"Ăn có tướng ăn": Muốn nhìn rõ bản chất của một người, hãy cùng họ dùng bữa

Trung Hạ, Theo Phụ nữ số 10:20 24/08/2023
Chia sẻ

Gọi món là khâu quan trọng nhất của bữa ăn, bữa tiệc. Ít ai nhận ra, đây cũng là một cung cách quan trọng trong kỹ năng giao tiếp và đối nhân xử thế.

Người xưa có câu: “Trước khi dựng vợ gả chồng, phải học cung cách ngồi trên bàn ăn”.

Việc ăn uống tưởng chừng như là chuyện tầm thường nhưng lại chứa đựng rất nhiều nguyên tắc, thậm chí còn có thể đọc vị được tính cách của một người.

Khi đang ăn uống, cũng là lúc một người thường ở trong trạng thái thoải mái và tự nhiên nhất, đồng thời sẽ bộc lộ những thói quen thường ngày. Một món ăn, một bữa cơm, mỗi lời nói và động tác, mỗi chi tiết đều có thể phản ánh sự tu dưỡng khí chất của một người.

Ăn có tướng ăn: Muốn nhìn rõ bản chất của một người, hãy cùng họ dùng bữa - Ảnh 1.

1. Tướng ăn “ngay thẳng” là kết quả của sự giáo dục nghiêm chỉnh

Tục ngữ có câu: “Đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi, ăn có tướng ăn”. Tướng ăn đề cập đến cung cách và tư thế của một người khi ăn.

Nếu bạn để ý nhiều hơn, sẽ phát hiện một bữa ăn có thể tiết lộ quá trình trưởng thành thực sự của một người.

Ngồi vào bàn ăn phải nhìn trước ngó sau, để ý tôn ti trật tự. Đây không phải là phức tạp rườm rà, mà là sự tôn trọng tối thiểu dành cho bậc trưởng bối. Trong nhà cũng vậy, mà ngoài đường cũng thế.

Không gắp rồi bỏ xuống, không lật tung bát đũa, không khuấy bát đảo nồi. Ngồi thẳng lưng mà ăn, không ngó trái nhìn phải, xoay người liên tục. Nhai từ tốn và lịch sự. Không nghịch điện thoại, tập trung vào việc làm hiện tại là… ăn!

Ăn xong nhẹ nhàng xếp bát đũa gọn gàng, lau miệng sạch sẽ, chào hỏi rồi lịch sự rời khỏi bàn.

Hãy kính trọng cuộc sống, biết ơn đồ ăn; đừng phung phí, cũng đừng kén cá chọn canh. Ông cha ta có câu: “Chuyện lớn đều cần bắt đầu từ chi tiết”.

Làm việc, tiểu tiết quyết định thành bại; làm người, một hành động cũng có thể nhìn thấu tâm can.

Ăn có tướng ăn: Muốn nhìn rõ bản chất của một người, hãy cùng họ dùng bữa - Ảnh 2.

2. Nhường đối phương gọi món là biết nghĩ cho người khác

Gọi món là khâu quan trọng nhất của bữa ăn, bữa tiệc. Ít ai nhận ra, đây cũng là một cung cách quan trọng trong kỹ năng giao tiếp và đối nhân xử thế.

Mỗi vùng đều có nền ẩm thực khác nhau và mỗi người cũng có khẩu vị riêng, không ai giống ai. Việc gọi món không chỉ có thể quyết định chất lượng của một bữa ăn mà còn bộc lộ khí chất của một người.

Một số người khi đi ăn, họ chỉ biết gọi những món mình thích, không cần quan tâm đến người cùng mâm chung bàn với mình. Song đó chính là biểu hiện của việc chưa đủ trưởng thành, tự cho mình là trung tâm, chỉ quan tâm đến sở thích của bản thân mà làm ngơ người khác.

Một người lịch sự có thể nghĩ cho người khác mọi lúc mọi nơi, trên bàn ăn cũng vậy. Nhường người khác gọi trước rồi mới đến mình, hỏi đối phương có kiêng kị thức ăn nào hay không, cuối cùng mới đi đến quyết định thỏa lòng đôi bên nhất.

Những người biết nghĩ cho đối phương thường nhận về sự tôn trọng và yêu quý. Họ hiểu rằng bản thân đối xử với thế giới như thế nào thì cuộc sống sẽ trả lại điều tương tự.

3. Không ăn ké uống chực là người sống có nguyên tắc

Trên bàn ăn luôn có một số người thích lợi dụng. Họ chỉ muốn ăn nhưng không muốn chi ra. Thậm chí khi bữa tiệc kết thúc và chuẩn bị thanh toán hóa đơn, họ sẽ kiếm cớ lẻn đi để trốn tránh. Những người như vậy thường ích kỷ, đặt lợi ích của mình lên trên mọi thứ khác.

Nhưng ngược lại, một số người không chỉ muốn chia đều, mọi thứ sòng phẳng có qua có lại, mà còn chủ động thanh toán. Họ không ngu ngốc, không thiển cận, không hẳn là giàu có, chỉ là họ xem trọng đối phương, cũng có thể là họ không muốn nợ bất kỳ ai.

Suy cho cùng, tiền bạc đều được kiếm từ mồ hôi nước mắt, vì vậy đừng coi việc người khác trả tiền cho mình là điều hiển nhiên.

Cuộc sống là vòng tròn trao đổi giá trị. Bạn mời tôi bữa này, tôi mời bạn bữa khác. Đó là chuyện thường tình!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày