Tự ý sửa iPhone có thể gây hại cho chính bản thân mình - Apple cảnh báo người dùng

NGUYỄN HẢI, Theo TRÍ THỨC TRẺ 12:41 02/05/2019
Chia sẻ

Cảnh báo này được Apple đưa ra nhằm thuyết phục các nhà làm luật không thông qua đạo luật Quyền sửa chữa.

Luật về quyền sửa chữa của người dùng đối với thiết bị họ đã mua là vấn đề luôn giành được sự quan tâm của nhiều công ty công nghệ, đặc biệt là Apple. Họ thực hiện nhiều nỗ lực vận động để dự luật này không được thông qua. Ngoài ra họ còn tăng cường thêm các phần cứng để việc tự sửa chữa trở nên khó khăn hơn, ví dụ như cách đây không lâu, Apple cho biết các máy Mac mới sẽ được bổ sung con chip bảo mật T2 để ngăn việc tự sửa chữa.

Mới đây nhất, một đại diện của Apple và một nhà vận động hành lang của CompTIA, tổ chức thương mại đại diện cho các công ty công nghệ lớn đã có một cuộc họp kín với các nhà lập pháp để thuyết phục họ loại bỏ đạo luật cho phép người tiêu dùng dễ dàng sửa chữa đồ điện tử của mình hơn.

Người dùng có thể làm hại mình khi tự sửa iPhone

Theo nguồn tin của Motherboard, trong cuộc họp này các nhà vận động hành lang đã gặp các thành viên của Ủy ban về sự Riêng tư và Bảo vệ người tiêu dùng, những người đang chuẩn bị nghe trình bày về dự luật vào hôm tới.

Tự ý sửa iPhone có thể gây hại cho chính bản thân mình - Apple cảnh báo người dùng - Ảnh 1.

Tại đây, những nhà vận động hành lang đã mang một chiếc iPhone tới cuộc họp và cho các nhà làm luật và các nhà lập pháp thấy các bộ phận bên trong của chiếc điện thoại. Những nhà vận động này cho biết, nếu không được lắp ráp chính xác, người tiêu dùng, những người đang muốn sửa chữa chiếc iPhone của mình, có thể làm tổn thương chính mình khi làm thủng viên pin Lithium Ion.

Lập luận này cũng tương tự như tuyên bố công khai trước đây của Lisa Jackson, giám đốc điều hành Apple, vào năm 2017 tại sự kiện TechCrunch Disrupt, khi bà cho biết iPhone quá phức tạp để người bình thường có thể tự sửa chữa nó.

Vài tuần trước cuộc họp kín trên, đại diện của CompTIA và 18 tổ chức thương mại khác có liên quan đến các công ty công nghệ - bao gồm cả CTIA và Hiệp hội Phần mềm iIải trí – đã gửi một bức thư đến các thành viên của Ủy ban về sự Riêng tư và Bảo vệ Người tiêu dùng. Bức thư thúc giục ngài chủ tịch ủy ban "chống lại việc thông qua đạo luật này".

"Với việc tiếp cận tới các hướng dẫn và công cụ độc quyền, các hacker có thể dễ dàng phá vỡ các lớp bảo mật, gây nguy hại không chỉ cho người sở hữu sản phẩm mà còn những người chia sẻ hệ thống mạng với họ." Một bản sao của lá thư được Motherboard thu giữ cho biết: "Khi một sản phẩm điện tử bị hỏng, người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn sửa chữa, bao gồm cả việc sử dụng mạng lưới cửa hàng sửa chữa được cấp phép của OEM (các nhà sản xuất thiết bị gốc)."

Đã bị thổi phồng quá mức

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những cảnh báo của Apple và CompTIA đã bị thổi phồng quá đà. Những người không được trải qua huấn luyện đặc biệt đã thường xuyên thay pin hoặc các màn hình iPhone bị vỡ, và có đến hàng nghìn các công ty sửa chữa độc lập thường xuyên sửa iPhone mà không gặp sự cố nào.

Tự ý sửa iPhone có thể gây hại cho chính bản thân mình - Apple cảnh báo người dùng - Ảnh 2.

Nhưng vấn đề mà nhiều công ty này đang gặp phải là họ buộc phải mua các bộ phận thay thế từ các nhà cung cấp bên thứ ba tại Thâm Quyến, Trung Quốc, bởi vì Apple không bán chúng cho các công ty sửa chữa độc lập, trừ khi họ trở thành một phần trong chương trình "Apple Authorized Service Provider Program". Tuy nhiên, chương trình này cũng giới hạn những loại hình sửa chữa họ được phép thực hiện và phải trả phí cho Apple để tham gia.

Nhưng có các dấu hiệu gần đây cho thấy Apple đang thay đổi. Vào tháng 3, Motherboard cho biết Apple đã âm thầm tiếp cận các công ty sửa chữa độc lập với một chương trình mới có tên gọi "Apple Genuine Parts Repair", cho phép một vài công ty được lựa chọn có thể mua các bộ phận sửa chữa từ Apple với một vài hạn chế. Chương trình này cho thấy Apple có thể tuân thủ theo đạo luật quyền được sửa chữa mà không có quá nhiều gánh nặng.

Thứ Ba vừa qua, những nhà vận động cho đạo luật quyền sửa chữa đã ra mắt một tổ chức mới có tên SecurePairs.org, do Paul Roberts sáng lập. Robert cũng là người lập nên trang SecurityLedger.com, một website lâu năm về các tin tức bảo mật. Mục đích của nhóm này là chống lại các tuyên bố do CompTIA và các nhà vận động hành lang khác đưa ra nhằm chống lại đạo luật quyền sửa chữa.

Roberts nói với Motherboard: "Khả năng bảo mật thiết bị không liên quan gì đến các hướng dẫn dịch vụ và chẩn đoán, chúng liên quan đến các dòng code nghèo nàn với những lỗ hổng, cơ chế xác thực yếu kém, và thiết lập mặc định của thiết bị có lỗ hổng. Chúng tôi đều biết điều đó không cần phải bàn cãi. Tính bảo mật cho các thiết bị kết nối không liên quan gì đến việc sửa chữa."

Tham khảo Motherboard

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày