Tối 27/1 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức đón mừng Xuân Kỷ Hợi cho cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Ấn Độ. Tham dự buổi lễ có toàn thể gia đình cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ, bạn bè quốc tế và báo chí nước sở tại.
Đại sứ Phạm Sanh Châu mặc áo dài phát biểu tại chương trình tết cộng đồng người Việt tại Ấn Độ. Ảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cung cấp
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan, Phạm Sanh Châu khẳng định, đối với mỗi người Việt Nam, Tết là thời khắc quan trọng, là sự khởi đầu của Mùa Xuân và cũng là Tết đoàn viên. Dường như ai cũng muốn trở về quê hương, quây quần bên gia đình trong thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới. Bởi thế, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã dành nhiều tâm sức để tổ chức Tết Cộng đồng dành cho những người Việt Nam xa quê cảm nhận được không khí quê hương, cảm thấy như được sống trong tình thân gia đình, tình bằng hữu ấm áp trên đất nước bạn. Qua nhiều kênh thông tin, Đại sứ quán đã kết nối để mời tất cả những người Việt Nam đang sinh sống, học tập hay đang đi công tác ở Ấn Độ được biết và tham dự.
Chương trình văn nghệ " cây nhà lá vườn"
Trong buổi gặp gỡ, Đại sứ Sanh Châu cho biết buổi sum họp cộng đồng năm nay được tổ chức như thông lệ hàng năm nhưng cũng có những điểm khác biệt. Với những khách mời chủ yếu là người Việt Nam, đúng như tên gọi Tết Cộng đồng, Tết sum vầy của tất những người con Việt Nam đang ở xa tổ quốc. Tết Cộng đồng năm nay cũng là dịp tôn vinh áo dài của nam giới.
Áo dài Việt nổi bật trong nắng gió New Delhi
Tất cả các cán bộ, nhân viên, các thành viên gia đình trong Đại sứ quán đều mặc áo dài nhằm tạo ra sự khác biệt, vinh danh giá trị Việt và duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam. Tết Cộng đồng năm nay cũng trở thành sân chơi của tất cả cộng đồng người Việt Nam ở Ấn Độ khi mọi người có thể tham gia vào các tiết mục văn nghệ và phục vụ chính cộng đồng của mình.
Đại sứ Phạm Sanh Châu ( giữa) và các nam nữ nhân viên đại sứ quán.
Theo VOV, tại cuộc gặp gỡ này, Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng vui mừng thông báo, lần đầu tiên trong một thập kỷ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt trên 7% (7,08% năm 2018). Khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam đạt mức kỷ lục 15 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 2.600 USD và môi trường hòa bình, an ninh được đảm bảo. Đối ngoại có rất nhiều thành tích nổi bật. Riêng với Ấn Độ thì trong vòng 2 năm qua, lần đầu tiên có 5 lãnh đạo cao nhất của 2 nước đã thăm viếng lẫn nhau. Kim ngạch thương mại đạt gần 11 tỷ USD, tốc độ tăng tưởng gần 40%. Chưa bao giờ trao đổi đoàn, giao lưu nhân dân giữa hai nước lại tích cực như thời gian qua.
Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ mong muốn bà con người Việt Nam tại Ấn Độ luôn gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về Tổ quốc, tuân thủ pháp luật sở tại, nỗ lực phát huy vai trò cầu nối cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới.
Tiết lộ về những chiếc áo dài nam tại buổi tiệc cộng đồng, Đại sứ Sanh Châu cho biêt, ông đã đặt may đo 22 bộ áo dài nam tại làng Trạch Xá để tặng cho các cán bộ nam và phu quân trong đại sứ quán.
“Nỗi lo là không biết có kịp mặc hôm đón Tết hay không vì sát ngày quá ít người qua đây để nhờ gửi. Cuối cùng cũng thu xếp được ngay tối hôm may xong ở làng Trạch Xá, 22 bộ được chuyển thẳng ra sân bay. Cả Đại Sứ quán nôn nóng chờ đợi như thể ngày xa xưa con chờ mẹ đi chợ về mang quà Tết,” đại sứ Phạm Sanh Châu kể lại.
Và đúng ngày 27/1, toàn bộ nhân viên đại sứ quán lộng lẫy, xúng xính trong tà áo dài truyền thống tới công viên Lodi Garden, công viên đẹp nhất ở New Delhi để chụp ảnh quảng bá cho áo dài Việt Nam, đặc biệt là áo dài dành cho nam giới.
Đây có thể là một trong những bữa đại tiệc áo dài Việt khá độc đáo tại xứ người. Nó giúp người Việt xa xứ cảm thấy ấm áp như tại quê nhà và bạn bè quốc tế biết thêm rằng, áo dài truyền thống của người Việt không chỉ dành cho phụ nữ, mà còn dành cho cả nam giới.