Ẩm thực châu Á sâu sắc và tinh tế đến thế nào, cuối cùng vẫn xoay quanh hai chữ "gia đình"

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 22:09 27/05/2019

Gia đình và tính cộng đồng - một trong những giá trị cốt lõi làm nên tinh hoa của ẩm thực châu Á.

Người Châu Á đề cao giá trị gia đình cùng tính cộng đồng, điều này được thể hiện rõ ràng trong nhiều mặt và nổi bật trong số đó là ẩm thực. Đây vừa là điểm chung kết nối lại phần lớn các nền ẩm thực của những quốc gia châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan…), cũng đồng thời là điểm phân biệt khu vực này với phần còn lại trên thế giới.

Tính cộng đồng

Tính cộng đồng, hay sự liên kết giữa các cá thể trong một hệ thống xã hội lớn hơn, có thể được xem như "nền móng" của ẩm thực châu Á. Điều này thể hiện ở các món ăn, các bữa tiệc lớn cần sự tham gia, đóng góp của nhiều người. Đó có thể là truyền thống bữa cơm gia đình với sự có mặt của đầy đủ thành viên trong nhà, hay xa hơn là các lễ hội, các bữa tiệc, bữa cỗ quy mô lớn yêu cầu hàng chục, hàng trăm người tham dự.

Ẩm thực châu Á sâu sắc và tinh tế đến thế nào, cuối cùng vẫn xoay quanh hai chữ gia đình - Ảnh 1.

Văn hoá chòm xóm họ hàng cùng nhau nấu cỗ của người Việt Nam.

Quyển Ẩm Thực Việt Nam và Thế Giới của tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo có nhắc đến điều này trong ẩm thực Việt Nam, mà cụ thể là cái tập tục mà dân trong một làng, một xã tự nhiên tụ tập lại với nhau mỗi khi có hội hè, lễ lạt. Đến tận bây giờ, một số vùng còn giữ tập tục là cứ nhà nào có tiệc cưới, tiệc thôi nôi hay thậm chí là ma chay, bà con chòm xóm và họ hàng cũng sẽ tự nhiên đến tham dự mà chẳng cần mời. Trong đó, cánh phụ nữ giúp nhau chuẩn bị thức ăn, cánh đàn ông dọn dẹp, dựng bàn ghế, dựng rạp, mái che…

Ngoài ra, ở Philippines, người ta có một loại tiệc truyền thống gọi là Kamayan. Trong bữa tiệc này, mọi món ăn đều được bày thành đống trên các tấm lá chuối đã được rửa sạch, và những người dự tiệc sẽ cùng ngồi quây quần bên nhau, họ bỏ hết bát đĩa, muỗng nĩa mà dùng tay không của mình để chia sẻ thức ăn với nhau. Đây là một phong tục lâu đời của người Phillipines, thể hiện sự gắn kết giữa người với người cũng như cảm giác gần gũi với tổ tiên của họ - những người từng ăn bằng tay không trước khi các cuộc cải cách và biến đổi xảy ra.

Ẩm thực châu Á sâu sắc và tinh tế đến thế nào, cuối cùng vẫn xoay quanh hai chữ gia đình - Ảnh 2.

Tiệc Kamayan của người Philippines.

Tính cộng đồng của người châu Á cũng thể hiện qua cách mà thông thường, các món ăn sẽ bày trên đĩa, tô chung và mọi người trong bàn cùng nhau chia sẻ. Khác với phương Tây có những phần ăn riêng, đa phần các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam… đều có tập tính chia sẻ thức ăn. Từ tính cộng đồng này, ta hình thành vô số nét văn hoá cũng như thói quen ăn uống đẹp, biết quan tâm đến người khác: Chúng ta mời nhau ăn, chúng ta chờ cho người lớn tuổi động đũa trước, chúng ta gắp thức ăn cho nhau, hỏi han nhau trên bàn ăn…

Ẩm thực châu Á sâu sắc và tinh tế đến thế nào, cuối cùng vẫn xoay quanh hai chữ gia đình - Ảnh 3.

Vô hình trung, các món ăn châu Á được chế biến và "thiết kế" dựa trên tập tính này. Các món ăn thường có số lượng nhiều, được cắt thành nhiều miếng, có nhiều phần để có thể "chia ra".

Giá trị gia đình

Ở các quốc gia châu Á, mỗi đứa trẻ lớn lên đều có một mối quan hệ mật thiết với cái gọi là "mâm cơm gia đình". Tại nơi này, chúng học được tất thảy cách ứng xử đầu đời. Những đứa trẻ châu Á biết rằng mình phải kính trọng người lớn tuổi khi thấy bố mẹ mời ông bà ăn cơm, học được cách quan tâm chăm sóc cho nhau khi được người lớn gắp đồ ăn cho, học được cách nhường nhịn khi trên đĩa chỉ còn một miếng.

Mặt khác, những đứa trẻ châu Á còn học được cách đóng góp cho cộng đồng và những giá trị lớn hơn chính bản thân chúng. Và việc học này được thể hiện ở sự tham gia làm các món ăn truyền thống. Hầu như mỗi quốc gia vào một dịp gì đó đều có một món ăn truyền thống mà yêu cầu mọi thành viên gia đình đều phải tham gia.

Ẩm thực châu Á sâu sắc và tinh tế đến thế nào, cuối cùng vẫn xoay quanh hai chữ gia đình - Ảnh 4.

Mỗi dịp Tết, gia đình người Việt Nam đều quây quần bên nhau gói bánh.

Ở Trung Quốc, ông bà, cha mẹ và con cháu quây quần làm bánh chẻo hoặc sủi cảo trong dịp năm mới. Ở Việt Nam, nhiều gia đình đến giờ vẫn không mua bánh bên ngoài mà cùng nhau hì hục gói bánh, ngâm kiệu. Ở Nhật Bản, trẻ em được dạy cách giã bột và nặn bánh vào ngày lễ làm bánh mochi.

Ẩm thực châu Á sâu sắc và tinh tế đến thế nào, cuối cùng vẫn xoay quanh hai chữ gia đình - Ảnh 5.

Phân cảnh cùng nhau làm bánh bao của gia đình người Trung trong phim Crazy Rich Asians.

Và trong những lúc đấy, không khi nào ta thiếu tiếng cười râm ran vui vẻ.

Ẩm thực châu Á sâu sắc và tinh tế đến thế nào, cuối cùng vẫn xoay quanh hai chữ gia đình - Ảnh 6.

Trẻ em Nhật cùng người lớn tham gia giã bột làm bánh mochi.

Tạm kết:

Tính cộng đồng trong ẩm thực châu Á thực sự là một điều tuyệt vời. Nó giúp cho việc ăn uống trở thành nguồn kết nối con người với con người, giúp ta luôn cảm thấy như mình thuộc về một điều gì đó, xoá bỏ cảm giác lạc lõng. Nó dạy cho ta cách nhìn nhận những điều lớn lao hơn cả bản thân, cách quan tâm người khác cũng như những giá trị tinh thần quý giá.

Ẩm thực châu Á sâu sắc và tinh tế đến thế nào, cuối cùng vẫn xoay quanh hai chữ gia đình - Ảnh 7.