Phùng Đình Đạt (học sinh trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội) vừa có một bài luận lọt top 10 bài luận hay nhất thế giới trong cuộc thi viết luận và tranh biện quốc tế (TSL 2018 International Schools Essay Competition and Debate) do Trust for Sustainable Living và Liên Hợp Quốc phát động và được tổ chức thường niên tại Anh Quốc.
Chủ đề năm nay hướng tới mục tiêu thứ 14 Phát triển bền vững – Life below water và đề bài đưa ra là "Lên kế hoạch để bảo vệ và quản lí các nguồn tài nguyên biển", cuộc thi đã thu hút gần 1,200 bài dự thi được gửi về từ 72 trường học trên toàn thế giới.
Tuy là học sinh tiểu học nhưng Đạt đã có một bài luận xuất sắc bằng tiếng Anh.
Chủ đề của cuộc thi năm nay là "Lên kế hoạch để bảo vệ và quản lí các nguồn tài nguyên biển"
Bài luận lọt top 10 xuất sắc nhất thế giới
Bản Tiếng Việt:
Làm thế nào để cứu đại dương?
"Không phải ai cũng biết mỗi lần rác thải hay ô tô bị ném xuống biển, 9.000.000.000 con người và hàng tấn cá sẽ chết vì ô nhiễm. Các nhà khoa học, cộng đồng và mỗi cá nhân sẽ là những nhân tố chủ chốt thực hiện sứ mệnh cứu đại dương.
Các nhà khoa học sẽ chế tạo ra những chú robot có khả năng nhặt rác và làm sạch biển. Những con người tài năng này có thể tạo ra năng lượng sạch từ nước, mặt trời và thậm chí là rác để làm giảm ô nhiễm. Những vật liệu như nhựa có thể gây ô nhiễm đại dương, vì thế mình nghĩ các nhà khoa học có thể chế tạo ra một loại vật liệu mới để thay thế túi nhựa và hộp nhựa. Mình tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm túi tự hủy và túi tái chế làm từ thức ăn thừa. Các nhà khoa học tài ba, với trí tuệ siêu việt có thể biến ý tưởng này thành sự thật.
Vậy cộng đồng chúng ta có thể giúp gì? Chúng ta có thể dạy trẻ nhỏ và cộng đồng xung quanh cách giữ gìn môi trường biển. Vào năm 2030 chúng ta có thể dạy người khác về những gì mình có thể làm. Trẻ em nên đọc thật nhiều sách về bảo vệ đại dương. Sau khi đọc xong một quyển sách, người lớn nên đặt câu hỏi về nội dung các em vừa đọc và khuyến khích các em chia sẻ về bài học rút ra được từ cuốn sách. Trẻ em cũng nên xem nhiều phim về giải cứu đại dương.
Mình có thể xung phong trở thành một nhân tố thay đổi, có thể làm sạch biển, có thể tự giác nhặt rác ngoài bãi biển nữa. Bên cạnh đó mình sẽ không sử dụng quá nhiều nước, bởi khi đó nhà máy lọc nước sẽ phải lọc nước biển, và nước thải từ việc đó sẽ gây ô nhiễm đại dương, các bạn cá sẽ mất đi ngôi nhà của mình. Và cuối cùng, mình sẽ viết sách về giải cứu đại dương. Một khi người lớn hoặc trẻ con đọc được một cuốn sách hay, não bộ của họ sẽ hứng thú hơn nhiều với việc đọc sách. Mình thấy sách về giải cứu đại dương rất hay. Hoặc đơn giản hơn là bạn có thể viết những mẩu chuyện về việc gìn giữ nguồn nước biển vì những câu chuyện ngắn thì sẽ dễ đọc hơn là cả một cuốn sách dày.
Có rất nhiều cách để chúng ta giải cứu đại dương thân thương nhưng để lấy lại vẻ đẹp vốn có của biển, điều quan trọng nhất là chúng ta cần cùng nhau hành động."