Không có khả năng sinh con là nỗi buồn của nhiều bà mẹ, khi ước mơ được thực hiện thiên chức của một người phụ nữ, dù chỉ một lần trong đời cũng không thực hiện được.
Bà Saalumarada Thimmakka bên rừng cây cổ thụ hai vợ chồng trồng cách đây vài chục năm.
Thật không may khi số phận kém may mắn đó lại đến với bà Saalumarada Thimmakka, đến từ Karnataka, Ấn Độ. Vậy nhưng, khi phát hiện mình không có khả năng sinh con sau 25 năm kết hôn, người phụ nữ này đã tự vực mình dậy và nuôi dậy "những đứa con thiên nhiên".
Bà Saalumarada Thimmakka đã trồng hàng trăm cây xanh và nuôi dưỡng, chăm sóc chúng mỗi ngày. Với hai vợ chồng, ông bà coi chúng như đứa con của mình.
"Định mệnh đã cho tôi không có khả năng sinh con", bà Saalumarada Thimmakka cho biết. "Vì thế, tôi quyết định sẽ trồng cây, nuôi dưỡng và đối xử với chúng như con mình".
Nhiều giải thưởng môi trường đã được dành tặng cho bà.
Khu rừng giờ đây có khoảng hơn 300 cây xanh, một kỳ tích đối với nhiều người khi ngôi làng nơi vợ chồng bà sinh sống có lượng mưa rất thấp với khí hậu khô cằn. Trải dài trên khoảng 4km của hai bên đường làng, khu rừng này đã mang lại cho vợ chồng bà những giải thưởng về môi trường, điều mà trước đây bà không bao giờ nghĩ tới.
"Tôi rất vui khi nhìn thấy các con mỗi ngày. Tôi đã chăm sóc chúng và giờ đây tất cả đang vươn lên khỏe mạnh", người phụ nữ 105 tuổi cho biết. Để có được thành quả như ngày hôm nay, hai vợ chồng bà đã phải rất vất vả đào hố, gánh nước từ xa tưới cho cây, trồng cây bụi làm hàng rào... Dù người chồng thân yêu đã qua đời, bà vẫn tiếp tục lặng lẽ làm công việc bảo vệ thầm lặng cho những đứa con của mình.
Hàng cây giờ đã trở thành một biểu tượng về môi trường cho ngôi làng.
Niềm hạnh phúc đã đến với bà khi cách đây vài năm, cậu bé 14 tuổi Sri Umesh đã đến gặp bà để bày tỏ niềm ngưỡng mộ cũng như mối quan tâm đến bảo tồn môi trường. Bà đã rất vui và nhận Sri Umesh làm con nuôi. Cha mẹ đẻ của Umesh cũng đồng ý để con trai mình có thêm một người mẹ thứ hai.
Cùng với cậu con nuôi, bà Saalumarada Thimmakka đã tích cực trồng thêm cây xanh và thành lập tổ chức bảo vệ cây xanh tại địa phương. Với bà, trồng cây xanh chính là biện pháp đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.
Bà Saalumarada Thimmakka bên người con nuôi.