LTS: Xung quanh câu chuyện nhiều bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, nhiều người cho rằng lý do chính là thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ khẳng định, với họ, vấn đề thu nhập không phải yếu tố quyết định. Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi phỏng vấn một số bác sĩ đang làm bệnh viện đầu ngành "nhảy việc" ra một số cơ sở y tế công lập hoặc cơ sở y tế tư nhân và nhận được sự phản hồi rất đa chiều.
Một bác sĩ từ BV Bạch Mai đã chuyển sang 1 bệnh viện tư nhân lớn ở Hà Nội vì nhận được "lời mời có cánh". Ban đầu, người ta mời anh với mức lương 60 triệu đồng/tháng. Anh nghe số tiền này cũng ổn nên đã nhận lời.
Nhưng khi ra bệnh viện tư nhân làm, bác sĩ này cảm thấy vô cùng áp lực vì bị bệnh viện áp doanh thu. Bệnh viện yêu cầu để nhận mức lương 60 triệu đồng/tháng, bác sĩ phải tạo ra doanh thu cao hơn mức lương bác sĩ được nhận. Trong khi đó bệnh nhân không nhiều, áp lực nhiều quá, bác sĩ chỉ quen làm chuyên môn, không thạo làm kinh tế nên có lúc cũng hối hận vì chỉ nhìn cái lợi trước mắt.
Vị bác sĩ này tâm sự, nếu như xã hội đánh giá đúng ngành y, trả lương đúng với giá trị công việc thì ít bác sĩ bỏ việc. Điều một người bác sĩ cần là sự đánh giá đúng tính chất công việc và mức lương xứng đáng chứ không phải các khẩu hiệu tung hô như nghề cao quý, lương y như từ mẫu... mà mức lương không đủ sống. Nếu được trả lương tương xứng với trí tuệ, thời gian bỏ ra cho công việc thì ít ai nghĩ tới nhảy việc.
Anh P.V.N. là Thạc sĩ chuyên khoa tại một tỉnh lẻ ở phía Bắc, đang là công chức có phòng khám tư mỗi tháng thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng. Trong khu vực anh sống, đây là mức thu nhập nhiều người mơ ước.
Tuy nhiên, khi anh nhận được lời mời đến Hà Nội làm giám đốc 1 bệnh viện tư nhân có mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng, anh N. đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để đến Thủ đô làm giàu.
Anh N. vừa xin nghỉ việc và nhận chức vụ Giám đốc chuyên môn ở bệnh viện tư được vài tháng thì đành nghỉ vì không thể thực hiện cam kết với nhà đầu tư. Nhà đầu tư muốn có lợi nhuận ngay nhưng bệnh viện thì lại chưa có thương hiệu. Mỗi lần anh N. đề xuất đẩy mạnh marketing thì lại bị gạt đi bởi lý do "ếch chết vì kêu to". Cứ như thế, anh loay hoay đi chẳng được mà ở cũng không xong, cuối cùng cũng phải xin nghỉ việc sau 2 năm.
PGS Nguyễn Hoài Nam
PGS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, thi thoảng lại có đợt bác sĩ bệnh viện công lập nghỉ hàng loạt để ra bệnh viện tư, nhất là ở những khu vực có bệnh viện tư nhân mới xây dựng.
Theo PGS Nam, đa số bệnh viện tư mới mở thường hút các bác sĩ tại bệnh viện công bằng các "miếng mồi lương cao". Có bác sĩ đang làm nhà nước, lương chỉ hơn chục triệu đồng ra ngoài làm tư nhân được trả hàng trăm triệu đồng mỗi tháng thì ai cũng ham. Tuy nhiên, đây lại có thể là "cái bẫy".
Đa số bệnh viện tư ban đầu trả lương cao nhưng đều có cam kết doanh thu và nếu không có bệnh nhân thì doanh thu sẽ giảm, đồng nghĩa thu nhập chẳng còn được hàng trăm triệu như ban đầu.
Có một bệnh viện ở Bình Dương khi khai trương hút rất nhiều bác sĩ giỏi về và chỉ chưa đầy 1 năm một số "cao thủ" cũng đành lặng lẽ rời đi.
Về câu chuyện mặt bằng lương bác sĩ là thấp hay cao, bác sĩ Nam cho rằng, dù lương thấp nhưng nếu bác sĩ biết tận dụng thế mạnh của mình thì cũng có thể tạo ra nguồn thu nhập tương xứng.
Thế mạnh ở đây tức là không trông chờ vào nhà nước trả mà có thể tự xây dựng thương hiệu cho mình rồi bệnh nhân tìm tới. Rất nhiều bác sĩ không cần bỏ bệnh viện công vẫn có thu nhập "khủng" nhờ có phòng mạch bệnh nhân tới khám.
Ngay cả PGS Nam cũng từng đầu tư cho phòng mạch của ông thật tốt để thu hút bệnh nhân tới khám, tư vấn; hoàn toàn không có "móc" bệnh nhân từ trong bệnh viện công ra ngoài.
Bản thân BS Nam cũng nhiều lần muốn bỏ nhà nước ra ngoài làm nhưng chính môi trường làm việc đã dạy ông cách hãy tự bật que diêm hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.