Khi 1 sinh linh mới chào đời, người phụ nữ bắt đầu thực hiện thiên chức làm mẹ và chăm sóc đứa con của mình. Lấy chồng và sinh con dường như đã trở thành 1 "thủ tục" xã hội theo "cái cách mà nó vẫn thế", thậm chí có thể bao gồm cả sự bất lực, suy sụp và thỏa hiệp của các bà mẹ.
Người ta thường dùng từ "mẹ siêu nhân" để miêu tả sự vĩ đại của 1 người mẹ, nhưng có lẽ chỉ những ai đã từng "lên chức" mới biết rằng, so với việc được khen là vĩ đại hay vị tha, thì họ chỉ mong rằng mọi người có thể hiểu làm mẹ khó khăn ra sao. Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào.
Ảnh minh họa
"Mọi thứ diễn ra đột ngột, ngay cả bản thân tôi cũng không nhận ra có điều gì đó không ổn với mình. Mãi đến khi bước ra khỏi giai đoạn đó, tôi mới biết 1 người sống tích cực như mình cũng có thể mắc bệnh trầm cảm, chán nản cuộc sống."
Đinh Nhất Nhất, hiện đang sống ở tỉnh An Huy, Trung Quốc vốn là 1 người phụ nữ vui vẻ, hướng ngoại, quyết đoán, có công việc ổn định và gia đình hòa thuận, êm ấm. Trong suy nghĩ trước đây của cô, sau khi sinh con, nghỉ sinh ở nhà có chồng con bên cạnh thì cuộc sống phải nhàn nhã, hạnh phúc lắm.
"Tôi vốn nghĩ mình cùng chồng và cả bố mẹ chồng, 4 người chẳng lẽ không thể nuôi nổi 1 đứa trẻ? Nhưng tôi đã nhầm, chỉ sau 1 tháng tôi đã không thể chịu nổi. Không ai nói với tôi rằng sau khi sinh con lại 'đau đớn' nhiều đến vậy."
Ảnh minh họa
Đinh Nhất Nhất nhớ lại những đau đớn và bất lực mà cơ thể phải gánh chịu khi ấy, trong đó điều khiến cô tuyệt vọng nhất chính là giai đoạn cho con bú.
"Vào thời gian sau sinh, sữa bị tắc không ra được, khi vắt sữa đau đến chết đi sống lại, thậm chí hít thở cũng trở nên khó khăn, đau đớn thể xác khiến tâm trạng của tôi tệ đi." - Đinh Nhất Nhất rùng mình hồi tưởng lại quãng thời gian đau đớn lặp đi lặp lại mà bà mẹ nào cũng từng trải qua.
Ngoài việc cho em bé ăn, ngay cả việc nghỉ ngơi cũng trở thành 1 cực hình. Cô thường đau đến mức không thể ngủ được, quằn quại thế nào cũng chẳng thuyên giảm, thậm chí cơn đau có những lúc nặng hơn theo từng nhịp thở.
Trong khi mọi người say giấc nồng, thì Nhất Nhất vẫn phải "đánh vật" với con, nỗi đau thể xác không ngừng bị khuếch đại cùng tâm hồn đang dần bị ăn mòn... Thế là có rất nhiều lúc cô nằm trên giường, nhìn trần nhà, toàn thân đau nhức, nhưng lại cảm thấy vô cùng tỉnh táo: Cô đã nghĩ hết cách rồi, muốn chấm dứt cơn đau thì chỉ có cách nhảy khỏi tòa nhà mà mình đang sống thôi.
Ảnh minh họa
"Chẳng có ai thực sự hiểu bạn, kể cả người đầu gối tay ấp." - Đinh Nhất Nhất cho rằng để thoát ra khỏi quãng thời gian trầm cảm đó, phần lớn phụ thuộc vào chính bản thân người phụ nữ.
"Có 1 lần vào nửa đêm, tôi đau đớn không thể chịu nổi bèn đánh thức chồng và nói rằng mình đang đau sắp chết, nhưng chồng không thể cảm nhận được nỗi đau của tôi. Anh ấy chỉ nói tôi đang làm lớn chuyện và không ai đến bệnh viện vào lúc nửa đêm, sau đó ngủ thiếp đi. Rạng sáng ngày hôm sau, tôi 1 mình bắt xe đến bệnh viện."
"Bác sĩ không còn cách nào khác ngoài kê cho tôi 1 số loại thuốc chống viêm." - Đinh Nhất Nhất cảm thấy vô cùng bất lực, không ai có thể giúp đỡ cũng như thực sự an ủi cô.
"Làm mẹ có ý nghĩa gì?" - Vào thời khắc sinh con, Hà Việt dường như vẫn chưa trả lời được câu hỏi ấy.
Giống như chồng mình, cô cũng là con 1 trong gia đình, từ nhỏ đã được cha mẹ cưng chiều, học hành giỏi giang. Trong vài năm đầu của cuộc hôn nhân, cô và chồng nuôi 1 chú chó, sau đó chuyển đến Đức định cư và đi du lịch khắp châu Âu. Những cặp vợ chồng xung quanh cũng lần lượt có con, thế là họ cũng muốn có 1 đứa trẻ để cuộc sống thêm phần vui vẻ.
Tuy nhiên, trước khi kịp nhìn thấy hạnh phúc, thì người đã lên chức mẹ như Hà Việt lại cảm thấy đau đớn nhiều hơn.
Ảnh minh họa
"Tôi không ngờ đứa con của chúng tôi lại khó chiều như vậy. Bé gầy đến mức không ăn được sữa, không tăng cân, ngày nào cũng không thích ngủ và quấy khóc suốt."
Khi đứa bé không ngủ được, Hà Việt cũng không được chợp mắt, thói quen hàng ngày của cô là vuốt ve ngực đứa trẻ 1 cách máy móc và chăm chú nhìn vào bức tranh trên tường. Cô thật sự không thích 1 ngày trôi qua nhàm chán như vậy.
Khi phát hiện trang tìm kiếm của trình duyệt trên điện thoại di động đã chuyển từ các tụ điểm ăn uống, vui chơi sang trải nghiệm nuôi dạy con cái, Hà Việt mới chợt nhận ra: Cô đã trở thành mẹ, và cuộc sống hạnh phúc, thoải mái trước đây sẽ không quay trở lại.
Ảnh minh họa
"Điều duy nhất tôi có thể làm cho con lúc đó là bế bé uống sữa và dỗ con ngủ, nhưng dù nằm trong vòng tay mẹ, con vẫn ngủ không ngon giấc."
Hà Việt nghĩ rằng đấy là lỗi của cô, mặc cảm tội lỗi của người mẹ đã đẩy cảm xúc của cô dần đến bờ vực của sự sụp đổ. Trong khoảng thời gian đó, ngày nào cô cũng khóc. Mặc dù bố mẹ và chồng rất sốt ruột, nhưng ngoài việc giúp cô chăm sóc con nhỏ thì cũng chẳng thể làm gì hơn.
Hà Việt bị cảm xúc tiêu cực thống trị, cô dần cảm thấy ù tai, ban đầu chỉ là tiếng "vo ve", sau đó biến thành tiếng khoan điện. Có thời gian cô còn tự giật tóc 1 cách mất kiểm soát. Trong thời gian ấy, cô nàng từng rất yêu cái đẹp như Hà Việt lại mắc chứng rụng tóc từng mảng, thậm chí còn có hành vi tự làm đau bản thân như cắn ngón tay đến chảy máu.
Thân phận người mẹ tựa như 1 tảng đá đè lên người cô, khiến Hà Việt dần trở nên chán ghét và sợ hãi bản thân mình.
Ảnh minh họa
Vào đầu năm nay, Lạc Giai Hòa nhận được kết quả chẩn đoán của bệnh viện: trầm cảm mức độ trung bình đến nặng, có dấu hiệu lo lắng nhẹ. Sau đó, cô mới biết rằng hiện tượng tê mỏi, mất trí nhớ tạm thời trong khoảng thời gian ấy là do bệnh tật.
"Vào 1 ngày nọ, khi đang ở cùng con, tôi bỗng cảm thấy âm thanh biến mất, thế giới của tôi trở nên yên tĩnh lạ thường. Sau đó, ký ức bị ngắt quãng, tôi thậm chí còn chẳng nhớ nổi 1 ngày trôi qua đã làm những việc gì."
Giai Hòa đã cố gắng yêu cầu sự giúp đỡ, nhưng bất cứ khi nào cô chia sẻ những suy nghĩ nội tâm của mình với mọi người xung quanh, thì những gì nhận được chỉ là 1 câu trả lời chiếu lệ: "Hãy suy nghĩ thoáng hơn!"
Thậm chí đến cả những người thân trong gia đình cũng cho rằng cô quá yếu đuối, mẹ Giai Hòa còn khuyên con gái nên tập thể dục nhiều hơn để cải thiện cảm xúc. Thực chất trầm cảm sau sinh ở mức độ trung bình trở lên không thể tự khỏi, chỉ có thể thuyên giảm bằng phương pháp điều trị tâm lý và các loại thuốc chuyên trị.
Ảnh minh họa
Khi tình trạng sức khỏe của cô trở nên tồi tệ hơn, các triệu chứng trở nên trầm trọng, bao gồm mất ham muốn và suy giảm nhận thức. Trong thời gian đó, Lạc Giai Hòa cảm thấy như có 1 bức tường ngăn cách giữa cô và thế giới. Trong đầu cô không ngừng hiện lên ý nghĩ tự tử, và bắt đầu có ảo giác thính giác, những tiếng gọi "chết là giải thoát" luôn văng vẳng bên tai. Nhưng đồng thời cũng có 1 giọng nói yếu ớt khác nói với cô: "Vì đứa trẻ, cô không thể chết."
"Tôi hy vọng mọi người có thể hiểu thêm, hãy quan tâm đến tình trạng sức khỏe tinh thần của mình hơn nữa trước khi mọi chuyện đi quá xa." - Giai Hòa tâm sự.
Trầm cảm sau sinh không phải là 1 bệnh "tự đến, tự đi", có lẽ chỉ người từng trải qua cảm giác ấy mới thấu được nỗi đau mà những người mẹ phải âm thầm gặm nhấm mỗi ngày.
Khi có triệu chứng rối loạn cảm xúc sau sinh, phụ nữ cần phải giải cứu tinh thần bằng cách tới các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để điều trị. Nếu thất bại trong điều trị loạn thần sau sinh, sẽ làm tăng nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tỷ lệ giết con liên quan tới loạn thần sau sinh không điều trị cao khoảng 4%; nguy cơ tự tử trong số sản phụ đó cũng cực kỳ cao. Do đó, nếu thấy các bà mẹ sau sinh có triệu chứng khác lạ như tủi thân, khóc lóc, sợ chăm con, không dám cho con bú, không giao tiếp với ai, bỏ ăn uống, mất ngủ, vô hồn, gào thét khóc lóc không lý do... cần phải đưa họ đi khám tâm lý, chẩn đoán để can thiệp sớm.
Nguồn: QQ