Trong khi mối quan tâm đang dồn về phía những phụ huynh bị nghi ngờ chạy điểm cho con mình thì ở nơi nhẽ ra các cơ quan chức năng phải có câu trả lời rõ ràng cho công luận.
Chính sự chần chừ trong việc công bố danh sách thí sinh gian lận điểm chác đã khiến những sinh viên gian dối phải và bị kéo dài thời gian ngồi 'nhầm chỗ' trên ghế giảng đường đại học. Xã hội tiếp tục phải trả giá cho những sai lầm, chậm trễ của các cơ quan chức năng.
Tính trung bình nhà trường phải chi trả cho đào tạo một sinh viên khoảng 2 triệu đồng/tháng thì hơn 100 sinh viên kia (64 thí sinh gian lận điểm của Sơn La và 44 thí sinh Hòa Bình), mỗi tháng đã mất 200 triệu đồng, để rồi 8 tháng sau đó, các sinh viên lần lượt bị buộc thôi học.
Hàng tỉ đồng lãng phí, hàng trăm cơ hội của các sinh viên trung thực bị cướp mất. Những con số này liệu có nói lên điều gì?
Ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm cho những lãng phí này của xã hội khi chúng ta đều biết, người dân đóng thuế để chi trả cho những phúc lợi xã hội mà những con người gian dối kia được hưởng.
Người dân cần biết tiền và công sức của họ đóng góp cho xã hội được sử dụng như thế nào? Thêm vào đó, những ngày qua nhiều Đại biểu quốc hội cũng đã bày tỏ sự đồng tình với việc phải làm rõ ràng, tới cùng, công khai danh tính thí sinh và phụ huynh chạy điểm khi có đầy đủ chứng cứ, không có ngoại lệ.
Chuyện gì đang xảy ra với giáo dục?
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, trước hết cần nhìn vào thực trạng giáo dục của chúng ta ai cũng có thể chỉ mặt đọc tên các "vấn đề" đang tồn tại như bê bối gian lận điểm chác, bạo lực học đường, đạo đức của một bộ phận nhà giáo xuống cấp, sự bất công bằng giữa các học sinh con nhà "có quyền có tiền" với những học sinh khác…
Hàng ngày tràn ngập các mặt báo là các vụ việc đáng buồn đang xảy ra trong ngành giáo dục.
Trước áp lực của dư luận xã hội, hôm 18/4, bên lề Phiên họp thường vụ Quốc hội, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết, sẽ có buổi họp kín giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an để nghe giải trình về những tiêu cực, gian lận trong thi cử vào ngày 23/4.
Ông Bình nói rằng, "Tôi rất muốn biết chuyện gì đang xảy ra, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chưa dám nói. Luật hiện hành đã quy định xử lý cả ba đối tượng gồm người tổ chức, người tham gia và người hưởng thụ, vậy tại sao lại không làm được?". Ủy ban muốn các cơ quan hành pháp giải thích rõ "chuyện gì đang xảy ra". Nhưng đây sẽ là phiên giải trình kín, vì muốn "các cơ quan này nói hết" về sự việc.
Để trấn an dư luận, hôm qua (22/4), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã lên tiếng. Vị tư lệnh ngành giáo dục khẳng định, "Thi cử phải nghiêm túc, kết quả thi phải đảm bảo trung thực, khách quan. Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh. Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Bộ GDĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành. Quan điểm của Bộ Giáo dục là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những cán bộ này."
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện Bộ GDĐT đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vị phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch.
Trước những nghi ngại về gian lận có thể xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay (2019), Bộ trưởng GDĐT cho biết, các cán bộ trong ngành giáo dục và những cán bộ của các cấp, ngành, địa phương tham gia vào công tác làm thi đã được quán triệt rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục, mà còn là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm với xã hội. Việc tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học phải đặc biệt được coi trọng để đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc, công bằng, chính xác.
Bộ trưởng khẳng định việc xử lý những "lỗ hổng" về mặt quy trình, kỹ thuật trong tổ chức thi THPT quốc gia 2018 hiện đã được ngành giáo dục khắc phục. Tuy nhiên, kỹ thuật, công nghệ có tốt đến đâu nhưng con người tham gia vào công tác làm thi mà không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy đến. Do đó, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi năm nay tôi luôn đặc biệt yêu cầu ngành giáo dục và đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phải lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm , phẩm chất chính trị tốt để tham gia làm thi và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các bộ ngành, địa phương và người dân cả nước đồng hành, hỗ trợ, giám sát, để việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019 thành công tốt đẹp", Bộ trưởng Nhạ bày tỏ mong muốn.
Như vậy, với những động thái như thế này, chắc những câu hỏi "Người nào sẽ bảo vệ cho những đứa trẻ, ai sẽ mang lại sự công bằng cho mọi người trong xã hội, ai sẽ là người làm rõ chân tướng sự việc, ai sẽ ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức nhà giáo…" sẽ có thêm hy vọng có được câu trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất.