Nằm tại xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, ngôi làng còn được biết đến với cái tên thân thương, gần gũi là “Bản làng Thái Hải”. Đến với bản làng Thái Hải - nơi có cộng đồng 4 thế hệ người Tày với hơn 30 ngôi nhà sàn giữa không gian xanh, du khách sẽ được tìm hiểu, khám phá về văn hóa cộng đồng bà con các dân tộc thiểu số. Đây là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn tìm đến sự bình yên, giản dị, trải nghiệm sự mộc mạc, đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tại Thái Nguyên.
Điều đặc biệt ở Thái Hải, đó là một “gia đình” có đến 150 thành viên cùng đồng hành với bà Trưởng làng, tạo thành một cộng đồng “ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền”. Ai nấy đều yêu thương nhau, cùng nhau san sẻ buồn vui trong công việc, cuộc sống và đặc biệt cùng chung tình yêu với văn hóa dân tộc. Mọi người cùng nhau xây dựng cuộc sống tại nơi này và theo cách tự nhiên, một làng du lịch cộng đồng mang tên Thái Hải hình thành với mong muốn chia sẻ và lan toả với du khách gần xa, cũng như tiếp thêm sức sống cho văn hoá dân tộc Tày.
Đến với bản làng Thái Hải, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm các phong tục tập quán, các nghi lễ truyền thống và hòa mình với không gian nghỉ dưỡng, ẩm thực đậm chất truyền thống. Đó là những phút giây tận hưởng sự thư thái trên những nếp nhà sàn, hay thưởng thức các món ăn ẩm thực truyền thống dân dã của địa phương. Bên cạnh đó, người dân nơi đây luôn chào đón du khách bằng đạo đức, tình yêu thương, lối sống mộc mạc, giản dị nhưng tràn đầy năng lượng của người đồng bào.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, đại diện bản làng Thái Hải (Thái Nguyên), ngôi làng ít bị ảnh hưởng bởi các thách thức của đô thị hóa. Khi văn hóa Tày được kết hợp với du lịch tạo nên một sản phẩm trải nghiệm độc đáo thu hút khách thì bản làng có nguồn thu để tiếp tục nuôi dưỡng văn hóa truyền thống. Còn với giới trẻ người Tày, du lịch mang lại công việc nguồn thu nhập từ việc đem văn hóa truyền thống đến du khách, từ đó khuyến khích thanh niên gắn bó với bản làng. Họ vừa có thể sống, gắn bó với văn hóa mà vừa đảm bảo được cuộc sống, thu nhập và mang lại sự phát triển bền vững của cả bản làng.
"Người Tày chúng tôi giáo dục trẻ em về truyền thống, về đạo đức và tình yêu thương, từ thuở lọt lòng đến khi các em trưởng thành vẫn luôn nhận được chia sẻ, dạy bảo, tôn trọng. Chúng tôi cố gắng bằng mọi cách cho các em trải nghiệm, đồng hành các công việc cùng cộng đồng để dần dần họ yêu, họ thấm nhuần văn hóa của dân tộc Tày, cho họ sự tự tin và kỹ năng để trở thành 1 người Tày có đạo đức và có ích cho xã hội trong tương lai. Đây là điều cốt lõi nhất", ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết.
Làng rau Trà Quế là làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành từ thế kỷ XVII, nổi tiếng với nghề trồng rau theo phương thức truyền thống, độc đáo. Làng hiện có 202 hộ chuyên trồng rau, với 18 héc ta, gồm 55 loại rau. Bên cạnh việc giữ gìn phương thức canh tác truyền thống trong quy trình trồng rau, người dân đã tích lũy kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp, cách thức sản xuất để có sản phẩm rau đảm bảo chất lượng, an toàn người sử dụng, ít tốn thời gian sản xuất. Tri thức dân gian được tích lũy theo thời gian, có sự cộng hưởng của cộng đồng cư dân để có những phương thức sản xuất chung nhất, đại diện cho cả cộng đồng. Tháng 4/2022, nghề trồng rau Trà Quế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Đến với Trà Quế, du khách sẽ được hòa mình vào không gian đồng quê yên ả, thoang thoảng hương thơm của các loại rau gia vị; được trải nghiệm hoạt động chợ quê và các sinh hoạt cộng đồng của người dân; tham quan các di tích lịch sử lâu đời; tìm hiểu các thông tin du lịch làng rau; tham gia các trò chơi dân gian; được trải nghiệm các hoạt động trồng trọt của người nông dân Trà Quế và thưởng thức ẩm thực địa phương tại các hộ dân trong làng.
Hiện nay tại Làng rau Trà Quế, công ty lữ hành Vivu Journeys đã xây dựng mô hình du lịch nông thôn kết hợp giữa trải nghiệm ở làng rau và phương tiện xe ba bánh (sidecar) khá độc đáo. Mỗi chiếc có thể chở tối đa hai khách, và người tài xế cũng là hướng dẫn viên địa phương. Tuỳ theo mùa mà trải nghiệm của du khách có thể thay đổi như xem gặt lúa, thử hạt lúa, ngắm đồng, xem trồng rau, thử tưới nước, nếm thử rau…
Bà Nguyễn Thị Bảo Phượng - Giám đốc chi nhánh Miền Trung của Vivu Journeys (Thiên Minh Group) cho biết, thăm Hội An trên xe ba bánh sidecar tự thân đã là một trải nghiệm thú vị không có ở nơi nào khác. Được ngồi trên loại phương tiện cơ động này để len lỏi qua những con đường quê, cánh đồng lúa của Hội An trước khi tới làng rau Trà Quế là một trải nghiệm mà du khách trong nước và quốc tế rất yêu thích.
"Mùa nào ở Hội An có cây trái gì, phong cảnh đẹp ra sao, lễ hội gì ở làng rau Trà Quế, những tài xế người địa phương này sẽ nắm rõ nhất. Vì thế tour du lịch này khách có một trải nghiệm đặc sắc gắn liền với vùng nông thôn duyên hải miền Trung, vừa giúp địa phương quảng bá du lịch nông nghiệp và và vừa tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống", bà Nguyễn Thị Bảo Phượng cho biết.
Tân Hóa là một ngôi làng nhỏ nằm sâu trong huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ với những dãy núi đá vôi, thung lũng hoang sơ và đồng cỏ xanh mướt trải dài. Tuy nhiên nơi đây thường xuyên chịu ảnh hưởng của mùa mưa, có những năm nước lũ dâng cao ngập cả ngôi làng. Nhờ định hướng du lịch bền vững, Tân Hóa đã chuyển mình mạnh mẽ: từ một ngôi làng nhỏ với gần 3.000 người Nguồn sinh sống trở thành một điểm đến nổi tiếng tại Quảng Bình, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương.
Bên cạnh các giá trị về văn hóa, lịch sử, người Nguồn còn có văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo. Tại một bữa ăn thường ngày của người Nguồn sẽ có những món ăn vô cùng đặc biệt mới lạ đặc biệt là với du khách như: cơm Pồi, rau khoai (hay còn gọi là thâu lang), ốc tực (ốc), cà lào,… Trong số đó, “cơm Pồi” là món ăn đặc trưng truyền thống với nguyên liệu chủ yếu là từ ngô (sậu) hoặc là “thoóc” (lúa), sắn, đậu (đỗ) được chế biến vô cùng kỳ công và đặc biệt đòi hỏi nhiều thời gian.
Trải nghiệm bữa ăn tại nhà dân không chỉ là thưởng thức những món ăn truyền thống của người Nguồn, mà còn là một trải nghiệm đầy giá trị văn hóa. Khi tham gia dịch vụ này, du khách sẽ hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương, kiến trúc truyền thống của ngôi nhà người Nguồn và cả văn hóa gia đình, cộng đồng của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, chu đáo và hiếu khách của những người dân Tân Hóa sẽ khiến quý khách cảm thấy bất ngờ và ấn tượng. Với trải nghiệm độc đáo này, buổi ăn tại nhà dân sẽ trở thành một kỉ niệm khó quên trong chuyến đi của du khách.
Bên cạnh lưu trú tại các homestay ở Tân Hóa, du khách còn có nhiều hoạt động như tour thám hiểm hang động Tú Làn, tour xe mô tô địa hình ATV khám phá rừng Lim Tân Hoá, đạp xe khám phá những cánh đồng ngô, tham quan làng mạc và trải nghiệm dịch vụ ăn tối tại nhà người dân địa phương để hiểu thêm văn hoá và đời sống của người dân tại nơi được mệnh danh là “vùng rốn lũ”.
Theo ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, từ khi có hoạt động du lịch tại đây với sản phẩm khám phá hệ thống hang động Tú Làn, chương trình Tú Làn Race thì có nhiều tổ chức và cá nhân đã hỗ trợ cho người dân xây nhà phao chống lũ. Tính đến năm 2020 thì tổng cộng Tân Hóa đã có hơn 620 căn nhà phao đã được xây dựng và 100% hộ dân vùng ngập lụt đã có nhà phao. Người dân dần thích ứng với thời tiết và tìm cách phát triển, cộng thêm hoạt động du lịch thì đời sống người dân đã khá hơn. Trên cơ sở đó, Công ty Oxalis đã phối hợp với Sở Du lịch Quảng Bình, chính quyền địa phương triển khai mô hình Làng du lịch thích ứng thời tiết.
"Sáng kiến Làng du lịch thích ứng thời tiết với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn từ khám phá hang động, trải nghiệm du lịch thiên nhiên, văn hóa bản địa, đã mang đến sự phát triển kinh tế mạnh mẽ cho Tân Hóa. Du lịch đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong đời sống của người dân Tân Hóa trong những năm qua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,65% năm 2024. Tính riêng năm 2024, Oxalis đã mang 11,000 khách du lịch đến Tân Hóa, trong đó có 80% là khách nước ngoài. Tổng thu nhập của Tân Hóa năm 2024 là gần 10 tỷ, trong đó có các khoản tiền công porter, tiền ăn tối nhà dân, homestay và tiền mua thực phẩm phục vụ cho các tour Tú Làn", ông Trương Thanh Duẩn cho biết.