Ảo giác quang học đặc biệt này sẽ khiến bạn phải “căng mắt” nhìn xem chúng có dạng zig-zag hay hình sin

Thiên Long, Theo Trí Thức Trẻ 16:27 14/12/2017

Một ảo giác quang học mới lạ vừa được một nhà nghiên cứu người Nhật có tên Kohske Takahashi phát hiện. Và đây sẽ tiếp tục là một thách thức lớn với khả năng nhận thức của con người.

Ảo giác trong bức hình đặc biệt được Takahashi gọi là “curvature blindness illusion”, tạm dịch là “ảo giác mù uốn cong”.

Ảo giác quang học đặc biệt này sẽ khiến bạn phải “căng mắt” nhìn xem chúng có dạng zig-zag hay hình sin - Ảnh 1.

Trong bức hình này, các đường màu xám và màu đen đều có hình dạng giống nhau. Để kiểm chứng tính chính xác, bạn có thể quan sát tại hai nửa góc trên cùng bên trái (tam giác màu trắng) và bên phải dưới cùng (tam giác màu đen).

Tuy nhiên ngay sau khi nhìn vào dải màu xám ở giữa bức ảnh, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy những đường “gấp khúc” hoặc hình dạng zig-zag bất ngờ xuất hiện.

Như đã nói, về cơ bản các đường đen, xám trên đều có dạng hình sóng sin thường thấy trong toán học. Nhưng không rõ vì sao sau khi đường cong đi vào dải màu xám lại dẫn tới ảo giác trên.

Hiện vẫn chưa có lý giải tường tận về ảo giác quang học "curvature blindness illusion". Tuy nhiên có suy luận cho rằng, liệu mỗi đường cong có phải hoàn toàn là màu xám và đen, hay nó chỉ có dạng nửa đen nửa xám.

Ảo giác quang học đặc biệt này sẽ khiến bạn phải “căng mắt” nhìn xem chúng có dạng zig-zag hay hình sin - Ảnh 2.

Ảo giác quang học này khiến chúng ta luôn lầm tưởng những đường sin là những đường zig zag

Một giả thuyết khác cho rằng, não bộ của chúng ta dường như đã nhận thức nhầm đường cong là một góc gấp khúc. 

Takahashi tỏ ra tin tưởng giả thuyết này vì khi não bộ của con người nhầm lẫn, những đường cong có thể biến thành những góc gấp khúc theo một cách khó giải thích.

Takahashi chia sẻ: “Cơ chế ưu tiên để não bộ có thể nhận diện những đường cong nhẹ và những góc tù thường xảy ra sự tranh đấu theo cách thiếu cân bằng. Nhưng trong nhiều trường hợp, nhận thức về góc tù có thể chiếm ưu thế hơn trong hệ thống thị giác”.

Phát hiện bất ngờ của Takahashi đã được đăng tải trên tạo chí i-Perception mới đây. Mặc dù vậy để tìm hiểu cặn kẽ cơ chế tác động của hiện tượng ảo giác trên chắc chắn sẽ mất khá nhiều thời gian.

Còn bạn, bạn có nhìn thấy ảo giác đó khi nhìn bức hình. Hãy chia sẻ quan điểm với chúng tôi.

Tham khảo Popular Mechanics