Với mong muốn sở hữu 1 thân hình săn chắc nên không ít người đã bỏ công ôm lấy phòng tập nhiều giờ liền và lựa chọn của họ là kết thân với chiếc máy chạy bộ.
Nhưng ít ai ngờ rằng, chiếc máy chạy bộ này khi "sinh ra" lại có nhiệm vụ khác có phần ghê rợn - "tra tấn tù nhân".
Theo Mentafloss, nguyên mẫu đầu tiên của máy tập chạy hiện đại được phát minh bởi người kỹ sư William Cubitt vào năm 1818 - như một công cụ để nghiền thóc, máy bơm nước... bằng sức lao động. Và những người lao động ấy không ai khác chính là nhóm tù nhân lười biếng và có phần "khó bảo".
Theo mô tả, chiếc máy này có hình trụ, với phần mặt cắt thiết kế giống 1 bánh răng gồm 24 cạnh.
Những tù nhân sẽ bám lên 1 thanh ngang và bước trên 1 vòng quay bậc thang để vận hành cỗ máy, tạo ra 1 lực nhằm nghiền xát các hạt thóc.
Nếu ai không tập trung và làm sai nhịp, rất có thể sẽ bị trượt khỏi cỗ máy và rơi xuống phần rãnh nghiền.
Bởi thế mà những lao động này luôn cố gắng tập trung hết sức lực để có được bước dịch chuyển vững chắc. Ước tính, sau 6 giờ lao động cật lực, mỗi tù nhân đã đi được 1 quãng đường (dạng leo núi) dài khoảng 4,2km (14.000 feet).
Những tưởng chẳng có gì to tát nhưng bạn biết đấy, vào cái thế kỷ 19, mà lại ở trong tù với điều kiện ăn uống kham khổ thì có lẽ điều mà nhóm "lao động khổ sai" này làm được có thể coi là kỳ tích.
Mặc dù cỗ máy khiến cho các tù nhân gặp không ít rắc rối, thương tật nhưng "cha đẻ" của cỗ máy không hiểu sao vẫn nhận được đơn đặt hàng.
Vào năm 1824, quản ngục James Hardie đã chia sẻ rằng, khó ai có thể ngờ cỗ máy đồ sộ này lại có thể khiến các phạm nhân làm việc một cách răm rắp không cần 1 tiếng la hét nào như vậy. Nhưng quả thật, chúng là nỗi kinh hoàng với tù nhân thời đó bởi chỉ cần sơ sảy chút thôi là có thể bị thương nặng.
Phải đến cuối thế kỷ 19, cỗ máy này mới bị loại bỏ tại Anh bởi chúng được công nhận là thực sự tàn nhẫn.
Nhưng ý tưởng này lại nhen nhóm trong tiến sĩ Kenneth Cooper để có thể phát minh ra chiếc máy chạy bộ vào khoảng năm 1960 - mở ra 1 lịch sử mới trong việc tập luyện thể thao cho loài người.
Nguồn: Mentafloss