Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trên vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng

Văn Duẩn, Theo Người lao động 12:17 17/10/2023

Vùng áp thấp trưa nay 17-10 đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và có thể mạnh lên thành bão trên vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng, di chuyển dọc các tỉnh ven biển miền Trung.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay 17-10, vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trên vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng - Ảnh 1.

Vị trí và dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Hồi 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150 km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 5-10 km/giờ.

Dự báo đến 10 giờ ngày 18-10, áp thấp nhiệt đới ở 16,9 độ vĩ Bắc, 109,2 độ kinh Đông; trên vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng, mạnh cấp 8, giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Bắc, khoảng 10 km/giờ, có khả năng mạnh lên thành bão (trở thành cơn bão số 5).

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km, trên vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), sóng biển cao 2-4 m.

Từ ngày 17-10 đến sáng 19-10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, có nơi trên 350 mm.

Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 40-150 mm, có nơi trên 200 mm.

Từ chiều 18-10, mưa lớn trên khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có xu hướng giảm dần.