Xem Bạn Gái Tôi Là Sếp, nếu ai từng là fan của bản Thái Lan ATM Errak Error chắc chắn sẽ có sự so sánh sự giống và khác nhau giữa hai phiên bản. Dù giữ nguyên nội dung so với bản gốc đến 80%, nhưng đạo diễn Hàm Trần đã rất khéo léo "cài cắm" những mảng miếng phù hợp với văn hóa Việt cũng như "vá lỗi" cho những chi tiết dài dòng không cần thiết của bản gốc.
Điểm đặc sắc nhất của đạo diễn chính là ở việc xây dựng cá tính nhân vật gần như thoát xác hẳn so với dàn nhân vật gốc, cũng như thay đổi hẳn tiết tấu, đem lại cảm giác mới mẻ cho người xem. Nếu ATM Errak Error là một bản ballad vui tươi, nhẹ nhàng lãng mạn, thì Bạn Gái Tôi Là Sếp là một bản phối với tiết tấu sôi động hơn hẳn. Tác phẩm là sự pha trộn giữa nội dung thú vị, kịch tính với nét hài hước cường điệu, mang lại những trận cười thoải mái.
"Nêm nếm" tính cách cho dàn nhân vật gốc thêm đậm đà, sắc nét
Chúng ta có một Oanh (Miu Lê) mạnh mẽ hơn, thẳng thắn hơn, ghê gớm hơn và cũng mềm yếu, lãng mạn hơn.
Đỗ An thể hiện một Cường thông minh, tháo vát, si tình và "soái ca" hơn rất nhiều so với nhân vật Sua ở bản Thái. Nếu Sua ranh ma, láu lỉnh, và cũng có phần hiếu thắng, luôn muốn vượt mặt người yêu mà không có cơ hội, thì Cường điềm đạm, che chở bạn gái một cách dịu dàng, ngay cả việc "chấp nhận thua" cô bạn gái đanh đá, cũng chỉ vì quá yêu chứ chẳng phải vì anh kém cỏi gì. Hình tượng Cường vì thế mà trở nên đẹp lung linh, khiến cho các fan nữ đều tình nguyện "xin chết".
Dàn nhân vật phụ cũng thay đổi chóng mặt cả về vẻ ngoài cho đến tính cách. Nhân vật có nhiều thay đổi nhất phải kể đến nhân vật con trai Tổng giám đốc.
Trong phiên bản Thái, đây là một anh chàng có phần "bẩn bựa", xấu trai, mặt mụn, răng vàng, dáng hình hơi ẻo lả cùng thái độ sến súa, huênh hoang. Còn ở Bạn Gái Tôi Là Sếp, Phở Đặc Biệt đã "quậy tung" công sở với mái tóc nhuộm hồng chóe, cách ăn mặc không giống ai, anh chàng đến công sở chẳng mục đích gì khác ngoài tán gái, suốt ngày chỉ biết hát hò, hoa lá hòng cưa đổ người đẹp. Với style #hổng-giống-ai, Phở khiến cho nhân vật của mình đầy tràn sắc màu và có phần buồn cười, đáng yêu chứ không gây ghê ghê, hãi hãi cho khán giả như nhân vật gốc.
Bộ ba Cao Tấn Phát, Boi, Gái cũng có rất nhiều thay đổi, điển hình là ở trang phục, hình dáng. Huyme và Ngọc Thảo đều đã quá tuổi xì tin nên nhìn không thể trẻ trung như hai diễn viên Thái Lan. Chính vì vậy, họ sử dụng nét diễn hình thể và quần áo để thể hiện sự trẻ trâu, nhí nhảnh cho nhân vật.
Ngọc Thảo gây ấn tượng bởi bộ đồ ngủ hồng chóe, còn Huyme lại cực men với đồ bộ hiphop, giọng nói khàn cùng biểu cảm hài hước. Nhân vật Cao Tấn Phát ở bản gốc là một anh chàng lái xe béo mập, gây cười bởi sự khù khờ, dở hơi gợi nhớ đến style hài của Hiếu Hiền, nhưng Hoàng Phi đã hoàn toàn thay đổi tính cách lẫn phong cách của nhân vật, biến anh chàng lái xe ngốc nghếch thành tay ma cà bông ranh mãnh, lếu láo với bộ răng vàng chóe và mái tóc tết bím kiểu hippie kỳ cục.
Tăng đất diễn cho nhân vật mới, nhân vật thú vị
Hai nhân vật được ưu ái tăng đất diễn đáng kể nữa là nhân vật bà chủ tiệm giặt và giám đốc chi nhánh. Lê Khánh gây cười từ mái tóc "đầu chó" cho đến thái độ cưng chó đến cuồng loạn, đối ngược với ông chồng mê cá sấu, tạo thành cặp đôi quái tính và thú vị.
Nếu như ở phiên bản gốc, bà chủ tiệm giặt là chỉ là một người đàn bà ít học thô lỗ hay quát mắng con cái, thì Lê Khánh đã thể hiện một nhân vật duyên dáng và hóm hỉnh hơn. Bà mê chó đến mức quên cả con, cả chồng, nhưng lại hận chồng không quan tâm đến mình. Bà thích nói chuyện với chó, và tin vào phán đoán của con chó còn hơn cả người xung quanh. Nét duyên và sự thú vị của nhân vật do Lê Khánh thủ vai khiến cho mối tình của bà chủ tiệm giặt là và ông chồng cũ cũng trở nên đậm đà, trở thành cặp đôi được yêu thích ngang với cặp đôi "xì tin dâu" Gái - Boi, hay cặp đôi Cường - Oanh.
Giám đốc chi nhánh Mẫn "hiểu" lại có nét thú vị khác. Thay vì một ông béo khù khờ (lại là một nhân vật béo và khù khờ!!) trong bản Thái, đạo diễn Hàm Trần đã thay đổi thành một nhân vật đồng tính với tính cách đồng bóng, lãng mạn, yêu gia đình và trẻ con. Thay vì chạy long tóc gáy giải quyết rắc rối, Mẫn "Hiểu" chỉ thích thay tã chăm chút con gái cùng "chồng" hơn cả bản thân mình. Nhân vật này cũng có đóng góp quan trọng vào phim và có nhiều đất diễn hơn phiên bản gốc.
Ngoài bộ sậu nhân vật cũ được choàng "áo mới", đạo diễn Hàm Trần còn "nhào nặn" thêm một nhân vật tuy đất diễn không nhiều nhưng rất ấn tượng, đó là ông lão say ở góc đường.
Đây là một nhân vật đậm màu sắc miền Tây, ham nhậu nhẹt, thích triết lý, và khoái chuốc rượu người khác. Những triết lý tưởng như vô thưởng vô phạt của ông lão nhiều lần là niềm cảm hứng để cứu Cường khỏi những cơn bế tắc và bối rối trong chuyến đi công tác.
Pha trộn thêm bớt thêm những chi tiết mới mẻ, đậm bản sắc Việt
Bản chất của remake phim nước ngoài là bản địa hóa tác phẩm điện ảnh, giúp cho tác phẩm gần gũi hơn với văn hóa bản địa, phù hợp với gu thưởng thức của công chúng Việt. Đạo diễn Hàm Trần tuy sinh sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, nhưng lại rất khéo tay trong việc nêm thêm chất Việt cho tác phẩm.
Anh khéo léo cắt bỏ những chi tiết phim quá xa lạ với văn hóa Việt như: gọi hồn người chết chỉ đường về nhà, giả dạng cảnh sát (đối với luật pháp Việt Nam giả dạng công an là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng) và thay vào đó bằng những chi tiết mới phù hợp hơn. Ví dụ như thay vì giả dạng cảnh sát là trái pháp luật, đạo diễn cho nhân vật Cường tình cờ gặp một bác sửa xe bặm trợn và nảy ra ý định đi xăm giả rồi mặc quần áo như giang hồ để đi đòi nợ. Những phân đoạn dài dòng không cần thiết như đoạn cặp đôi nhân vật hù dọa ma trong phòng làm việc, hay đưa cá sấu đi bệnh viện đều được rút gọn lại, làm cho nhịp phim nhanh hơn, gọn ghẽ và hợp lý hơn.
Hàm Trần cũng chứng tỏ sự trẻ trung của mình khi "thả" vào phim nhiều chi tiết là trào lưu của giới trẻ hiện đại như rải "hashtag" bừa bãi, mê xem Cô Dâu 8 Tuổi... khiến cho người xem không khỏi cười nghiêng ngả.
Một điểm đặc biệt của Bạn Gái Tôi Là Sếp so với ATM Errak Error, đó là việc sử dụng hữu hiệu âm nhạc như đây cũng là một nhân vật có tiếng nói riêng trong phim. Những chi tiết lãng mạn như bài hát "Một nhà" của Da Lab được ngân lên không chỉ một lần, đại diện cho tình yêu và mong muốn "hai ta về một nhà" của cặp đôi nhân vật chính. Hay bài "Lạc" do chính Đỗ An thể hiện vang lên vào những lúc nhân vật buồn bã, thất tình trở thành công cụ kết nối cảm xúc giữa khán giả và nhân vật.
Âm nhạc cũng trở thành nút thắt giải quyết khúc mắc gữa Oanh và Cường. Thay vì cãi vã và giải quyết bằng lời nói và trò oẳn tù tì có phần hơi khiên cưỡng của bản gốc ATM Errak Error, thì màn flashmob cùng bản "Một nhà" phối kiểu unplugged vang lên khiến cho cái kết của phim trở nên ấm áp và tươi vui hơn.
Kết
Đối với nhiều người, việc mua bản quyền kịch bản và làm lại phim nước ngoài như một dấu hiệu của sự kém sáng tạo của người làm phim, nhưng có lẽ đã đến lúc thành kiến này cần phải được thay đổi. Chỉ nói riêng đối với Bạn Gái Tôi Là Sếp, người xem ghi nhận những nỗ lực thực sự của ekip với việc làm mới câu chuyện, Việt hóa nội dung một cách chi tiết và có trách nhiệm. Dù bên cạnh những thay đổi mới mẻ, Bạn Gái Tôi Là Sếp vẫn còn nhiều hạt sạn khó chịu, nhưng đây vẫn xứng đáng là tác phẩm chuyển thể đáng xem của điện ảnh Việt.