Thực tế, những bài Toán tiểu học hiện nay không chỉ mang tính chất rèn luyện khả năng tính toán mà còn đan xen một số bài toán "mẹo" đòi hỏi tư duy, óc sáng tạo khiến trẻ trở nên thông minh, linh hoạt hơn, là năng lực không thể thiếu đối với học sinh hiện nay. Hơn nữa, loại hình mở rộng tư duy này có thể mang lại lợi ích cho trẻ rất nhiều, cả việc học tập hay trong công việc tương lai.
Tuy nhiên từ đây cũng xuất hiện những bài Toán gây tranh cãi. Chẳng hạn, một phụ huynh mới đây đã đăng tải một hình ảnh phiếu bài tập Toán về nhà. Yêu cầu của đề bài là "Xem tranh rồi tập kể chuyện theo mỗi phép tính trên". Trong đó có 4 hình ảnh diễn tả một cậu bé đang ngồi ăn súp lơ. Số súp lơ vơi dần.
Học sinh làm các phép tính: Có 6 súp lơ; 6 - 1 = 5; 5 - 3 = 2; 2 - 2 = 0.
Tuy nhiên, bà mẹ này vẫn thắc mắc, liệu kết quả con mình làm đã chính xác hay chưa?
Bài Toán gây tranh cãi
Dưới phần bình luận, một số phụ huynh đồng tình với đáp án trên. Họ cho rằng, câu chuyện kể về 1 em bé có 6 miếng súp lơ và ăn dần đến khi hết, nên sẽ trừ dần. Nhiều người cho biết, ở lớp con mình, cô giáo cũng hướng dẫn làm theo cách tương tự.
Tuy nhiên, luồng ý kiến còn lại nhận định, đáp án phải là 3 - 1 = 2, và 1 - 1 = 0. Theo họ, phải dựa trên hình ảnh số súp lơ cho trên từng hình để làm phép tính chứ không phải suy luận "cao siêu" liên tục từ đầu đến cuối. Như vậy sẽ vượt ngoài tầm tư duy của học sinh lớp 1.
Cũng có người cho rằng, câu trả lời chính xác nên là 6 - 1 = 5, 6 - 4 = 2, 6 - 6 = 0. Trong đó, sẽ lấy 6 súp lơ ban đầu là chủ đạo, rồi trừ dần sao cho ra kết quả dựa trên số súp lơ còn lại trên đĩa.
Bên cạnh đó, vài phụ huynh cho rằng, vì đề bài trừu tượng nên có thể có nhiều đáp án. Và nếu các con đưa ra kết quả nào cũng nên được công nhận thay vì gạch sai.
Nói về bài Toán gây tranh cãi này, cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng, đáp án mà phụ huynh đầu tiên đưa ra là chính xác. "Vì đây là câu chuyện nên các bức tranh sẽ liên kết với nhau", cô Ngọc Anh chia sẻ.