Ba công dân Trung Quốc bị bắt vì vận chuyển trái phép hàng trăm kg ốc mượn hồn

Linh Quy (Theo Kyodo, SCMP), Theo VTV News 19:42 11/05/2025
Chia sẻ

Ba công dân Trung Quốc này bị cáo buộc vận chuyển trái phép một số lượng lớn ốc mượn hồn - loài sinh vật được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ba công dân Trung Quốc bị bắt vì vận chuyển trái phép hàng trăm kg ốc mượn hồn- Ảnh 1.

Tang vật bị thu giữ. (Ảnh: Kyodo)

Vụ việc khiến dư luận Nhật Bản và quốc tế quan tâm không chỉ bởi tính chất vi phạm pháp luật, mà còn vì những tác động tiềm tàng đến môi trường biển và đa dạng sinh học khu vực.

Vụ việc được phát hiện tại một khách sạn ở thành phố Amami, Nhật Bản ngày 7/5, khi một nhân viên khách sạn nghe thấy tiếng động lạ phát ra từ hành lý của ba vị khách nước ngoài và báo cho cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận thông tin, cảnh sát và nhân viên môi trường địa phương lập tức có mặt để kiểm tra. Kết quả, họ phát hiện sáu chiếc vali chứa đầy ốc mượn hồn - loài động vật giáp xác có tập tính sống trong vỏ ốc bỏ hoang.

Ba nghi phạm, gồm Liao Zhibin (24 tuổi), Song Zhenhao (26 tuổi) và Guo Jiawei (27 tuổi), bị bắt giữ ngay sau đó vì sở hữu và vận chuyển trái phép loài động vật được bảo vệ mà không có giấy phép hợp lệ.

Theo cảnh sát Nhật Bản, loài ốc mượn hồn bị thu giữ trong vụ việc được xếp vào danh sách "di sản thiên nhiên cấp quốc gia" của Nhật. Chúng không chỉ có vai trò quan trọng trong nghiên cứu sinh học mà còn mang giá trị văn hóa nhất định. Vì vậy, mọi hành vi săn bắt, buôn bán hoặc vận chuyển loài này đều bị cấm theo quy định của Luật Bảo vệ Động vật Hoang dã Nhật Bản.

Ba công dân Trung Quốc bị bắt vì vận chuyển trái phép hàng trăm kg ốc mượn hồn- Ảnh 2.

Ba công dân Trung Quốc bị cảnh sát Nhật Bản bắt vì vận chuyển trái phép hàng trăm kg ốc mượn hồn (Ảnh: Mnews)

Một con ốc mượn hồn có thể được rao bán trên thị trường với giá lên tới 20.000 Yen (khoảng 140 USD), khiến loài vật này trở thành mục tiêu của các đường dây buôn lậu động vật.

Quần đảo Amami - nơi xảy ra vụ việc - là một điểm đến nổi tiếng của du lịch sinh thái và được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Khu vực này là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật và động vật đặc hữu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học.

Ốc mượn hồn là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái biển. Chúng giúp phân hủy chất hữu cơ, làm sạch môi trường đáy biển và duy trì sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Việc mất đi một lượng lớn cá thể có thể gây ra những xáo trộn nghiêm trọng trong chuỗi thức ăn và ảnh hưởng đến sự sống còn của các loài khác trong môi trường biển.

Trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đã ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sống của ốc mượn hồn. Do thiếu hụt vỏ ốc tự nhiên - hậu quả từ việc khai thác quá mức và ô nhiễm - nhiều cá thể đã buộc phải sử dụng các vật liệu nhân tạo như nắp chai nhựa hoặc mảnh nhựa vỡ để làm "nhà" cho mình.

Ba công dân Trung Quốc bị bắt vì vận chuyển trái phép hàng trăm kg ốc mượn hồn- Ảnh 3.

Một con ốc mượn hồn có thể được rao bán trên thị trường với giá lên tới 20.000 Yen (khoảng 140 USD). (Ảnh: lindaikejisblog)

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science of The Total Environment vào năm 2024 đã phân tích gần 29.000 hình ảnh về ốc mượn hồn trên khắp thế giới. Kết quả cho thấy có ít nhất 386 cá thể sử dụng vỏ nhân tạo, phần lớn là các vật phẩm nhựa như nắp chai. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc sử dụng những loại vật liệu này có thể gây tổn hại đến sức khỏe của ốc và khiến chúng dễ bị tổn thương trong tự nhiên.

Trước thực trạng đáng báo động trên, nhiều cá nhân và tổ chức tại Nhật Bản và quốc tế đã khởi xướng các chiến dịch bảo vệ ốc mượn hồn cũng như môi trường biển. Tiêu biểu là dự án "Make The Switch 4 Nature" (MTS4N) do nhiếp ảnh gia Shawn Miller khởi xướng tại Okinawa, Nhật Bản. Dự án kêu gọi người dân quyên góp vỏ ốc tự nhiên để cung cấp cho các cá thể ốc mượn hồn trong tự nhiên, góp phần ngăn chặn việc sử dụng rác thải nhựa làm vỏ.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường cũng liên tục tổ chức các chương trình giáo dục cộng đồng về tác hại của ô nhiễm nhựa và tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Vụ bắt giữ ba công dân Trung Quốc không chỉ là một hành động thực thi pháp luật đơn thuần mà còn là lời cảnh tỉnh về sự gia tăng các hoạt động buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp - một vấn đề toàn cầu đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống tự nhiên của nhiều loài quý hiếm. Để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, từ việc siết chặt kiểm soát tại cửa khẩu cho đến đẩy mạnh giáo dục và truyền thông nhằm nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày