Một bát mì ramen cơ bản ở Nhật có giá khoảng 1000 - 1200 yên (khoảng 200 - 250k tiền Việt). Một bát mì ramen ở Việt Nam có giá dao động từ 130k - 160k hoặc hơn. Mức giá này đối với phần lớn thực khách Việt Nam thường được xem là "đắt xắt ra miếng".
Đây vẫn luôn là một chủ đề gây xôn xao, khiến những người-không-phải-người-Nhật (bao gồm chúng ta đấy) phải luôn thắc mắc rằng chỉ là tô mì nhưng vì sao lại có thể đắt đỏ như thế? Mới đây, chuyện này lại lần nữa được nhắc lại trong số những sự kiện xoay quanh quán mì ramen "Aori Ramen". Nhiều người cho rằng giá cả thực ra mới chính là nguyên do khiến họ gần như chưa bao giờ ủng hộ quán, chứ không phải chất lượng hay những chuyện xung quanh.
Vấn đề về giá cả mì ramen lại được mang lên bàn tán nhân những sự kiện xoay quanh Aori Ramen. Được biết, một phần mì ở đây có giá từ 130k - 150k.
Mặt khác, nhiều thực khách nước ngoài cũng phàn nàn về giá cả của món mì này. Trên trang web review nổi tiếng Yelp, nhiều bình luận đã bày tỏ rằng: "Một tô mì chẳng có gì, trừ vài miếng thịt, mì và nước lèo, thậm chí còn chẳng có nổi một quả trứng, mà lại có giá là 10 USD (tầm 200k)."
Trong khi phần còn lại của thế giới cứ mãi thắc mắc vì sao ramen lại "đắt" đến như thế thì đối với người Nhật, đây là mức giá rất đỗi... bình thường, và ramen ở Nhật được xem là món ăn... bình dân. Sở dĩ chúng ta thấy ramen có giá cao là vì hầu hết mì ramen trên thế giới đều được bán theo giá Nhật, chứ trong thực tế, giá tiền mà người Nhật chi cho một tô mì ramen chẳng hơn giá tiền mà người Việt chi cho một tô phở, một tô hủ tiếu ngon, nếu đặt trên cùng một hệ quy chiếu về giá trị món ăn mà không tính đến mức sống, mức thu nhập.
Một bát mì ramen ở Nhật có giá khoảng 1000 yen - 2000 yen, là mức giá tương đương với 30k - 40k mà người Việt chi cho một bát phở ngon.
Có thể nói, giá trị của mì ramen nằm phần nhiều ở quan hệ của nó với người Nhật Bản hơn là những yếu tố thực tế như "bên trong có bao nhiêu thịt", "chất lượng hảo hạng của nguyên liệu" hay "độ tươi, độ ngon". Chúng ta thấy ramen đắt (dù đã giảm đi ít nhiều khi về Việt Nam), đơn giản là do món mì này được bán theo giá Nhật.
Tuy nhiên, cũng không phải mì ramen hoàn toàn "chẳng có gì hay ho" mà chỉ đội giá lên nhờ vào thương hiệu "Made In Japan". Ramen đối với người Nhật tuy bình dân, nhưng cũng là món ăn có giá trị lớn về mặt văn hoá lẫn tinh thần cũng như tinh tuý đằng sau cách nấu mì. Hãy cùng chúng mình khám phá những sự thật thú vị quanh tô mì này nhé:
Bởi vì chia sẻ chung từ ramen với "người anh em" mì ăn liền nên đôi khi mì ramen tươi khiến người ta nghĩ đến một món rất... rẻ. Tuy nhiên sự thật là mì ramen tươi ở Nhật được xem là nghệ thuật chẳng thua kém nghệ thuật nấu phở của người Việt đâu. Ramen gắn liền với vắn hoá Nhật Bản, đồng hành với người dân nơi đây trong những thời gian khó khăn nhất. Người ta còn xây hẳn một bảo tàng dành riêng cho ramen và để phổ cập lịch sử hình thành ramen cũng như nghệ thuật làm ramen ở thành phố Yokohama.
Ramen ở Nhật được xem là món mì "quốc dân", với hơn 30 phiên bản khác nhau theo từng vùng miền. Chỉ riêng Tokyo thôi cũng có khoảng 4000 quán mì ramen trên khắp mọi nẻo đường, từ hàng quán ramen bình dân đến ramen ở nhà hàng cao cấp.
Nước dùng của mì ramen được đánh giá là có sự phức tạp hiếm thấy, được nấu trong thời gian dài từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Một số chuyên gia ẩm thực còn từng so sánh loại nước dùng này với nước dùng phở - do có cùng công đoạn phức tạp cũng như yêu cầu kỹ thuật cao trong việc xử lý nguyên liệu để tạo ra mùi thơm và hương vị.
Nước dùng ramen có phải đến hơn trăm phiên bản, mỗi vùng miền, mỗi quán và mỗi người nấu đều có một bí quyết cũng như biến tấu riêng. Tuy nhiên về cơ bản thì một phần nước dùng cũng phải sử dụng đến hơn 40 nguyên liệu khác nhau từ thịt, rau củ hoặc hải sản. Những nồi nước dùng phải được nấu sủi tăm trong nhiều giờ. Ngoài ra, nhiều người cho rằng giá cả đắt đỏ của tô mì cũng bao gồm luôn công sức ngồi canh lửa, công sức nêm nếm và xử lí nguyên liệu tươi của người nấu. Để có được loại nước dùng trắng cơ bản, người ta phải ngâm xương động vật trong nước khoảng 8 giờ đồng hồ để lọc phần máu trong xương. Sau đó những chiếc xương này sẽ được nấu sủi tăm từ 12 - 24 giờ để đạt đến độ ngon nhất.
Ngoài nước dùng, sợi mì ramen chính là linh hồn của món mì. Hầu hết các quán mì chất lượng đều làm mì tươi từ bột mì. Những sợi mì này mang nhiều hình dạng khác nhau, tuy nhiên hầu hết đều phải được bảo quản ở nơi thoáng đãng đến 10 ngày để hương vị cũng như kết cấu của chúng đạt đến độ ngon đỉnh điểm. Ngoài ra, có rất ít tài liệu nói về công thức làm mì ramen ngon, bởi vì mỗi đầu bếp thường sẽ trộn nhiều loại bột khác nhau theo kinh nghiệm và bí quyết của riêng họ để tạo ra món mì đặc trưng. Những công thức này hiếm khi được chia sẻ. Vậy nên nếu không ăn ở quán chất lượng, mì ramen làm tại nhà chỉ có thể là loại mì làm sẵn theo công thức mặc định và gần như không bao giờ có thể ngon như ở quán.
"Nhiêu khê" có nghĩa là "lắm chuyện". Và quả đúng là vậy vì bạn sẽ không bao giờ tưởng được được chỉ chế biến một quả trứng ăn mì thôi mà cũng yêu cầu nhiều như thế. Hầu hết các quả trứng trong mì đều phải đạt được đến mức độ: lòng trắng chín và cứng, nhưng lòng đỏ phải đạt đến lòng đào.
Sau khi đã luộc trứng đến mức hoàn hảo như trên, các đầu bếp ramen phải ướp trứng trong gia vị từ 8 - 24 tiếng. Nếu gia vị không được cân bằng, quả trứng có thể bị mặn hoặc nhạt hoặc làm chín luôn phần lòng đỏ bên trong. Nếu để ý thì thông thường, ở các nhà hàng ramen, khi gọi thêm trứng thì thường sẽ có giá cao hơn rất nhiều trứng bình thường.
Nguồn ảnh: Mike Santinover.
Tare, đọc là "ta - re". Nếu hình dung mì ramen như một thực thể sống, với nước dùng là cơ thể, mì là xương, thì tare là hệ tuần hoàn. Nó giống như máu chảy trong huyết quản, mang đến "sự sống" cho ramen. Nhiều bếp trưởng cho rằng, không có tare, tô mì của bạn chỉ là một hỗn hợp vô vị.
Tare phức tạp và khó diễn tả, và đặc biệt là không có nguyên liệu hay công thức nhất định. Tare có nhiều hình dạng như nước, sốt sền sệt hay dạng kem như wasabi, nhưng dù thế nào thì nó là thứ được cho vào nước dùng cuối cùng, "chốt" lại hương vị cho cả món mì. Tare được cho vào đáy bát mì trước khi đổ nước dùng vào, nên hầu như ít ai biết đến sự tồn tại của nó.
Một trong số những lý do vì sao ít ai biết đến nó như vậy là các nghệ nhân làm mì giữ "khư khư" như vàng vậy. Cũng giống như công thức làm mì, công thức tare hầu như chưa bao giờ được chia sẻ rộng rãi.