Năm ngoái, Apple đã mua lại Beddit, một startup nhỏ kinh doanh thiết bị theo dõi giấc ngủ. Sau 18 tháng, Apple chính thức mở bán một sản phẩm của Beddit, đó là thiết bị đặt dưới gối và sẽ theo dõi giấc ngủ của bạn hàng đêm.
Beddit Sleep Monitor 3.5 hiện đang được bán trên Apple Store, với giá 150 USD. Phiên bản mới này được cải tiến một vài chi tiết nhỏ về phần cứng so với phiên bản 3.0. Theo mô tả sản phẩm trên trang Apple Store cho biết:
“Beddit Sleep Monitor sẽ tự động theo dõi giấc ngủ của bạn và kết nối với ứng dụng Beddit trên iPhone để giúp đo lường chỉ số, quản lý và cải thiện giấc ngủ. Thiết bị sử dụng các cảm biến cực mỏng, phẳng và mềm. Dựa trên những chỉ số về thời gian ngủ, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ và độ ẩm, bạn sẽ có báo cáo toàn diện và những lời khuyên để cải thiện giấc ngủ của mình”.
Mặc dù thiết bị mới này vẫn mang thương hiệu riêng của Beddit, nhưng có một bằng chứng cho thấy nó được thiết kế bởi Apple. Đó là theo hồ sơ đăng ký với FCC, thiết bị này được dán nhãn “Được thiết kế bởi Beddit tại California, lắp ráp tại Trung Quốc”. Cùng kiểu với nhãn dán mà Apple sử dụng trên tất cả các thiết bị của mình.
Phiên bản mới nhất của Beddit Sleep Monitor cũng không tương thích với smartphone Android, do đó có thể nói rằng đây là một thiết bị thuộc hệ sinh thái iOS của Apple. Cũng giống như Apple Watch, thiết bị này nhằm hướng tới chiến lược chăm sóc sức khỏe.
Một chiến lược mới của gã khổng lồ Apple
Cũng không hẳn là hoàn toàn mới, nhưng có thể xem đây là một chiến lược mũi nhọn và trọng tâm mới của Apple. Đó chính là chiến lược chăm sóc sức khỏe, bắt đầu với những chiếc Apple Watch với khả năng đo nhịp tim và theo dõi việc tập thể dục của người dùng.
Tiếp đó, Apple nâng cấp Apple Watch Series 4 với khả năng đo điện tâm đồ và gửi dữ liệu cho các bác sĩ để có thể chẩn đoán sớm các căn bệnh về tim. Đây là đồ thị ghi lại những thay đổi của dòng điện tạo ra bởi tim của ta. Những dòng điện cực kì nhỏ, chỉ khoảng 1/1000 volt nhưng máy ghi siêu nhạy có thể phát hiện ra nó thông qua các cực điện đặt trên tay, chân hay ngực của ta.
Tuy nhiên Apple Watch vẫn có một giới hạn vì không thể sử dụng liên tục qua đêm để theo dõi giấc ngủ, đó là lý do vì sao Apple thâu tóm Beddit và ra mắt phiên bản Sleep Monitor mới. Nó cho thấy Apple đang rất quan tâm tới việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe của người dùng.
Tất nhiên không phải vì Apple tốt bụng đến mức muốn các khách hàng của mình có một sức khỏe tốt, mà đây chính là mảng kinh doanh hái ra tiền. CEO Tim Cook đã từng cho biết rằng thị trường chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu có thể khiến cho thị trường smartphone trông giống như một đứa bé con.
Chi tiêu y tế mỗi năm trên toàn thế giới là khoảng 7 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu. Trong khi đó, doanh thu của thị trường smartphone trong năm 2017 chỉ là 478 tỷ USD. Tim Cook khẳng định rằng chăm sóc sức khỏe có tiềm năng rất lớn đối với tương lai của Apple.
Apple đang sử dụng các thiết bị phần cứng và ứng dụng của mình để tiếp cận mảng kinh doanh đầy hứa hẹn này theo một cách rất tiên tiến. Đó là theo dõi, thu thập dữ liệu và chẩn đoán từ xa.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy ngại hoặc sợ mất thời gian để đến các trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong khi đó lại là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm và lo lắng.
Apple mang đến một giải pháp vô cùng hiệu quả, đó là sử dụng các thiết bị của Apple để theo dõi sức khỏe mỗi ngày và sẽ đưa ra chẩn đoán dựa trên những dữ liệu được thu thập. Cách chăm sóc sức khỏe này hứa hẹn sẽ là xu hướng của tương lai, khi được công nghệ hỗ trợ.
Không chỉ dừng lại ở đó, các dịch vụ và ứng dụng của Apple cũng giống như một cầu nối. Bạn sử dụng iPhone, bạn muốn dịch vụ theo dõi sức khỏe của Apple, bạn sẽ bỏ tiền mua các phụ kiện khác của Apple như Apple Watch hay Beddit Sleep Monitor.
Nó giống như một hệ sinh thái khác bên cạnh iOS. Và trong tương lai, rất có thể Apple sẽ còn ra mắt thêm nhiều phụ kiện chăm sóc sức khỏe khác nữa, như xét nghiệm máu hay xét nghiệm nước tiểu. Với khoảng 80 triệu người dùng iPhone chỉ riêng tại Mỹ, đây hứa hẹn sẽ là một mảng kinh doanh vô cùng béo bở.
Tham khảo: Business Insider, Medpagetoday