Huy động cả nhà làm heo đất để kịp Tết vì khó thuê nhân công
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến làng heo đất tại phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), nơi được mệnh danh là "làng heo đất" vì từng có gần 200 hộ theo nghề.
Những chú heo đất trong hình dạng "ông Tý" sẵn sàng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Từ gần 200 hộ gia đình gắn bó với nghề làm heo đất, hiện nay chỉ còn mỗi chị Đào là tiếp tục với công việc vất vả này.
Khác với không khí nhộp nhịp của thời điểm "ăn nên làm ra" của những người làm heo đất để phục vụ cho thị trường Tết, ở Lái Thiêu chỉ còn duy nhất hộ gia đình chị Vương Anh Đào vẫn bám trụ với nghề.
Đang nhào nặn, tỉ mỉ chỉnh sửa lại cho chú heo đất, chị Đào vừa cười vừa nói: "Gần Tết rồi nên nhà chị ai nấy cũng tất bật, mấy khi được bận rộn như thế này, mệt thì mệt nhưng vui lắm".
Theo chị Đào, lúc trước có rất nhiều nhà làm heo đất nhưng vì thu nhập bấp bênh, một số người bỏ nghề, số khác thì chuyển sang gia công khâu cuối cùng là vẽ, sơn heo đất…, nên chỉ còn mỗi hộ chị là sản xuất heo.
Chị Đào cho biết vì yêu nghề nên công việc dù có bấp bênh vẫn quyết tâm gắn bó.
Mỗi ngày, 5 người trong gia đình chị Đào phải thay phiên nhau làm việc từ 2h sáng đến 21h tối để kịp sản xuất gần 1.000 con heo đất/tuần, tăng gấp đôi so với bình thường.
"Nghề này vất vả lắm, tay chân lại lấm lem hồ đất, nghỉ trưa cũng chẳng có nên rất khó để thuê mướn nhân công. Mỗi ngày, lương cao nhất của người làm nghề chỉ khoảng 200 nghìn đồng nên họ chọn làm ở các công ty cho đỡ cực", chị Đào tâm sự.
Dù cho nghề làm heo đất vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao, chỉ đủ sống qua ngày nhưng chị Đào quyết tâm không bỏ nghề.
Dưới bàn tay của những thành viên gia đình chị Đào, các chú heo đất với đủ hình dáng khác nhau lần lượt xuất hiện.
"Cái nghề này đã truyền nối từ đời ông, đời cha đến nay nên mình phải gìn giữ, thấy heo đất là thấy Tết, làm riết rồi chị yêu nó luôn, cứ quen tay quen chân, giờ bảo chị bỏ nghề cũng chẳng thể nào bỏ được", chị Đào tâm sự.
Loay hoay nhào đất rồi đến chỗ lò nung, chị Đào tất bật chạy qua chạy lại các khu vực để làm heo đất. Dù mệt nhưng chị cảm thấy rất vui vì heo đất hút hàng dịp Tết, đây cũng là thời điểm "bù lỗ" tốt nhất cho những tháng mưa ế ẩm.
Tết Canh Tý nên heo đất cũng "biến hình" thành chuột
Nhằm phục vụ nhu cầu mua heo đất dịp Tết Nguyên đán, chị Đào huy động toàn bộ nhân lực, quên ăn quên ngủ để sản xuất heo đất.
Để ra được một chú heo đất hoàn chỉnh mất khoảng 2-3 ngày. Từ công đoạn trộn đất, nước và keo silicat đến rót vào khuôn, khoét lỗ tiền, gọt bỏ phần thừa cho đến phơi, nung heo…, tất cả đều được gia đình chị Đào thực hiện.
Nơi làm heo đất của nhà chị Đào với rất nhiều khuôn hình khác nhau.
Sau khi heo đất được ra lò sẽ đem ra phơi nắng.
"Giờ người tiêu dùng khó tính lắm, năm nay đòi mẫu này, năm sau đòi mẫu mới, mình làm "dâu trăm họ" thì phải cố mà theo, theo đến khi nào đuối quá thì thôi", chị Đào vui vẻ nói.
"Nói làm heo đất chứ năm nay toàn biến heo thành chuột, Tết Canh Tý mình buộc phải theo, chị đặt thêm 10 khung hình ông Tý để phong phú hơn cho khách chọn lựa. Ngoài các mẫu truyền thống, gia đình chị còn cho ra các loại heo 3D với mẫu mã đa dạng", chị Đào chia sẻ.
Dù phải mất nhiều thời gian, công sức để cho ra một chú heo đất nhưng giá bán heo chỉ từ 10 – 50 ngàn đồng. Với số tiền ít ỏi kiếm được từ việc làm heo đất, chị Đào chỉ đủ để trang trải chi phí làm heo và có được cơm ngày ba bữa.
Nhiều hộ gia đình khác không còn tự tay sản xuất heo đất mà sẽ làm phần việc sơn, vẽ lên những chú heo này.
Nhìn thấy heo đất được bày bán khắp các nẻo đường cũng là lúc Tết đã cận kề...
Cặm cụi sơn lại chú heo đất, chị Vũ Tiết Xuân (con gái chị Đào) cho biết vì thấy bố mẹ làm cực khổ nên chị quyết định bỏ ngang việc học đại học để ở nhà phụ giúp. "Làm heo đất thấy vậy chứ vui lắm, nhất là thấy những sản phẩm mình được mọi người đón nhận. Nghề nào cũng có cái cực khổ riêng, miễn mình thấy hạnh phúc với nó là được", chị Xuân nói.
Có lẽ đối với từng thành viên trong gia đình chị Đào, được tiếp nối công việc làm heo đất mà tổ tiên để lại đã là một điều ý nghĩa nhất. Bởi hơn ai hết, gia đình chị cảm nhận rằng công việc này không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp mà còn giúp sáng tạo nghệ thuật, khơi dậy lòng đam mê với công việc truyền thống.