Đã gần 100 ngày không có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng nhưng đến trưa 25/7 Bộ Y tế đã chính thức công nhận Việt Nam có 416 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó bệnh nhân T.V.D (trú Đà Nẵng) là ca bệnh 416 và là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày.
Ca mắc trong cộng đồng nguy hiểm
Bệnh nhân này là ca lây nhiễm trong cộng đồng và đã mất dấu F0. Bác sĩ Khanh cho biết việc mất dấu F0 trường hợp bệnh nhân này giống với ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai. Việc cần làm đó là khoanh vùng và cách ly.
Bác sĩ Khanh cho biết, truy tìm F0 của bệnh nhân này cũng khó vì có thể bệnh nhân lây do tiếp xúc với ai đó mà người này cũng chỉ là người lành mang vi trùng. Điều cần làm bây giờ là người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.
Chúng ta phải hiểu, một ca lây trong cộng đồng nguy hiểm hơn cả trăm ca trong khu cách ly. Bởi vì, chúng ta không biết người đối diện với mình có phải là người từng mang virus hay không.
Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân vẫn tự chủ động phòng bệnh. Ba biện pháp phòng bệnh cần nhớ đó là đeo khẩu trang, rửa tay và tránh tiếp xúc gần.
Đặc biệt, bác sĩ Khanh cho rằng mọi người cần tập thói quen che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Trước những thông tin về dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng trong khi người dân đang vào mùa du lịch. Bác sĩ Khanh cho rằng mỗi người hãy tự giữ biện pháp bảo vệ chính mình. Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh cần bảo vệ cả gia đình. Người trẻ nên bảo vệ người già bởi Covid-19 ở người già nguy hiểm hơn người trẻ.
Nếu người trẻ tiếp xúc với virus có thể không có triệu chứng, biểu hiện của bệnh nhưng sẽ là nguồn lây cho người tiếp xúc. Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo người dân nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Qua trường hợp này, bác sĩ Khanh khuyến cáo làn sóng thứ hai có tới hay không đều phụ thuộc vào chính từng cá nhân, từng cơ quan, tổ chức.