Không dưới một lần lọt top những món ăn ngon nhất thế giới, phở càng ngày càng vươn rộng ra tầm quốc tế và trở thành một đặc sản mà ai đến Việt Nam cũng phải thử. Phở có thể đốn ngã từ trái tim của các vị nguyên thủ quốc gia (Bill Clinton từng ăn hai tô phở liền), cho đến nhiều tên tuổi nổi tiếng (giới giải trí Hàn Quốc có người thích đến mức mở hẳn tiệm phở tại Hàn Quốc, các bộ phim drama Hàn cũng thường lấy bối cảnh tiệm phở). Tuy nhiên, cùng với sự nổi tiếng của phở là những trăn trở về việc liệu bạn bè quốc tế có hiểu đúng về món ăn "quốc hồn quốc tuý" của ta? Nhất là sau những sự kiện như thế này đây!
Tyler Akin - đầu bếp người Mỹ bị "ném đá" dữ dội vì truyền tải thông tin sai lệch về phở.
Cách đây khoảng 3 năm, một đầu bếp phương Tây là Tyler Akin đã đăng tải một video về văn hoá ăn uống với nội dung là "cách ăn phở đúng". Đầu bếp Akin được biết là rất yêu thích các món ăn Việt Nam và có một nhà hàng phục vụ món Việt ở bang Philadelphia (Mỹ). Tuy nhiên, video này của anh đã gây nên một hồi "sóng gió" và bị cư dân mạng - phần lớn là người châu Á "ném đá" không thương tiếc. Nguyên do là cách anh khẳng định những điều mình nói chính là cách ăn phở đúng đắn, bao gồm việc "nhà hàng cho bao nhiêu chanh thì nặn bấy nhiêu" cũng như cách dùng đũa để xoắn thật nhiều bánh phở trong một lần gắp. Rõ ràng, đối với người Việt Nam chính gốc và nhiều người châu Á thì những cách này có phần... lạ lẫm.
Anh khẳng định rằng "Phở là mì ramen kiểu mới" khiến dân tình phẫn nộ.
Tuy nhiên, đỉnh điểm khiến người khác "lên án" chính là việc anh so sánh phở và ramen - một loại mì Nhật Bản. "Phở là mì ramen kiểu mới (pho is the new ramen)" - Akin đã thốt ra như thế, và nhận về vô số phản hồi tiêu cực. Bởi vì phở và ramen là hai món ăn vô cùng khác biệt đến từ hai nền văn hoá khác nhau. Từ đây, có thể thấy được nhìn nhận có phần lệch lạc của đầu bếp người Mỹ về các món mì châu Á nói chung chứ không riêng gì phở.
Công thức phở sai từ bánh phở sai đi của trang Tastemade nổi tiếng.
Cách đây không lâu, kênh nấu ăn nổi tiếng Tastemade lại khiến người xem phải thất vọng khi trình làng một video công thức nấu ăn về món phở với phiên bản phở-in-a-jar (tạm dịch là phở-trong-lọ). Đây được cho là món phở ăn liền được nấu nhanh gọn lẹ trong 5 phút. Tạm bỏ qua việc một tô phở bình thường có thể mất từ 4 - 8 giờ để nấu nước dùng thì phiên bản phở-trong-lọ này đã sai từ nguyên liệu cơ bản: bánh phở. Bất kì người Việt Nam nào cũng dễ dàng nhận ra rằng loại sợi khô được sử dụng trong công thức nào phải phở? Đó rõ ràng là một món với sợi mỏng, mảnh và trong suốt rất giống với miến.
Mới đây, dân tình chưa kịp mừng rơn khi nghe tin Netflix sẽ làm phóng sự về ẩm thực Việt Nam trong chương trình Street Food thì lại phải... chưng hửng vì nội dung có vấn đề. Trong tập về ẩm thực đường phố Việt Nam được quay tại Sài Gòn, món phở được nhắc đến, tuy nhiên hình ảnh minh hoạ lại là mì và miến mà chẳng thấy phở đâu. Netflix là một trong những kênh truyền thông rất lớn ở Mỹ, thế nhưng cũng không tránh khỏi sai sót này.
Món ăn truyền thống được bạn bè quốc tế yêu thích là một niềm vinh dự, tuy nhiên đôi khi có những cách thể hiện tình yêu khiến chúng ta phải "dở khóc dở cười" ấy chính là các biến tấu hết sức độc lạ. Điển hình như món... thạch rau câu phở sau đây:
Món thạch được làm từ nước dùng phở pha gelatin cho đông lại, ăn kèm sợi phở và thịt bò tái cùng tương ớt. Lần này, khi người Việt Nam còn chưa kịp phản ứng thì chủ nhân công thức này đã bị chính các thực khách phương Tây thay nhau "ném gạch". Bỏ qua việc hương vị và biến tấu lạ lẫm, thì việc để thịt bò sống đỏ như vậy mà ăn rất khó chấp nhận. Bởi vì chính người Việt khi ăn phở cũng phải nhún thịt bò với nước dùng có độ nóng đủ để khiến thịt chuyển tái. Những biến tấu như thế này có thể khiến bạn bè quốc tế hiểu nhầm rằng bản chất món phở của chúng ta ăn cùng thịt sống như thế.
Việc nhầm lẫn về các món ăn của một nền ẩm thực thật ra rất phổ biến và bất kì ai cũng mắc phải, cũng giống như chính bản thân chúng ta có thể hiểu sai về món ăn các nước. Nên đối với những trường hợp như thế, chúng ta cần thông cảm và dùng hiểu biết của bản thân về món ăn nước nhà để giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn, qua đó làm đẹp hình ảnh của nền ẩm thực nói riêng cũng như văn hoá Việt Nam nói chung bạn nhé!