"ATM gạo" thứ 2 ở Sài Gòn chính thức hoạt động, bà con khó khăn chỉ cần "nhìn camera, máy sẽ tự động nhả gạo". Thực hiện: Kingpro
Ngày 13/4, máy "ATM nhả gạo" tình thương cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19 tiếp tục hoạt động tại khu vực huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây là điểm phát gạo bằng máy "ATM gạo" thứ 2 ở TP. HCM sau "ATM gạo" 204B Vườn Lái, quận Tân Phú.
"ATM gạo" thứ 2 này được đặt tại trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) để thuận tiện cho bà con khu vực này, cũng như lân cận có thể đến nhận gạo miễn phí, giúp bữa cơm của người khó khăn được ấm no hơn, cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Điểm "ATM gạo" thứ 2 ở Sài Gòn chính thức hoạt động, nhả gạo tình thương cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Điểm "ATM gạo" tại đây sẽ hoạt động dựa trên sự kết hợp theo nguyên tắc đơn vị sáng tạo ra máy "ATM gạo" sẽ cung cấp hệ thống tự động miễn phí, việc tiếp nhận gạo và tổ chức sắp xếp, điều phối người nhận do UBND xã Vĩnh Lộc B quản lý.
Theo quan sát, "ATM gạo" tại xã Vĩnh Lộc B có sự khác biệt so với điểm "ATM gạo" Vườn Lài (quận Tân Phú), cụ thể thay vì bấm nút sau đó gạo sẽ chảy xuống túi nilon cho người nhận thì tại đây người nhận chỉ cần cầm túi nilon hứng vào vòi rồi nhìn camera bên cạnh thì gạo sẽ tự động chảy ra, không cần bấm nút nữa.
Đây là điểm độc đáo nữa mà chủ "ATM gạo" đã sáng tạo ra, nhằm giảm thao tác để tạo thuận tiện cho bà con có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo: "Chỉ cần nhìn camera, máy 'ATM' sẽ nhả gạo".
Bà con có hoàn cảnh khó khăn xếp hàng chờ theo từng vòng tròn đã được vẽ sẵn với khoảng cách 2m theo quy định phòng chống dịch Covid-19.
"Có được điểm nhận gạo bằng máy 'ATM gạo' này tôi mừng ghê luôn, mùa dịch này khiến ai cũng khó khăn nên rất cần những phần gạo tình thương như thế nào. Tôi đến đây lấy 1 phần, khi nào gia đình ăn hết mới đến lấy nữa", bà Hoà (huyện Bình Chánh) chia sẻ.
Máy "ATM gạo" chỉ phù hợp với những bà con khó khăn có thể đi lại được, đứng xếp hàng,... còn đối với cụ già yếu hoặc người khuyết tật sẽ được tình nguyện viên tại đây trao tận tay túi gạo đã được lấy sẵn. Tương tự như điểm "ATM gạo" đầu tiên, điểm này máy "ATM" cũng nhả phần gạo 1,5kg cho bà con, san sẻ nhau mỗi người một ít, để ai cũng có phần và hơn hết "Để không một ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch này...".
Dự kiến ban đầu, chính quyền địa phương chỉ hoạt động máy "ATM gạo" vào 2 khung giờ, sáng từ 7h30 - 11h30, chiều từ 13h30 - 20h.
Trước khi đến máy "ATM" nhận gạo, bà con được cán bộ xã và nhân viên tình nguyện hỗ trợ xịt nước rửa tay sát khuẩn.
Cận cảnh 3 máy "ATM gạo" tự động tại trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B. Máy "ATM gạo" được lắp đặt trên một thùng container, đây là nguyên liệu được ông chủ máy "ATM gạo" tận dụng từ sản phẩm mình đang có.
Ban đầu người nhận sẽ cho túi nilon vào miệng vòi nhựa tại bể hứng gạo.
Sau đó chỉ cần nhìn camera vài giây để cho máy "ATM" nhận diện.
Sau khi mấy ít giây nhận diện, gạo từ máy "ATM" sẽ chảy ra vòi và bà con chỉ cần cầm bịch hứng.
Mỗi người được 1,5 kg gạo.
Những người già có hoàn cảnh khó khăn khi còn lúng túng trong việc nhận gạo từ máy "ATM gạo" tự động sẽ được nhân viên tình nguyện hứng gạo giúp và trao trực tiếp.
Mỗi người một phần gạo, nếu cảm thấy mình ổn hãy nhường cho người khác. Người bị mất việc trong mùa dịch, gặp khó khăn cũng có thể đến nhận một phần gạo.
Người nghèo, khó khăn rất vui vì nhận được món quà thiết thực là túi gạo, giúp bữa cơm được no hơn.
Bà con có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhận khẩu trang miễn phí trong ngày đầu nhận gạo tại "ATM gạo" ở UBND xã Vĩnh Lộc B.
Kho gạo tại điểm "ATM gạo" ở trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B. Mạnh thường quân muốn góp gạo thì có thể đến trực tiếp đây để gửi.
Nhân viên vận chuyển từng bao gạo vào băng chuyền.
Điểm "ATM gạo" này có băng chuyền gạo từ kho lên bồn chứa gạo khá chuyên nghiệp. Việc vận chuyển này để giảm sức người.
Sau đó gạo sẽ được nhân viên bỏ lên thang trượt, phía trên bồn gạo có một nhân viên sẽ kéo bao gạo lên.
Bao gạo được kéo lên bằng máy kéo.
Nhân viên sẽ tiếp thêm vào vào bồn chứa gạo 3.000 lít để phục vụ cho "ATM gạo".