Bác sĩ cảnh báo tình trạng đổ xô mua Tamiflu điều trị cúm A

, Theo vov.vn 08:18 10/02/2025
Chia sẻ

Mùa Đông Xuân tạo điều kiện cho các bệnh về đường hô hấp gia tăng, trong đó có cúm A. Trước tình trạng các ca mắc cúm gia tăng, người dân đã đổ xô đến các hiệu thuốc để mua thuốc kháng virus tamiflu. Tuy nhiên việc mua thuốc không có chỉ định của bác sĩ sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lưu tâm.

Thuốc Tamiflu “cháy” hàng

Trước tình trạng cúm A bùng phát, người dân lo ngại cúm A nên mua tích trữ thuốc Tamiflu. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện tình trạng “cháy” thuốc Tamiflu trong khi giá thuốc này vẫn đang có dấu hiệu gia tăng.

Một chủ tiệm thuốc ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Hiện giờ các đầu mối để nhập thuốc này về đang khan hiếm. Sáng nay tôi mới nhập về được 2 hộp Tamiflu thì buổi trưa đã có người mua hết. Có người dân được bác sĩ kê đơn thuốc có Tamiflu, nhưng thuốc đắt quá không có tiền mua nên đành bỏ, không mua nữa. Tuy nhiên đến hiện tại có tiền cũng không còn thuốc để mua”.

Bác sĩ cảnh báo tình trạng đổ xô mua Tamiflu điều trị cúm A- Ảnh 1.

Nhiều người mắc cúm A, người dân đổ xô đi mua tamiflu

Chị Nguyễn Hoài Anh, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có biểu hiện mắc cúm A từ đầu tháng 2. Để điều trị, chị đã mua 2 hộp Tamiflu với giá 690.000 đồng/hộp/1 vỉ 10 viên ở nhà thuốc Long Châu.

“Mặc dù là giá thuốc đắt hơn so với bình thường, nhưng do cần gấp nên cũng đành phải mua thôi”, chị Hoài Anh cho biết.

Tại trang web “Tra cứu giá thuốc” của Cục quản lý dược, Bộ Y tế, Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Thế nhưng ở một số cửa hàng thuốc, 1 hộp Tamiflu được bán với giá 600.000 – 650.000 đồng. Còn tại hệ thống nhà thuốc Long Châu hiện ghi nhận giá niêm yết của thuốc Tamiflu là 69.000 đồng/ viên, 690.000 đồng một hộp.

Tự sử dụng tamiflu rất nguy hiểm

Theo BSCKI Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị, giá thuốc Tamiflu tăng, một phần là do số bệnh nhân mắc cúm A gia tăng, phần nữa là do nhiều người dân tự ý mua thuốc khi chưa thăm khám, chưa có chỉ định của bác sĩ. Thậm chí có nhiều người mua về để dự trữ.

Bác sĩ cảnh báo tình trạng đổ xô mua Tamiflu điều trị cúm A- Ảnh 2.

BSCKI Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị

Bác sĩ Thủy cho biết, việc người dân ồ ạt đi mua mà không có chỉ định của bác sĩ là điều rất nguy hiểm. Bởi chúng ta không thể tự chẩn đoán bản thân có mắc cúm A hay không, thứ 2 người dân tự mua thuốc thì sử dụng có đúng liều, thời gian không, thứ 3 nữa là bản thân họ không tự phát hiện được các nguy cơ và biến chứng do cúm gây ra.

“Tamiflu là một loại thuốc kháng virus, nó khiến virus bất hoạt, khó nhân lên được nhưng không diệt được virus đó. Thuốc kháng virus cúm A - Tamiflu có tác dụng tốt nhất trong 48h đầu. Dùng muộn hơn sẽ không có tác dụng. Nên dùng Tamiflu khi có chỉ định của bác sĩ cho những trường hợp bệnh nặng, có bệnh lý nền, trẻ em dưới 2 tuổi hoặc người già”, bác sĩ Thủy cho biết.

Do đó bác sĩ Thủy khuyên tốt nhất khi có dấu hiệu cúm, chúng ta nên khám sớm. Việc phát hiện và chẩn đoán sớm rất quan trọng.

Khuyến cáo đối với người dân

Theo BS. Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi nên được đi khám sàng lọc cúm, đánh giá và cân nhắc cho dùng thuốc kháng virus sớm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng. Tránh để tình trạng nặng mới đi viện sẽ khiến việc điều trị rất tốn kém và khó khăn.

Cùng ý kiến BSCKI Nguyễn Thị Thủy, bác sĩ Khiêm cho rằng, người dân không tự mua kháng sinh để dùng, bởi thuốc này không có tác dụng với cúm mà gây ra nhiều tác hại khi sử dụng.

Bác sĩ cảnh báo tình trạng đổ xô mua Tamiflu điều trị cúm A- Ảnh 3.

Nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền mắc cúm A nhập viện trong thời gian gần đây

“Không tự ý mua thuốc kháng virus uống, điều này có thể gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gây gia tăng đề kháng thuốc. Thuốc kháng virus chỉ có lợi với người có nguy cơ, có biểu hiện nhiễm cúm nặng. Người dân nên tiêm phòng ngừa cúm hàng năm, đặc biệt là người có tuổi, có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch...”, bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuyên gia y tế cũng khuyên rằng người dân không nên tự ý mua và sử dụng test nhanh. Xét nghiệm test nhanh cúm thường có độ nhạy tương đối thấp vì vậy ngay cả khi có kết quả test nhanh âm tính với cúm cũng không nên bỏ qua cúm, đặc biệt là với bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp và có suy hô hấp hoặc bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhiễm cúm nặng. Do đó cần đến viện test để có được kết quả chính xác cao hơn.

Khi đối diện với cúm, chúng ta không nên quá hoang mang lo lắng, nhưng cũng không nên chủ quan đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày