"Hoàng Đế Nội Kinh" có câu: "Dạ ngọa tảo khởi, vô yếm vu nhật" (Đêm ngủ, sớm dậy sẽ không mệt mỏi về cuộc đời).
Sau một đêm ngon giấc, tinh thần tràn đầy năng lượng; còn nếu trằn trọc cả đêm, cơ thể sẽ mệt mỏi không thôi.
Giấc ngủ chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và vận mệnh cuộc sống của chúng ta.
01
Cái bạn thức không phải là đêm, mà là vận mệnh
Tục ngữ nói: "Ngủ không ngon, sinh bách bệnh."
Cách đây vài năm, các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu về mối quan hệ giữa thời lượng ngủ và tỷ lệ tử vong. Kết quả cho ra rất đỗi kinh ngạc: thời gian ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của chúng ta. Nếu thời gian ngủ ít hơn 4,5 giờ hoặc nhiều hơn 9,4 giờ, tỷ lệ tử vong là rất cao; còn nếu là từ 6,5-7,4 giờ, tỷ lệ tử vong là thấp nhất. Điều này cho thấy, mỗi lần bạn thức khuya là bạn đang hao tổn cơ thể của chính mình.
Một nhà khoa học từng nói: "Ngủ ít hơn sẽ không cho phép bạn có nhiều thời gian hơn những người khác, ngược lại, bạn có thể sẽ chết sớm hơn những người khác".
Cơ thể của chúng ta giống như một cỗ máy, nếu cứ vận hành trong một thời gian dài không ngơi nghỉ, theo thời gian, các vấn đề sẽ xuất hiện, cuối cùng rồi cũng sẽ hư hỏng.
Người không biết cách nghỉ ngơi cuối cùng sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để đi khám bệnh, thậm chí phải trả những cái giá đau đớn hơn.
Vì vậy, dù bạn thức khuya vì bất cứ lý do gì cũng là đang chơi đùa với chính mạng sống của mình.
Cả đời người chỉ vài chục năm ngắn ngủi, không có việc gì đáng để chúng ta phải thức khuya.
Càng không nên để những lo lắng, phiền muộn khiến chúng ta phải trằn trọc.
Dù có là việc kinh thiên động địa đến cỡ nào thì hãy cứ ngủ một đêm ngon giấc, ngủ ngon mới cho ta thêm sức mạnh để đối mặt với nó.
Ngủ ngon không chỉ khiến chúng ta tràn đầy năng lượng mỗi ngày mà còn cho phép chúng ta lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai của mình.
02
Ngủ sớm, dậy sớm là mức tự giác cao nhất của bản thân.
Vương Dương Minh từng nói: "Phá núi thì dễ, khống chế được trái tim mới khó. Vượt qua được người khác là giỏi, vượt qua được chính mình là mạnh".
Người thực sự tự giác có khả năng làm chủ cao, họ sẽ không vì những cám dỗ bên ngoài mà đánh mất mình, cũng sẽ không vì những thú vui nhất thời mà sa đọa bản thân.
Tăng Quốc Phiên, một trọng thần cuối triều đại nhà Thanh, hiểu rõ đạo lý này, ông viết trong đạo tu dưỡng của mình: Bình minh thức giấc, ban đêm đi nằm.
Kiên trì tuân thủ chế độ làm việc và nghỉ ngơi điều độ không những khiến con người trở nên sung mãn năng lượng mà còn có đủ thời gian để xây dựng và hoàn thiện bản thân.
Nhìn lại từ xưa đến nay, bạn sẽ phát hiện, những người càng thành công thì sẽ càng hiểu rõ tầm quan trọng của giấc ngủ và chế độ làm việc - nghỉ ngơi điều độ.
Tăng Quốc Phiên kiên trì ngủ sớm và dậy sớm, cả gia tộc ông đều noi theo và hưng thịnh suốt 6 đời, không có người nào thất bại.
Nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami kiên trì đi ngủ lúc 9 giờ tối, 4 giờ 30 sáng thức dậy viết tiểu thuyết trong suốt 30 năm
Tác giả Dư Hoa của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Sống" không bao giờ thức khuya để sáng tác. Ông tự nhủ với chính mình, một khi đã rời bàn làm việc thì nhất định sẽ không nghĩ đến tác phẩm nữa.
Trong quan điểm của họ, khi làm một việc trong một khoảng thời gian dài, quy luật sẽ có tác động lớn. Bởi cuộc đời là một cuộc chạy marathon, không phải là một cuộc chạy nước rút, nếu bạn cạn kiệt năng lượng giữa chừng thì đích đến của thành công sẽ trở nên rất xa vời.
Nhà văn nổi tiếng Lâm Thanh Huyền từng có giai đoạn trăn trở vì viết lách, nhưng sau khi tiếp nhận lời khuyên của thiền sư, ông bắt đầu ăn và ngủ một cách nghiêm túc, cuối cùng vượt qua khó khăn, viết nhiều tác phẩm xuất sắc và mang tính triết lý cao.
Trong một đời người, năng lượng của con người là có hạn, chỉ có chăm sóc tốt cho chính mình, chúng ta mới có thể tiến xa hơn.
Giống như Gia Cát Lượng - nhà quân sự lẫy lừng một thời đã từng nói: "Tâm tĩnh mới có thể tiến xa".
Tất cả mọi việc đều như thế, kỷ luật bản thân có thể đạt được tự do, có tự do mới có thể có được một cuộc sống thanh thản, ung dung.
Nếu bạn muốn có được một cuộc sống ung dung, thanh thản, bạn phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất, bắt đầu từ việc ăn thật ngon, ngủ thật sâu.
03
Ngủ, còn là một sự tu dưỡng
Vương Dương Minh từng nói: "Đói ăn, mệt ngủ, chỉ có như vậy tu dưỡng mới càng sâu".
Tu dưỡng không phải ở đâu xa, nó ở ngay trong cuộc sống hàng ngày, ăn ngon, ngủ tốt chính là lối tu dưỡng tốt nhất.
Có lần một học giả hỏi thiền sư: "Bây giờ ngài còn đang tu hành không?"
Thiền sư trả lời: "Ta tu hành mỗi ngày."
Học giả hỏi: "Ngài tu hành bằng cách nào?"
Thiền sư nói: "Đói thì ăn, buồn ngủ thì đi ngủ".
Vị học giả mỉm cười nói: "Tất cả chúng sinh đều như vậy, tại sao họ không phải đang tu hành, còn ngài thì có?"
Thiền sư trả lời: "Người đời nghĩ đến mọi việc khi ngủ, quan tâm đến mọi thứ khi ăn, vì thế khi ăn họ không phải đang ăn, khi ngủ họ không phải đang ngủ".
Trong cuộc sống, nhiều người bỏ qua tầm quan trọng của giấc ngủ, họ không biết rằng ăn ngon ngủ tốt chính là sự tôn trọng lớn nhất với cuộc sống.
Đại sư nổi tiếng Trung Quốc Nam Hoài Cẩn từng nói: "Nếu bạn hỏi tín ngưỡng của tôi là gì, câu trả lời của tôi là giấc ngủ".
Ngủ, ngủ ngon, là một loại năng lực.
Năng lực này phản ánh khả năng tự kiểm soát, tự chữa lành và tự phục hồi của một người.
Lão Tử từng nói: "Thiên nhân hợp nhất, nhất âm nhất dương vị chi đạo" (Trời đất và con người là một, giống như một âm một dương)
Công việc và giấc ngủ cũng giống như âm và dương, mỗi thứ một nửa, không thể thiếu một trong hai.
Ngủ để làm việc tốt hơn, và làm việc là để ngủ ngon hơn, nếu bạn hiểu được điều này, bạn sẽ hiểu ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Giấc ngủ là sự tôn kính với sinh mệnh, đồng thời cũng là trải nghiệm của cuộc đời, mấy giờ bạn ngủ quyết định bạn tu dưỡng một đời như thế nào.
Nam Hoài Cẩn từng nói: "Người kiểm soát được sớm mai có thể kiểm soát được cuộc đời."
Giấc ngủ cũng vậy, một người đến ngủ sớm cũng không làm được thì làm sao có thể kiểm soát được cuộc sống.
Bất kỳ thành tựu lớn lao nào cũng được bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Bạn phải hiểu rằng, sống tốt mỗi ngày ở hiện tại mới có thể tận hưởng từng ngày trong tương lai.