Lượt trận thứ 2 của vòng 16 đội tại World Cup 2018 đã kết thúc theo cái cách đầy bất ngờ. Trên chấm luân lưu 11m, đội quân hùng mạnh của xứ sở bò tót Tây Ban Nha đã thất thủ trước sự quật cường của đội chủ nhà Nga. Croatia cũng phải rất vất vả mới chấm dứt được câu chuyện cổ tích của tuyển Đan Mạch, và cũng là qua một loạt đá penalty đầy điên rồ.
Cần biết rằng trên chấm 11m, các cầu thủ sút bóng luôn có lợi thế hơn. Khung thành rộng, họ có rất nhiều hướng để sút. Và thậm chí chỉ cần "đề" thêm chút lực thì kể cả thủ môn có bay đúng hướng cũng đành phải chịu bó tay.
Nhìn vào 2 cú đại bác của Harry Kane trước thủ môn Panama là bạn sẽ hiểu ngay.
Có bay đúng hướng cũng chịu
Với đủ thứ bất lợi, tại sao các thủ môn vẫn có thể cản được Penalty, thậm chí là rất nhiều lần giống như trận đấu của Croatia và Đan Mạch đêm qua?
Đáp án một phần nằm ở áp lực. Có lẽ các bạn cũng biết rằng cầu thủ trước chấm 11m luôn phải chịu áp lực cực lớn. Chỉ một lần sút trượt, cả đội sẽ phải trả giá. Áp lực tạo ra nỗi sợ, nỗi sợ khiến cơ bắp căng cứng, tâm lý yếu hơn, dễ lộ hướng sút, và rồi bị thủ thành chụp gọn.
Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Các thủ môn trên thế giới còn sử dụng một mánh khoé khác có liên quan đến ảo ảnh thị giác, nhằm lấy lại một chút lợi thế trong loạt sút cân não này.
Hãy để ý, hầu như tất cả các thủ thành khi bắt Penalty đều có một dáng để tay hết sức quen thuộc: tay thõng xuống, hơi khép vào trong cơ thể. Không phải tự nhiên đâu, mà đó là cách để họ tận dụng mánh khoé đấy.
Ảo giác Müller-Lyer - khi các thủ môn cũng là nhà ảo thuật
Trên sân bóng, phong độ của cầu thủ có thể gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát của họ. Ví dụ, một tiền đạo có phong độ cao có xu hướng nhìn thấy khung thành... bự hẳn ra, rất dễ để nhắm vào. Ngược lại trong một ngày xấu trời, khung thành cũng như nhỏ lại, đâm ra sút khó hơn hẳn.
Tưởng như chỉ là câu chuyện về tâm lý, và chúng ta không thể kiểm soát được nó. Nhưng không! Theo một nghiên cứu vào năm 2008, các thủ thành có thể gây ảnh hưởng đến độ chính xác của một cú sút penalty, bằng cách mô phỏng lại một hiện tượng ảo ảnh thị giác quen thuộc mang tên Müller-Lyer.
Đây chính là ảo giác Müller-Lyer
Chắc nhiều người cũng nhận ra ảo giác quen thuộc này. Hai đường thẳng trong ảnh trên thực chất có độ dài tương đương, nhưng chúng ta lại có cảm giác đường bên dưới dài hơn, do cảm nhận về chiều sâu bị thay đổi nhờ 2 đầu mũi tên bị đảo ngược.
Nhưng như vậy thì sao nhỉ? Năm 2007, nhà nghiên cứu van der Kamp đã thử làm một thí nghiệm. Họ cho 15 người xem ảnh các thủ môn với 4 tư thế: arms-out (tay duỗi thẳng sang 2 bên); arms-up (tay giơ sang hai bên, nhưng hướng cao hơn); arms-down (tay hạ xuống, hướng sang hai bên giống bức hình phía trên), và arms-parallel (tay buông thõng xuống).
Kế đó, các ứng viên phải thử ước lượng chiều cao của thủ môn. Kết quả, tư thế arms-up được đánh giá cao hơn chiều cao chuẩn khoảng 0,24cm. Trong khi đó, thủ môn với tư thế arms-down và arms-parallel bị đánh giá thấp hơn, khoảng 0,35 - 0,51cm so với chiều cao thực.
Và điều này hóa ra lại ảnh hưởng đến độ chính xác của cú sút. Trong một thí nghiệm khác của van der Kamp, các ứng viên sẽ phải ném bóng (vì họ không sút được chính xác) vào gôn, với các thủ thành ở 4 tư thế trên.
Kết quả, những người trong tư thế arms-up được đánh giá là lớn hơn bình thường, nên các cú ném thường bị lệch sang khoảng 4cm. Còn với tư thế arms-down và arms-parallel, người ném thấy thủ thành nhỏ bé hơn, nên quả bóng rơi gần hơn.
Điều này chứng tỏ nếu là trong loạt sút penalty thật, người sút sẽ có xu hướng đưa bóng đi xa hơn, hiểm hơn nếu họ thấy thủ thành bỗng dưng... to ra. Và ngược lại, bóng sẽ đi bớt hiểm và gần hơn khi thủ môn buông tay xuống.
Eriksen của Đan Mạch bị thủ thành Croatia cản phá trên chấm 11m
Đó dường như cũng là lý do vì sao các thủ thành đều có chung một tư thế khi bắt Penalty. Dĩ nhiên, việc bắt được hay không vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nhưng dù sao thì trong một tình huống có quá nhiều bất lợi, thì việc gây ra ảnh hưởng đến tâm lý người sút dù ít dù nhiều cũng là một lợi thế nhất định rồi.
Tham khảo: The Guardian