Trong tiết Thanh minh tháng 3, người dân các địa phương trong cả nước lại nô nức đi tảo mộ. Điều này đã trở thành tục lệ được giữ gìn với ý nghĩa nhắc nhở thế hệ con cháu luôn ghi nhớ về nguồn cội gia tiên. Ghi nhận của phóng viên tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn - Hòa Bình) với diện tích 100ha được mệnh danh lớn nhất Đông Nam Á có rất nhiều người đến thắp hương, tảo mộ.
Tết Thanh minh không có ngày cố định, thời gian bắt đầu từ 4-5/4 (sau khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng 20-21/4 Dương lịch (khi bắt đầu tiết Cốc Vũ). Năm 2022 Tết Thanh minh rơi ngày mùng 5/4/2022 (5/3 Âm lịch).
Để tưởng nhớ đến tổ tiên, ngoài ngày lễ tết truyền thống ra thì tết Thanh minh cũng là dịp để con cháu cùng nhau về thăm mộ tổ tiên. Mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp mộ phần, dâng hương hoa để cầu mong những điều tốt đẹp.
Chị Đinh Hồng Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cứ vào ngày này thì gia đình chị cùng tụ họp đi tảo. Những ngôi mộ sạch sẽ tươm tất như thay con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với tổ tiên. Sau đó về nhà, mọi người lại quây quần bên mâm cơm gia đình như để gắn kết các thành viên gia đình.
Cụ bà ngoài 90 tuổi từ Đống Đa (Hà Nội) cùng con cháu tới nghĩa trang để tảo mộ.
"Đồ cúng không cần phải cầu kỳ, quan trọng là tấm lòng của các thế hệ con cháu với ông bà, tổ tiên. Mỗi lần đi tảo mộ tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm, thanh thản", một người dân chia sẻ.
Theo chia sẻ của ban quản lý nghĩa trang, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua phức tạp, nhiều gia đình không thể đến dâng hương nên phải nhờ nhân viên nghĩa trang thắp hương, dọn dẹp hộ. Tuy nhiên, năm nay các hoạt động đã được nới lỏng nên mọi người đều đến tận nơi để bày tỏ đạo hiếu với tổ tiên.
Do đó, dự kiến nghĩa trang sẽ đón hàng chục nghìn người đến đây trong dịp tết Thanh minh năm nay.
"Với tôi, tết Thanh Minh là dịp nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ về tổ tiên của mình. Là ngày để con cháu thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn rất tốt đẹp của dân tộc ta", ông Bình - một người dân chia sẻ.