BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia BV Nhi đồng 1 cho biết, trong nhóm tư vấn F0 của ông có tới 40 nghìn người tham gia trong đó là người nhà F0, bản thân F0.
Suốt 2 tháng qua, bác sĩ Khanh "ăn ngủ" cùng với F0 từ điện thoại trực tiếp, Zalo, Facebook… có lúc ông chẳng ngủ được trọn vẹn 1 giấc vì chỉ vài phút lại có người gọi cầu cứu "Bác ơi cứu con… bác ơi giúp con… bác sĩ ơi cứu gia đình con với"… đủ các lời kêu cứu.
Suốt hai tháng qua, bác sĩ Khanh cho biết có những ngày bệnh nhân gọi liên tục, không thể rời được điện thoại dù là đêm khuya. Nhưng nhiều khi nửa đêm họ gọi chỉ là thấy mình có những triệu chứng lạ chứ không hẳn là bệnh chuyển nặng.
Có hôm 2 - 3 giờ sáng, bệnh nhân mất mùi, mất vị giác rồi hốt hoảng gọi điện. Có người vừa 4h sáng đã gọi "Bác sĩ ơi, sao giờ tôi không ngửi được mùi gì hết"… bác sĩ lại phải giải thích cặn kẽ để bệnh nhân hiểu, cũng như là trấn an tinh thần bệnh nhân.
BS Trương Hữu Khanh cho biết hiện tại áp lực của bác sĩ online cũng giảm hơn
Tuy nhiên, khoảng 1 tuần nay, bác sĩ Khanh thấy có nhiều tín hiệu vui. F0 khi xin tư vấn bác sĩ đã đỡ hoảng loạn hơn, họ bình tĩnh hơn và số ca thông báo trở nặng xin tư vấn cũng ít hơn.
Bác sĩ Khanh cho biết trước đây nhiều ca người nhà gọi xin tư vấn khóc lóc, sợ hãi thì giờ người bệnh họ đã hiểu biết về bệnh hơn. Những tín hiệu vui này luôn được ông lan toả với hi vọng sẽ sớm kiểm soát được tình hình.
BS Nguyễn Quốc Vụ Khanh - BV Huyết học TP.HCM cho biết bản thân anh cũng tư vấn F0 online và đến nay bác sĩ Khanh cho biết F0 đã có nhiều tín hiệu vui hơn. Những người xin tư vấn bác sĩ đã không còn hoảng hốt như trước. Nếu như cuối tháng 7, đầu tháng 8 các F0 gọi đều khóc lóc, sợ hãi thì giờ họ bình tĩnh và hỏi bác sĩ có trọng tâm hơn.
Có những bệnh nhân bị hoang mang đòi bác sĩ tìm bệnh viện cho nhập viện liền, vì khó thở, nhưng khi kiểm tra lại thì tất cả chỉ số từ huyết áp, mạch, nồng độ ôxy trong máu đều bình thường, chỉ có một cái bất thường đó là tâm lý. Thường rơi vào những ngày đầu khi bệnh nhân mới nhiễm bệnh sẽ rất dễ bị hoang mang làm ảnh hưởng đến tâm lý nên lúc nào cũng tưởng là mình đang chuyển nặng.
Nhưng hiện tại, bệnh nhân và người nhà hỏi bác sĩ vào các vấn đề trọng tâm hơn. Ví dụ bệnh nhân hỏi bác sĩ cách dùng các túi thuốc như thế nào, dùng túi thuốc A, B, C như trạm y tế phường hướng dẫn.
Người bệnh biết tự đo oxy máu cũng như các bài tập thở và họ chỉ xin tư vấn bác sĩ tư thế nào cho đúng… theo các F0 từ khi dịch xảy ra thì đến hiện tại bác sĩ Khanh cho biết chỉ cần người bệnh bình tĩnh hơn, hiểu hơn về bệnh và theo dõi bệnh thì đó đã là những tín hiệu đáng vui từ tâm dịch TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Phước Vĩnh, giảng viên Bộ môn giải phẫu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, là một trong những bác sĩ đang tham gia trong đội hình theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà do khoa Y Trường ĐH Y Dược TP HCM chia sẻ sau 2 tháng "trực chiến" online với F0 thì đến hiện tại bác sĩ Vĩnh cũng thấy có nhiều tích cực. BS Vĩnh hi vọng 10 ngày tới có thể kiểm soát được dịch bệnh để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Những ngày đầu F0 hoảng loạn thì đến hiện tại tình trạng này đã giảm hơn. Có những lúc bác sĩ cũng stress vì bệnh nhân hỏi các câu hỏi "xóc óc" như tôi đã khỏi rồi nhưng bị ngứa, không ngủ được hay tôi có tắm được không... Thậm chí nửa đêm họ gọi cũng chỉ để hỏi là tôi tắm được không, uống cái này được không, ăn món này được không… Nói chung là đủ thứ hết, đụng cái gì bệnh nhân cũng gọi hỏi bác sĩ.
Mặc dù làm công việc này rất nhiều áp lực và căng thẳng, nhiều khi ám ảnh luôn cả tiếng chuông điện thoại. Nhưng niềm hạnh phúc nhất của các bác sĩ theo dõi và hỗ trợ F0 điều trị tại nhà đó là mỗi lần nhận được thông báo bệnh nhân đã khỏi bệnh, đi kèm với đó là những lời cảm ơn rất dễ thương và ấm lòng.