Một đám cưới ở Ấn Độ đã gây sửng sốt cho nhiều người bởi chiếc bánh cưới đặc biệt trong ngày vui của cô dâu chú rể. Giữa những người phù dâu, phù rể và họ hàng hai bên, cô dâu chú rể đứng trước chiếc bánh cưới được làm từ bánh mỳ cắt lát phết bơ, bởi hai người không có tiền để mua một chiếc bánh cưới lộng lẫy khác.
Cô dâu chú rể Ấn Độ và chiếc bánh cưới vô cùng đặc biệt trong ngày vui của họ.
Ở đất nước còn nhiều hủ tục này, để tổ chức một đám cưới phải tiêu tốn rất rất nhiều tiền. Ấn Độ vẫn còn là một nước nghèo, không phải ai cũng có tiền để tổ chức một ngày vui xa xỉ. Đặc biệt hơn, khi dựng vợ gả chồng, gia đình cô dâu sẽ phải chi trả một khoản tiền rất lớn làm của hồi môn cho con gái, mà không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả khối tài sản không hề nhỏ này.
Thông thường, một lễ cưới ở Ấn Độ sẽ tiêu tốn của gia đình nhà gái từ 4 lakhs, tức đơn vị tiền tệ cũ của Ấn Độ, cho tới 20-25 lakhs (tương đương 132 triệu đến 814 triệu VND), một con số khổng lồ!
Thế nhưng nhiều gia đình không có của cải chỉ vì sĩ diện quá lớn đã phải đi vay mượn, thuê trang sức giả làm của hồi môn cho con. Để rồi sau đó họ phải nai lưng ra làm việc trả nợ hoặc lén lút đem trả lại vàng bạc đi thuê.
Trong khi đó, bánh cưới trong lễ thành hôn này đơn giản chỉ là một chồng bánh mỳ lát phết bơ mà thôi!
Chiếc bánh cưới đơn giản của cặp vợ chồng này trở nên thật đặc biệt giữa những hào nhoáng không có thật trong đa số những đám cưới khác. Họ không thấy xấu hổ hay mặc cảm vì hoàn cảnh nghèo khó của bản thân.
Chiếc bánh cưới vô cùng giản dị, chỉ có bánh mỳ và bơ, không có phô mai chúc phúc, chẳng có trang sức đắt tiền, nhưng điều ấy có hề gì. Chỉ cần hai vợ chồng yêu thương nhau là đủ. Bánh cưới tuy là giả vờ, nhưng tình cảm lại rất chân thật.
Có thể họ quá nghèo để có tiền mua một chiếc bánh cưới lộng lẫy, nhưng chắc chắn tình cảm của cả hai hoà hợp như bánh mỳ và bơ.
Thực tế trong xã hội ngày nay, mấy người được như đôi vợ chồng Ấn Độ này? Họ yêu nhau và quyết định kết hôn mặc dù trong hoàn cảnh nghèo khó. Những lát cắt bánh mỳ được xếp chồng gọn gàng, đẹp đẽ tượng trưng cho sự gắn bó sâu đậm giữa hai người. Trong khả năng của mình, họ có thể làm mọi thứ vì người kia.
Tình yêu thực ra rất giản dị như vậy. Không cần những thứ hào nhoáng bên ngoài như một chiếc bánh cưới lộng lẫy, chỉ cần người vợ người chồng thấu hiểu, hoà hợp với nhau giống như bánh mỳ luôn ăn kèm với bơ. Đâu phải cứ điều gì đơn giản thì không có ý nghĩa lớn lao.
Nhiều người quá mải mê chạy theo những thứ xa hoa phù phiếm, mà không biết nó có thật hay không, đã vô tình bỏ quên những giá trị quý báu như thế này. Hai người yêu nhau quan trọng nhất không phải anh có bao nhiêu tiền, tôi có bao nhiêu của mà là chúng ta thông cảm được với nhau bao nhiêu. Tại sao cứ phải nhìn vào những thứ xa hoa để đo lường, định giá một cuộc tình? Những gì đi lên từ khó khăn bao giờ cũng bền chặt hơn thứ dễ dàng có trong tay.
Ai có thể chắc chắn, một đám cưới với bánh mỳ và bơ không hạnh phúc hay lâu bền hơn một đám cưới có bánh kem lộng lẫy? Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy không bao giờ thể hiện được đầy đủ và chính xác nhất những gì người trong cuộc cảm nhận.
Cặp vợ chồng Ấn Độ này và rất nhiều người khác, có thể nghèo về vật chất, nhưng chắc chắn họ rất đủ đầy về tình yêu. Chỉ có những tình yêu đủ lớn, đủ bao dung và mạnh mẽ mới có thể không sợ đói khổ và sẵn sàng cùng nhau đương đầu với khó khăn. Vì những gì chân thành bao giờ cũng bền chặt hơn những thứ nông cạn, hời hợt.
Bánh mỳ và bơ hay một chiếc bánh cưới lộng lẫy, các bạn hãy tự chọn cho mình.