Phân tích
Một ngày sau khi Hà Nội thực hiện việc đổi lịch học mới, trong tiết học Giáo dục công dân của học sinh lớp 10 một trường THPT thuộc quận Hoàn Kiếm, cô giáo đã cho học sinh được thể hiện quan điểm về việc này.
Gần 30 bài viết, có bài chỉ là những gạch đầu dòng, một câu chuyện ngăn ngắn, nhưng cũng có bạn phân tích tỉ mỉ những khó khăn của bản thân và gia đình khi thực hiện quyết định này và tỏ ý không ủng hộ.
Từ chuyện giờ học dở dang, vào lúc 14h30, kết thúc sau 19h, mùa hè nắng, mùa đông thì quá lạnh đến chuyện đói bụng rồi những nguy hiểm có thể xảy ra với bạn nhà xa, một học sinh lấy ví dụ từ chính nỗi khổ mà giáo viên dạy Toán của lớp mình để làm minh chứng cho bài viết:
“5h sáng dậy đi chợ, nấu cơm, đưa con đi học. 6h15 nhanh chóng đến trường để 6h30 có mặt ở trường chuẩn bị 7h dạy. Sau đó là 11h30 tan, về nhà thì ngại mà ở trường lại mệt, lại còn dạy thêm nên không biết phải làm thế nào đành phải mang cặp lồng cơm đi dạy để ăn. Học sinh học buổi sáng cũng mang luôn cơm để ăn rồi học thêm luôn.
Sau 19h, giáo viên đi về, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ tắm rửa rồi đến 23h vào bàn soạn giáo án nhanh chóng để 1h30 đi ngủ rồi 5h sáng lại dậy! Cứ như thế, như thế!...”
Tiết học muộn của học sinh Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa).
Một học sinh khác đưa thêm lí do: “Gia đình nào bận bịu mà không có điều kiện cho con cái lái xe riêng hay cho đi xe ôm thì đúng là vấn đề đau đầu”.
Bạn khác lại nêu khó khăn nảy sinh: “Học sinh ngày nay ai cũng phải đến những lò luyện thi, những lớp học thêm vào buổi tối. Đối với những học sinh ca chiều, phải học đến 19h thì sẽ rất khó khăn để tiếp tục học thêm. Hãy thử tưởng tượng mà xem, học sinh phải học đến 19h tối thì làm sao có thể đến lớp học thêm để học tiếp được, nếu học thì có lẽ đến 22h mới về nhà được. Việc này sẽ rất nguy hiểm và bất tiện cho học sinh và gia đình họ”.
“Chưa kể học sáng phải dậy rõ sớm đi học → mệt, không được ngủ bù → tiếp thu bài không hiệu quả, không kịp ăn sáng → thường xuyên phải ăn sáng ở ngoài → tốn tiền chi tiêu” – một bạn khác phân tích.
Không giảm được ách tắc
Từ góc nhìn và trải nghiệm của bản thân, nhiều học sinh cho rằng việc đổi lịch học sẽ không giảm được ùn tắc giao thông.
L.Q.T cho rằng: “Giờ học và giờ làm của học sinh và bố mẹ chênh lệch nhau làm việc sinh hoạt gia đình rất bất tiện. Ngoài ra, đến giờ tan học, bố mẹ lại tụ tập trước cổng trường đón con, điều này vẫn dẫn đến ách tắc giao thông”.
Vẫn với cách phân tích kiểu toán học, L.U.M đưa ra suy nghĩ: “Trường hợp các trường gần nhau cùng tan một giờ vẫn gây ra ùn tắc, mất trật tự giao thông→ chưa triệt để”.
“Vào buổi đầu tiên thay đổi giờ học, mình vẫn không thấy được giao thông giảm ách tắc. Buổi tối không thể học thêm hay khó làm bài tập về nhà vì 19h mới được tan học” – học sinh L.M.N ghi ngắn gọn trong bài của mình.
Là “chuột bạch thí nghiệm”
“Mình chỉ là một học sinh bình thường nhưng theo mình nghĩ việc đổi giờ học cho học sinh lệch với giờ di làm của cán bộ công nhân viên chức là một quyết định mang tính chất coi chúng mình là học sinh nói riêng hay công dân thành phố nói chung là “chuột bạch thí nghiệm”.
Bất cứ vấn đề gì cần đưa ra thử thì chúng mình đều là những người áp dụng và thực thi mệnh lệnh: từ việc cải cách sách giáo khoa cho học sinh, từ việc cấm học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi quy định để giảm tai nạn giao thông... Cho đến bây giờ là việc thay đổi giờ học để giảm ách tắc giao thông trong giờ cao điểm” – T.H.A bức xúc viết trong bài của mình.
Cũng trong bài của T.H.A có đoạn: “Tuy chỉ là một học sinh, mình chưa tìm được biện pháp giải quyết nào cho giao thông của thành phố nhưng: nếu không tắc vào giờ này thì đường cũng tắc vào giờ khác, giờ cao điểm không ở giờ này thì nó cũng vào giờ khác”.
Đồng quan điểm, N.H.A cho rằng: “Việc tắc đường là do cơ sở vật chất và ý thức người dân. Vậy cớ sao lại liên quan đến ngành Giáo dục? Cơ sở vật chất xuống cấp quá tải thì đã đành, nhưng tại sao ý thức người dân không thay đổi? Sao không chịu khó tìm cách thay đổi ý thức người dân, thay đổi thiếu sót trong giao thông? Sao lại cứ xuề xòa rồi bê nguyên trách nhiệm của mình bằng việc thay đổi giờ học một cách vô lí như vậy?
Chưa biết hiệu quả thế nào nhưng đã thấy bao hậu quả. Tại sao không đưa việc thay đổi giờ học ra hỏi ý kiến học sinh mà tự quyết định. Rồi người chịu ảnh hưởng cũng là chính là học sinh. Thế có gọi là bất công không ạ?”
Cuối bài viết T.H.A mong mỏi: “Xin hãy xem xét và nghĩ cho chúng em một chút, dù chỉ là một chút thôi, hiểu được cho chúng em về việc điều chỉnh giờ học”.
Đã đọc các bài viết, giáo viên - Bí thư đoàn trường chia sẻ tâm sự một cách ngắn gọn: “Âu đó cũng là những lời cô và trò đều muốn nói thôi. Hà Nội đã đẩy lịch học tan sớm hơn 1 tiếng (từ sau 19h đến sau 18h). Dẫu vậy, mình vẫn mong trở lại lịch học như cũ (tan sau 17h15) hơn”.