Bài học đầu đời là mẹ nắm tay đến ngân hàng mở sổ tiết kiệm bằng tiền lì xì: Mẹ dạy con về lãi suất, không chi tiêu phung phí

Vân Anh - Design: Trường Dương, Theo Phụ nữ mới 00:01 18/02/2024
Chia sẻ

Thay vì phung phí tất cả lì xì, những ông bố bà mẹ này đã thay con nghĩ ra cách để tiền không mất giá.

Thay vì chi tiêu không có kế hoạch, nhiều phụ huynh đã gửi tiết kiệm bằng tiền lì xì của con. Nhờ đó, họ không chỉ giúp con tích lũy một số vốn lớn khi trưởng thành mà còn dạy trẻ những bài học về đồng tiền. Hai phụ huynh dưới đây là ví dụ.

Bài học đầu đời là nắm tay con đến ngân hàng mở sổ tiết kiệm

Là một giáo viên nên Thuỷ Kiều (35 tuổi, Hà Nội) hiểu rõ tầm quan trọng của việc dạy con về tiền nong từ khi còn nhỏ. Hiện cô đang là mẹ của bé trai học lớp 4. Số tiền lì xì hàng năm của con dao động từ 7-10 triệu đồng.

Ngay khi học lớp 2, con trai cô đã được mẹ đưa ra ngân hàng và lập tài khoản tiết kiệm bằng tiền lì xì. Tài khoản tiết kiệm đứng tên con và người bảo hộ là mẹ, với kỳ hạn 15 năm. Mỗi khi con trai được cho thêm tiền, hoặc có tiền dư thì Thuỷ Kiều đều đặn gửi thêm tiền vào tài khoản này.

Từ khi còn nhỏ, con trai của Thuỷ Kiều đã biết tiêu tiền và thường xuyên đòi lại mẹ tiền lì xì. Ngay vào lớp 1, cậu đã biết bỏ ống heo khi mẹ cho tiền. Tuy nhiên, cô thấy đây là cách làm không hiệu quả. Bởi tiền bỏ ống heo thì con trai rất dễ lấy ra dẫn đến tiêu xài phung phí. Thêm nữa, tiền bỏ ống heo sẽ không sinh lời, từ đó gây lãng phí một khoản lãi hàng năm.

Bài học đầu đời là mẹ nắm tay đến ngân hàng mở sổ tiết kiệm bằng tiền lì xì: Mẹ dạy con về lãi suất, không chi tiêu phung phí - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thuỷ Kiều cho biết: “Do đó, bài học đầu đời của mình là đưa con đi gửi tiết kiệm bằng chính tiền của con. Mình phân tích cho con, nếu tiền để ống heo thì không thể sinh ra được nữa. Giờ mẹ có 2 hình thức, một là lựa vàng cất két sắt sau này bán đi sẽ được nhiều lãi hơn. Hai là bạn đưa mẹ gửi tiết kiệm càng lâu thì tiền lãi càng lớn.

Con trai mình chọn gửi tiết kiệm. Bởi số tiền này được bố mẹ giữ giúp và bạn có thể nhìn thấy được số dư tăng lên. Qua việc cho con cùng đến ngân hàng, mình đã nói rõ hơn cho con về tiền lì được gửi ở ngân hàng, lãi bao nhiêu… để bạn thấy mình là chủ của những đồng tiền đó".

Tài khoản đựng tiền lì xì này chính là tài khoản tiết kiệm đầu đời của con trai Thuỷ Kiều. Trong tương lai, cô nàng mong con có thể dùng số tiền này để làm vốn kinh doanh hoặc mua xe máy.

Không cất hết tiền lì xì vào tài khoản ngân hàng

Nguyễn Ánh (31 tuổi, Hà Nội) là mẹ của hai cậu con trai 8 tuổi và 1 tuổi. Được biết, chỉ riêng trong Tết Nguyên đán năm nay, tiền lì xì của hai con Nguyễn Ánh là 14 triệu đồng. Theo cô nàng, từ những năm về trước, do nhận thấy số tiền lì xì của con khá lớn nên vợ chồng cô đã chọn mở tài khoản tiết kiệm cho trẻ.

Với số tiền lì xì hàng năm của các con, vợ chồng Nguyễn Ánh chia làm 3 phần. Một phần là số tiền nhỏ, được cô trích ra để mua đồ chơi yêu thích cho hai bé. Một phần là khoản tiền được giữ riêng để các con toàn quyền chi tiêu trong năm, nhưng trước khi cần mua gì thì cần thông báo lại cho bố mẹ. Còn lại, cô sẽ gửi tiết kiệm với kỳ hạn 1 năm và đến Tết Nguyên đán năm sau, cô lại gửi thêm tiền vào tài khoản ngân hàng đó. Đến khi các con 18 tuổi, cô sẽ trả lại tiền lì xì và hy vọng con có một khoản tiết kiệm nhỏ.

Bài học đầu đời là mẹ nắm tay đến ngân hàng mở sổ tiết kiệm bằng tiền lì xì: Mẹ dạy con về lãi suất, không chi tiêu phung phí - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

“Tiền tiết kiệm của con mình chỉ kiểm tra khi nhận về để gửi thêm tiền vào sổ tiết kiệm. Tiền lì xì con tự bảo quản, tiền bố mẹ lì xì là một khoản riêng. Vì vậy, nên mình cũng không chịu áp lực lì xì con nhà người khác nhiều hay ít. Tuỳ thuộc vào độ thân sơ của mối quan hệ mà có mức tiền lì xì hợp lý.

Trước khi mình nhận lại tiền lì xì của con, mình đã trao đổi open với con về mục đích sử dụng tiền này. Thêm nữa hàng năm, mình đều cho con xem lại giá trị tài khoản tích luỹ nên các con rất thích", Nguyễn Ánh nói. Cô cho biết thêm, từ tài khoản tiết kiệm này, cô hy vọng khi lớn lên con có khoản học Đại học hoặc vừa ra trường có số vốn ổn định ban đầu.

Ra Tết gửi tiết kiệm ở ngân hàng nào nhận lãi suất cao nhất?

Hiện nay, có 2 hình thức gửi tiết kiệm là mở sổ tại quầy và gửi tiết kiệm online. Tuỳ thuộc vào nhu cầu của mình, phụ huynh có thể lựa chọn kỳ hạn theo tháng hoặc năm. Thông thường, kỳ hạn càng dài thì mức lãi suất càng cao. Lãi suất của hình thức gửi tiết kiệm này sẽ được quy định bởi ngân hàng và thay đổi theo từng thời kỳ.

Tính đến tháng 2/2024, một số ngân hàng đang niêm yết lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy cao kể đến như VPBank (lãi suất 5,0%/1 năm và 5,0%/12 tháng), OCB (lãi suất 5,8%/năm và 4,8%/12 tháng), VIB (lãi suất 5,1%/1 năm và 4,7%/12 tháng), BIDV (lãi suất 5,0%/1 năm và 4,8%/12 tháng)...

Bên cạnh hình thức mở sổ tiết kiệm tại quầy, bố mẹ nên tham khảo hình thức gửi tiết kiệm online tại nhà, trên ứng dụng di động của ngân hàng để tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển.

Tính đến ngày 11/2/2024, đa số các ngân hàng đang niêm yết mức lãi suất dưới 5,8%/năm. Một số ngân hàng đang niêm yết lãi suất gửi tiết kiệm cao kể đến như VPBank (lãi suất 5,5%/24 tháng và 5,4%/12 tháng), OCB (lãi suất 5,8%/24 tháng và 4,9%/12 tháng)...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày