Bạn biết gì về “cá hồi lội ngược dòng”: chỉ là cách ví von hay hành trình “trầy da tróc vảy” đích thực?

Đạt Lê, Theo Helino 13:45 21/03/2018

Thiên nhiên thật kỳ lạ, nếu có những loài dành cả thanh xuân để ăn rồi ngủ thì cũng có loài nói không với một cuộc sống dễ dàng. Cá hồi Đại Tây Dương lại chính là trường hợp thứ hai!

Đây là câu chuyện về cuộc đời đầy kiêu hãnh của cá hồi Đại Tây Dương - một trong những loài cá hồi lớn nhất trong tự nhiên.

Chào đời dưới đáy sông

Cá hồi Đại Tây Dương bắt đầu cuộc đời của mình dưới đáy một con sông ở Bắc Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Vương quốc Anh. Cá hồi mẹ đẻ trứng tại một cái ổ trên nền sỏi, sau đó chúng sẽ ấp trứng trong suốt tháng 4 và tháng 5.

Bạn biết gì về “cá hồi lội ngược dòng”: chỉ là cách ví von hay hành trình “trầy da tróc vảy” đích thực? - Ảnh 1.

Sau 3 - 4 tuần, trứng nở, cá con đã lập tức biết bơi quanh ổ để kiếm ăn. Thế nhưng chúng chỉ 10% cơ hội sống sót giữa muôn trùng kẻ thù như cá lớn, diệc, rái cá, chim bói cá...

Bạn biết gì về “cá hồi lội ngược dòng”: chỉ là cách ví von hay hành trình “trầy da tróc vảy” đích thực? - Ảnh 2.

Đến tuổi thiếu niên, cá hồi đạt chiều dài hơn 15cm và như để “mặn mòi” hơn, chúng quyết định bơi ra biển. Một số cá thể trải qua cuộc di cư tương đối ngắn, nhưng đa số chúng sẽ đi từ châu Âu đến tận đảo Greenland - một hành trình dài hơn 10 ngàn cây số!

Chúng định cư ở đó được chừng 1-3 năm thì đến tuổi sinh sản. Cá hồi lại quay đầu, quyết chí tìm lại dòng sông tuổi thơ và cho ra đời một lứa con mới.

Lội ngược dòng qua thác dữ

Thật đáng kinh ngạc là cá hồi Đại Tây Dương luôn trở về đúng một dòng sông trong suốt cả ngàn năm dù trải qua biết bao đời con, cháu, chắt! Khoa học vẫn chưa biết chính xác về khả năng tài tình này.

Nhiều người cho rằng cá hồi đã dựa vào lực từ của Trái đất, dòng chảy và cả những vì sao?! Đến nay, giả thuyết được số đông tán thành nhất là cá hồi nhờ vào khứu giác cực kỳ nhạy bén để xác định đúng vị trí.

Bạn biết gì về “cá hồi lội ngược dòng”: chỉ là cách ví von hay hành trình “trầy da tróc vảy” đích thực? - Ảnh 3.

Bên cạnh khả năng định vị thượng thừa, cá hồi Đại Tây Dương còn bơi rất nhanh và nhảy cực mạnh. Một cú phi thân thần sầu có thể đạt đến 3,6m, tức là gấp 5 lần chiều dài cơ thể (cá hồi trưởng thành đạt từ khoảng 70cm).

Những cú nhảy này giúp chúng vượt qua các con thác dữ trên đường đi, ví dụ như thác trên hành trình trở về thượng nguồn Scotland của nhiều con cá hồi Đại Tây Dương.

Bạn biết gì về “cá hồi lội ngược dòng”: chỉ là cách ví von hay hành trình “trầy da tróc vảy” đích thực? - Ảnh 4.

Cá hồi vượt thác ngược dòng có thể nói là hiện tượng tự nhiên đẹp bậc nhất ở Scotland. Vẻ đẹp đó nằm ở chỗ người quan sát phải nín thở khi nhìn thấy cá hồi quăng mình vào trò chơi của sự may mắn và kiên nhẫn.

Chúng phải phóng thân mình cao hơn dòng chảy - đó là cách duy nhất để vượt qua con thác. Muốn vậy, chúng phải bơi với tốc độ rất nhanh.

May thay, cơ thể của cá hồi Đại Tây Dương được cấu tạo phù hợp cho những lần “gồng mình” ngắn ngủi nhưng quyết liệt và liên tục này.

Dù vậy cá hồi vẫn không ngừng gặp thất bại và bị con thác cuốn trôi xuống. Nhưng chúng không hề nản chí, lại tiếp tục nhảy lên. Và rồi sau chuyến hành trình dài dằng dặc, cá hồi được trở về nhà của mình.

Không giống như cá hồi Thái Bình Dương, cá hồi Đại Tây Dương không chết sau khi sinh. Thay vào đó, chúng sẽ di cư ngược về đại dương để phục hồi.

Và nếu vẫn chưa bị gấu hay đại bàng ăn thịt trên đường đi, đàn cá hồi sẽ lại tiếp tục những cú lội ngược dòng thêm 1-2 lần nữa trong suốt cuộc đời của mình.

Vậy lội ngược dòng chính là bản năng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thật ở loài cá hồi. Khi nào muốn bỏ cuộc, hãy nhớ về câu chuyện cá hồi vượt thác để có thêm động lực “bơi” tiếp nữa bạn nhé!

Video dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về quá trình "lội ngược dòng" này của loài cá hồi Đại Tây Dương.

Theo BBC, Fish and Aquatic Conservation