Sau chia sẻ gây sốc về chuyện An Nguy – Kiều Minh Tuấn có tình cảm thật với nhau vì quá nhập tâm cho diễn xuất, khán giả đã tưởng mình sẽ được chiêm ngưỡng những nụ cười tình tứ, những ánh mắt thật quyết liệt mà hai nhân vật Tiên và Đông Bắc trao cho nhau đến độ Kiều Minh Tuấn và An Nguy phải yêu nhau ngoài đời. Thế nhưng không! Diễn xuất của cả hai trong Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con không hề có điều này, càng không có thứ gọi là "method acting". Hết phim, khán giả vừa bực vừa tiếc cho những tỉ lệ nghịch trong diễn xuất của dàn diễn viên.
Trailer Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con
Hoàn toàn không thể tin vào thứ gọi là "nhập vai quá hóa yêu nhau"
Vốn dĩ là một bộ phim hướng tới thiếu nhi nên những phân đoạn tình cảm đến "chết đi sống lại" của Đông Bắc (Kiều Minh Tuấn) và Tiên (An Nguy) hoàn toàn không có. Tình yêu nồng nhiệt, cháy bỏng chỉ được biên kịch lồng ghép bằng vài cái ôm eo, hôn má cùng vài ba câu thoại đậm chất ngôn tình, nghe không khác gì... "phần thi ứng xử của hoa hậu". Điều này có thể chấp nhận được bởi phim phục vụ nhiều đối tượng khán giả, không thể lạm dụng những cảnh quay quá tình tứ, nhạy cảm. Thế nhưng, đó không phải lí do để 2 diễn viên được phép biến tình yêu trong phim trở thành một thứ tình cảm hời hợt.
Không có thứ gọi là tình yêu say đắm cuồng nhiệt trong Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con
Tình yêu trong Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con khiến khán giả vô tình nhớ đến những chuyện tình trong 2 bộ phim đình đám của năm là: Song Lang và Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè. Đây là 2 bộ phim hoàn toàn không có những phân đoạn tình cảm nồng cháy, thậm chí cặp đôi chính còn chưa kịp một lần nắm tay nhau nhưng họ vẫn khiến người ta tin thứ gọi là tình yêu. Còn Kiều Minh Tuấn và An Nguy lại khác, cái ôm eo, ánh mắt mà họ trao cho nhau khiến khán giả cứ ngỡ như đang xem một bộ phim về... 2 người bạn thân khác giới.
Rõ ràng, với những đã thể hiện trong phim thì thứ lí do "xây dựng cả thế giới không thể thoát ra" của họ hoàn toàn không hề có căn cứ. Bởi nếu lí do này xác đáng thì có lẽ trên đời này hễ ai đóng phim xong cũng yêu nhau mất!
Diễn viên chính xuất hiện nhiều nhưng hoàn toàn mờ nhạt
Dù đã nhiều lần tự nhận mình diễn đơ và dở trong những tác phẩm trước, song khán giả vẫn luôn động viên An Nguy trên con đường sự nghiệp mình đã chọn. Sở dĩ khán giả tin An Nguy có thể làm tốt hơn, bởi trong những vlog cô từng up lên mạng, biểu cảm của cô gái họ Nguỵ này rất phong phú. Thế nhưng không biết vì lý do gì, mỗi khi lên phim thì biểu cảm ấy hoàn toàn biến mất. Từ Chờ Em Đến Ngày Mai và bây giờ là Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con, gương mặt của cô nàng vẫn không thể hiện cảm xúc khớp được với lời thoại mà nhân vật phát ngôn ra.
Những biểu cảm của nhân vật Tiên không thể đánh giá là không tới, mà phải nói là không có. Từ khi giận run người vì con cứ bày hết trò nọ đến trò kia để phá quấy hai bố con Đông Bắc, cho đến chuyện cáu vì giải thích nhưng anh không nghe hay khi nựng con, trêu đùa với Đông Bắc thì vẫn chỉ nguyên một gương mặt. Nếu thay đổi, hoạ chăng chỉ là âm lượng và âm vực của giọng nói. Mà giọng nói ấy lại được lồng lại chứ không phải tiếng của An Nguy, nên sự khập khiễng càng lộ rõ.
Thậm chí dáng ngồi của nhân vật còn khá thô
Thất vọng nhất phải là ở phân cảnh cầu hôn. Dù biết thừa sẽ là cầu hôn rồi, nhưng với hoàn cảnh hiện tại bộ phim vẽ nên, đáng lẽ Tiên cần nhiều hơn sự ngạc nhiên và xúc động. Có lẽ vì nhân vật chính không thể khóc một cách lãng mạn nên bộ phim đã phải nhờ sự trợ giúp của cơn mưa nhân tạo?
Quan trọng nhất là xem phim người ta chả thấy mối tình của hai người nồng nhiệt hay cháy bỏng đến cỡ nào mà cả hai gọi là quá nhập tâm đến nỗi không thoát được vai, phải yêu luôn người thật! Vài cái ôm eo, hôn lên má mà gọi là "xây dựng cả thế giới không thể thoát ra" thì chắc là cả thế giới này ai đóng phim xong cũng yêu nhau mất!
Thế còn Kiều Minh Tuấn? Anh vẫn giữ phong độ diễn từ trước đến giờ, nhưng có lẽ vì bước ra từ "cú sốc điện ảnh" mang tên Em Chưa 18, nên khán giả vẫn chưa thể bằng lòng với sự thể hiện của anh trong nhân vật Đông Bắc lần này. Đông Bắc là chàng trai lịch thiệp, có phần hơi hiền, luôn nhường nhịn dù đối phương có là ai, và mang màu sắc hài hước. Nếu so với những nhân vật mà Kiều Minh Tuấn từng đóng thì có thể thấy lần này cũng không khác biệt mấy, thậm chí là anh chàng diễn còn chưa hết sức, hoặc nhân vật thiếu cá tính.
Người ta không hiểu tại sao Đông Bắc phải luôn hạ mình với tất cả mọi người, vô tình gây mệt mỏi. Ngay cả với người phụ huynh đạp xích lô (Trung Ruồi) của bạn cùng lớp với Nhện (bé Hữu Khang) cũng không ngoại lệ. Sự thể hiện của anh không mang lại cảm xúc cũng như sự thúc đẩy thay đổi cần có cho câu chuyện.
Rồi với lũ trẻ, từ Nhện, đến bảo Ngọc (bé Diệp Anh), thậm chí cả lũ nhỏ ở quê, Đông Bắc cứ luôn phải dưới trướng, phải ở thế xin xỏ, nịnh nọt để chúng nó nghe lời. Thành ra suốt bộ phim khán giả cứ phải thấy hình ảnh một ông bố không có uy, một người đàn ông thích chiều lòng thiên hạ đến nỗi mất luôn cá tính.
Hai mặt trời bé con đích thực của bộ phim
Không ngoa nếu như nhận định rằng hai bé Hữu Khang và Chu Diệp Anh đã bù lại phần diễn xuất của "bố" và "mẹ" mình rất nhiều. Điểm cộng đầu tiên cho Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con, đó là chọn được hai bé diễn viên nhí rất hợp vai. Chỉ đánh giá về vẻ ngoài, Nhện và Bảo Ngọc đã làm rất tốt được tiêu chí một đứa nghịch ngầm, ranh ma và một đứa thì chuẩn thiên hạ đệ nhất bánh bèo. Trong diễn xuất của hai bé có gì đó rất hồn nhiên và bản năng. Những khóc, cười thực sự chạm được đến tim của khán giả.
Hai đứa trẻ lén lút nghe xem liệu bố Bắc có được lấy mẹ Tiên không
Chắc chắn bạn sẽ không thể quên được cảnh Nhện ngồi xin lỗi Đức Anh B (chú nhện đồ chơi) vì suýt nữa khiến bạn gặp nguy hiểm. Từng lời nói, từng cử chi vuốt ve lên cái đầu của chú nhện đồ chơi khiến ta cảm thấy xót xa thực sự. Cậu bé rất cô đơn, cô đơn ngay trong chính tình thương bao la của mẹ. Cho nên dù rất yêu mẹ, nhưng trong khoảnh khắc ấy cậu vẫn lo cho Đức Anh B hơn vì đó là người bạn duy nhất cậu có trên đời.
Dù chỉ có một góc nhỏ mặt được vào hình, nhưng Nhện rất biết cách tận dụng
Còn với Bảo Ngọc, sự đỏng đảnh thể hiện ở đôi môi có phần cong cớn rất yêu của em. Và cả đôi mắt luôn mở to tròn khiến người ta phải bật cười vì sự hồn nhiên được trưng ra của một cô bé hiểu chuyện. Những lúc an ủi bố, Bảo Ngọc rất biết cách thay đổi ánh mắt để khiến bố không cảm thấy bị tọc mạch và dạy đời.
Dàn vai phụ nhấn nhá đầy sức nặng
Một nhân vật cực phụ, phải nói đến chính là chú đạp xích lô – phụ huynh của bạn trên lớp của Nhện. Có lẽ Trung Ruồi sẽ luôn được các đạo diễn tín nhiệm cho đóng mấy vai quê mùa, bán gà, đạp xích lô… bởi anh diễn quá đạt. Từ cái phong thái đi lại cứ lom kha lom khom, rồi khi muốn ra oai lại phải đứng thẳng lưng, mặt bật chế độ song song với trời để đối phương rén. Cho đến giọng nói lúc nào cũng quang quác, đặc giọng địa phương, ngôn ngữ thì bỗ bã khiến khán giả cảm nhận được cái đời rất thật ngay trong một bộ phim đang chỉn chu đến phi lý trong từng góc nhỏ.
Nếu đánh giá tương quan trong phân cảnh hai người bố (Đông Bắc và chú đạp xích lô) nói chuyện với nhau, chắc chắn Đông Bắc sẽ có phần lép vế hơn. Từ trong cách thể hiện phi ngôn từ, đến cách điều chỉnh ngữ âm, rồi bộ dạng hoảng hốt khi thứ tài sản của mình (chiếc xe ô tô và chiếc xích lô) suýt gặp nguy hiểm, mọi điểm tốt đều không nghiêng về Đông Bắc.
Ngoài ra, sự góp mặt của những diễn viên gạo cội trong vai trò bố, mẹ, bà cố của Tiên cũng khiến cho mạch phim có phần trôi chảy hơn. Diễn xuất của bộ ba này đã kéo được tinh thần của khán giả khi phải xem Tiên và Đông Bắc cứ giả vờ chơi trò tình cảm trên màn ảnh mà chẳng có tí "phản ứng hoá học" nào.
Như vậy, sự chênh lệch giữa diễn xuất của dàn nhân vật chính và phụ của Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con sẽ là khá lớn. Và đặc biệt là diễn xuất của hai nhân vật chính lại quá gây thất vọng, nhất là khi họ còn từng nói về sự nhập vai ám ảnh đến nỗi không thể thoát ra.