi làm như chơi?
Bạn nghĩ công ty là gì? Thực ra, câu trả lời cho câu hỏi này cũng chính là vị trí mà bạn đã đặt cho mình trong công ty và tôi đã mất ba năm để hiểu được sự thật này. Những người khác nhau làm cùng một nơi lại coi công ty như những nơi khác biệt, và thường sẽ thuộc 1 trong 5 loại suy nghĩ:
Loại thứ nhất, họ coi công ty như trường học. Điều này không có nghĩa là họ có tư tưởng học sinh, mà là anh ta vào công ty để học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để hiểu sâu thêm về hệ thống công ty trong ngành họ đam mê, lương thấp cũng không vấn đề. Cũng giống như sau các mùa tốt nghiệp, một số lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp muốn vào các công ty như Alibaba và Tencent vừa để học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm thực chiến, vừa để tạo bước đệm đầu tiên trong sự nghiệp tại một công ty lớn.
Loại thứ hai, họ coi công ty như chiến trường. Vậy thì, trên chiến trường thì điều quan trọng nhất là gì? Chính là đánh bại người khác và bảo vệ chính mình. Những người thuộc loại này sẽ làm việc như những người lính trên chiến trường mỗi ngày. Không chỉ bản thân, mà họ còn không cho phép đồng đội của mình mắc sai lầm. Đối với họ, điều phiền phức nhất không phải bản thân vô dụng mà là bị đồng đội kéo xuống.
(Ảnh minh hoạ)
Loại thứ ba, họ coi công ty như một cái máy bán hàng tự động. Trong mắt họ, công ty giống máy bán hàng tự động hoạt động như thế nào? Công ty sẽ cung cấp cho họ những gì họ muốn trên cơ sở có qua có lại, hai bên cùng có lợi. Vì vậy tâm lý của họ là công ty trả lương họ bao nhiêu thì họ sẽ làm việc, mang lại kết quả để đền đáp bấy nhiêu. Họ không bàn đến những thứ cao xa như sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị, họ chỉ cho rằng bản thân xứng đáng với mức lương đấy.
Loại thứ tư, họ coi công ty như một buổi biểu diễn và bản thân họ chính là nhân vật chính. Họ chỉ mong rằng “khán giả” sẽ đổ dồn sự chú ý vào trung tâm của công ty là mình, và thích nhất cảm giác nhận được những tràng pháo tay cổ vũ từ đồng nghiệp và sếp sau khi hoàn thành công việc.
Loại cuối cùng, họ coi công ty như một sân chơi. Họ làm việc để giải trí và vui vẻ chứ không phải vì tiền. Thứ họ cần ở công ty này chính là sự vui vẻ.
Cũng chính vì có nhiều loại suy nghĩ về công ty như vậy, cho nên sẽ không khỏi xảy ra các xung đột giữa những người có trường phái khác nhau hay thậm chí là giữa sếp với nhân viên. Sếp phàn nàn rằng những nhân viên sinh sau 90 đi làm rất tùy hứng. Sau khi hỏi lý do tại sao xin nghỉ việc chỉ sau 1 tháng đi làm, câu trả lời mà sếp nhận được chính là “không có đam mê với công việc”, “công việc lặp đi lặp lại nhàm chán”, “môi trường làm việc không thoải mái"... Tóm lại, họ có tâm lý "không vui vẻ" khi đi làm. Hay các nhân viên ngáng chân lẫn nhau khi tôi coi họ là đồng đội sát cánh trên chiến trường để đánh bại những người khác, thì họ chỉ quan tâm hôm nay đến sân chơi “công ty" có vui hay không.
(Ảnh minh hoạ)
Bạn thấy đó, nếu bạn rõ vị trí của mình trong công ty, bạn có dễ dàng biết mình nên làm gì, và nếu bạn biết vị trí của những người khác trong công ty, bạn có thể tránh được rất nhiều xung đột không đáng có. Giống như nếu bạn coi công ty là trường học thì dù sếp trả lương thấp hơn một chút bạn cũng không phải bận tâm nhiều. Điều bạn cần là học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm mà bạn muốn học càng sớm càng tốt. Và sau đó, tất nhiên, bạn có thể thay đổi công việc với mức lương cao hơn tại một công ty có thể giúp bạn học những kiến thức vĩ mô hơn.