Ái nữ tỷ phú Huawei: Từ bỏ hào quang "công chúa", con đường riêng hay không thể trở thành "người thừa kế" sáng giá?

Thanh Thanh , Theo phunuso.baophunuthudo.vn 18:16 13/05/2025
Chia sẻ

Diêu An Na - Con gái thứ 2 của tỷ phú Huawei Nhậm Chính Phi đã lựa chọn con đường hoàn toàn khác với sự nghiệp gia đình.

Những ngày vừa qua, MXH xứ Trung vẫn chưa hết xôn xao trước vụ việc Dong Xiying, một thực tập sinh y khoa tại Học viện Y học Hiệp Hòa (PUMC) trở thành tâm điểm của vụ bê bối khi bị cáo buộc có mối quan hệ không phù hợp với bác sĩ Xiao Fei - Phó Giám đốc khoa ngoại ngực tại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật.

Nhưng điều khiến công chúng chú ý hơn cả là hành trình học vấn của Dong Xiying khi chỉ mất 4 năm để lấy bằng tiến sĩ y khoa, một lộ trình ngắn hơn nhiều so với đào tạo y khoa truyền thống (5 năm học + 3 năm thực tập). Ngay cả quy định bác sĩ tốt nghiệp phải tham gia đào tạo nội trú không dưới 3 năm, cô cũng có thể rút ngắn xuống chỉ còn 1 năm. Ngay sau những bê bối liên quan đến đời tư và công việc của Dong Xiying được đăng tải đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi về mô hình đào tạo "4+4" của Học viện Y học Hiệp Hòa Bắc Kinh trên mạng xã hội.

Trong bối cảnh đó, nhiều cư dân mạng bất ngờ nhắc đến Diêu An Na (Yao Anna) - con gái Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi - như một trường hợp đối lập.

Ái nữ tỷ phú Huawei: Từ bỏ hào quang

Nhị công chúa Huawei Diêu An Na.

Năng lực "hàng thật giá thật"

Được mệnh danh là "nhị công chúa" Huawei, Diêu An Na không chỉ nổi bật bởi xuất thân mà còn bởi hành trình học vấn ấn tượng và những nỗ lực cá nhân trong việc theo đuổi đam mê.

Diêu An Na hoàn thành chương trình trung học tại Trường Trung học Quốc tế Thượng Hải, một trong những trường trung học hàng đầu tại Trung Quốc, nổi tiếng với chương trình giáo dục quốc tế và tỷ lệ học sinh được nhận vào các trường đại học danh giá trên thế giới. Trường này yêu cầu học sinh có học lực xuất sắc và khả năng ngoại khóa nổi bật, cho thấy Diêu An Na đã xây dựng nền tảng học thuật vững chắc từ sớm.

Đến năm 2016, Diêu An Na được nhận vào Đại học Harvard, một trong những trường đại học uy tín nhất thế giới. Tại đây, cô theo học ngành Khoa học Máy tính, một lĩnh vực đòi hỏi tư duy logic và kỹ năng phân tích cao. Cô tốt nghiệp năm 2020 với bằng cử nhân. Trong thời gian tại Harvard, Diêu An Na không chỉ tập trung vào học tập mà còn tham gia các hoạt động ngoại khóa, nổi bật là vai trò Giám đốc Tài chính của Diễn đàn Trung Quốc Harvard, một sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh, học thuật và chính trị. Vai trò này cho thấy cô có khả năng lãnh đạo và quản lý, vượt xa hình ảnh của một sinh viên thông thường.

Theo báo cáo từ Hong Kong Economic Times, Diêu An Na đạt thành tích học tập xuất sắc tại Harvard, được xếp hạng cao trong số các sinh viên cùng khóa. Điều này củng cố quan điểm rằng cô không chỉ được nhận vào Harvard nhờ gia thế mà còn dựa vào năng lực học thuật của mình.

Ái nữ tỷ phú Huawei: Từ bỏ hào quang

Diêu An Na giản dị khi học tại Harvard.

Diêu An Na đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thành công học tập của cô là kết quả của sự chăm chỉ và nỗ lực cá nhân. Trong một phỏng vấn được đăng trên South China Morning Post, cô chia sẻ: "Tôi nghĩ mình giống như hầu hết mọi người ở độ tuổi của mình, tôi đã phải làm việc chăm chỉ, học tập chăm chỉ, trước khi có thể vào được một trường đại học tốt". Lời khẳng định này cho thấy cô ý thức rõ về việc phải tự mình nỗ lực để đạt được mục tiêu, bất chấp những lợi thế mà gia đình mang lại.

Ngoài học vấn, Diêu An Na có đam mê và tài năng đặc biệt trong ballet. Cô bắt đầu học ballet từ năm 5 tuổi và đạt đến trình độ chuyên nghiệp khi còn học trung học. Theo bài viết trên Sohu, kỹ năng ballet của cô là một điểm nhấn trong hồ sơ ứng tuyển vào Harvard, nơi các hoạt động ngoại khóa được đánh giá cao trong quá trình tuyển sinh. Việc đạt trình độ chuyên nghiệp trong một môn nghệ thuật đòi hỏi kỷ luật và sự kiên trì, phản ánh tinh thần tự lực của Diêu An Na.

Sau khi hoàn thành việc học ở nước ngoài, Diêu An Na về nước. Nhưng thay vì vào làm việc tại Tập đoàn Huawei, Diêu An Na bất ngờ chọn cho mình một lĩnh vực hoàn toàn trái ngược để thử sức.

Ái nữ tỷ phú Huawei: Từ bỏ hào quang

Nhị công chúa Huaewei chọn bước vào giới trí, theo đuổi đam mê.

Không muốn được gọi là "Công chúa Huawei"

Năm 2021, cô chính thức bước vào giới giải trí. Khi quyết định bước vào ngành giải trí, cô phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ công chúng Trung Quốc, đặc biệt là về việc liệu một người chưa qua một trường lớp chính quy về nghệ thuật nào có thể làm tốt vai trò của một nghệ sĩ hay không. Một số người cho rằng cô thiếu tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật và chỉ dựa vào gia thế để có cơ hội.

Trên Harper’s Bazaar, Diêu An Na cho biết hoàn cảnh gia đình giúp cô được chú ý nhiều hơn những nghệ sĩ trẻ khác khi đặt chân vào showbiz. Song đây cũng là nhược điểm khiến cô bị tiếng dựa hơi gia thế, gặp phải những ý kiến đánh giá khắt khe từ khán giả.

Những nghi ngờ về năng lực của Diêu An Na trong lĩnh vực nghệ thuật không phải hoàn toàn không có căn cứ. Ngay sau màn ra mắt giới giải trí với ca khúc Back fire, Diêu An Na hứng chịu nhiều chỉ trích về kĩ năng thanh nhạc cũng như vũ đạo. Chưa dừng lại đó, một thời gian sau, nhị công chúa tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh. Cũng như trong lĩnh vực âm nhạc, cô tiếp tục bị chê về diễn xuất. Nhưng thay vì né tránh, Diêu An Na chọn cách tiếp thu góp ý và cải thiện năng lực của mình.

Ái nữ tỷ phú Huawei: Từ bỏ hào quang

Dù nhận về nhiều ý kiến về năng lực nhưng sự nghiêm túc và cố gắng của Diêu An Na dần được công nhận.

Trong 4 năm hoạt động nghệ thuật, Diêu An Na, chưa từng sử dụng cái mác "công chúa Hawei để tìm kiếm cơ hội hay quảng bá bản thân. Việc Diêu An Na từ bỏ "đặc quyền gia thế" khiến cái nhìn của công chúng về cô dần trở nên tốt hơn, đặc biệt sau bê bối liên quan đến Dong Xiying. Những cái mác vô hình gắn trên người Diêu An Na đã làm lu mờ nỗ lực của cô, nhiều người cho rằng điều này không công bằng.

Thế nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Diêu An Na bước vào giới giải trí là lựa chọn cuối cùng tối ưu nhất bởi, cơ hội thừa kế của cô ở Huawei gần như bằng không.

Từ bỏ "kế vị" hay không có cơ hội?

Huawei đã thiết lập một hệ thống luân phiên chủ tịch (rotating chairman) từ năm 2011, nhằm chuẩn bị cho sự chuyển giao quyền lực khi Nhậm Chính Phi nghỉ hưu. Theo Huawei begins CEO rotation to pave management succession, hệ thống này yêu cầu một số giám đốc cấp cao, bao gồm Phó Chủ tịch Hồ Hòa Khiêm và các thành viên hội đồng quản trị như Từ Chí Quân, luân phiên giữ vai trò CEO mỗi 6 tháng. Mục tiêu là tăng cường quản trị doanh nghiệp và chuẩn bị cho sự phát triển toàn cầu, đặc biệt khi Nhậm Chính Phi từng tiết lộ đã trải qua hai ca phẫu thuật ung thư vài năm trước.

Hệ thống này được mở rộng vào năm 2023, với ba người được chỉ định làm chủ tịch luân phiên bao gồm: Mạnh Vãn Chu, Hồ Hòa Khiêm, và Từ Chí Quân, mỗi người giữ vai trò 6 tháng.

Ái nữ tỷ phú Huawei: Từ bỏ hào quang

Mạnh Vãn Chu - người con gái bí ẩn của Nhậm Chính Phi cũng là chị gái cùng cha khác mẹ với Diêu An Na.

Trong đó, Mạnh Vãn Chu, CFO và là con gái của Nhậm Chính Phi đã đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên từ tháng 4/2023 kéo dài đến tháng 9/2023, sau đó luân phiên với hai người còn lại. Đây là lần đầu tiên cô giữ vai trò lãnh đạo cao nhất, sau khi được thăng chức vào năm 2022 và được xem là một phần trong kế hoạch kế nhiệm.

Tuy nhiên, Nhậm Chính Phi từng tuyên bố vào năm 2013 rằng thành viên gia đình không được ưu tiên trong kế nhiệm, nhấn mạnh rằng người kế nhiệm phải có tầm nhìn, tính cách, tham vọng và khả năng lãnh đạo toàn cầu.

Dù vậy, hành động gần đây cho thấy Mạnh Vãn Chu đã chứng minh năng lực của mình và vai trò của cô trong hệ thống luân phiên chủ tịch cho thấy cô là ứng cử viên hàng đầu.

Trong khi đó về phía Diêu An Na, cô không có vai trò nào trong hoạt động kinh doanh của Huawei và không được đề cập trong kế hoạch kế nhiệm, liệu "nhị công chúa" với tấm bằng Harvard còn có cơ hội trở thành người kế nhiệm đế chế công nghệ tỷ đô?

---

Hành trình học vấn cũng như lựa chọn con đường sự nghiệp của Diêu An Na diễn ra trong bối cảnh xã hội Trung Quốc ngày càng chú ý đến vấn đề công bằng trong giáo dục và cơ hội. Là con gái của một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, cô phải đối mặt với áp lực chứng minh rằng thành công của mình không chỉ đến từ gia thế. Việc cô chọn theo đuổi ngành Khoa học Máy tính tại Harvard, một lĩnh vực cạnh tranh cao, và tham gia các hoạt động lãnh đạo như Diễn đàn Trung Quốc Harvard, cho thấy cô không chỉ dựa vào danh tiếng gia đình mà còn nỗ lực xây dựng con đường riêng.

Hơn nữa, quyết định theo đuổi sự nghiệp giải trí sau khi tốt nghiệp Harvard, dù gây tranh cãi, cũng phản ánh tinh thần dám thử thách và không ngại bước ra khỏi vùng an toàn như Diêu An Na.

Bê bối chấn động MXH xứ Trung

Vụ bê bối tại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật, liên quan đến Dong Xiying và bác sĩ Xiao Fei đã trở thành tâm điểm chú ý tại Trung Quốc kể từ tháng 4/2025. Bắt nguồn từ một lá thư tố cáo về ngoại tình, vụ việc nhanh chóng mở rộng sang các vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm đạo đức y khoa, an toàn bệnh nhân và tính công bằng trong giáo dục y khoa

Dong Xiying, 27 tuổi, tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Barnard (thuộc hệ thống Đại học Columbia) trước khi tham gia chương trình “4+4” của PUMC năm 2019. Cô lấy bằng tiến sĩ y học nội khoa trong 4 năm, một lộ trình ngắn hơn nhiều so với đào tạo y khoa truyền thống (5 năm học + 3 năm thực tập). Tuy nhiên, việc cô tham gia phẫu thuật ngoại ngực, dù chuyên ngành là nội khoa, đã gây nghi ngờ về năng lực. Luận văn tiến sĩ của cô, liên quan đến hình ảnh y khoa phụ khoa, bị nghi ngờ “đệm nội dung” và hiện không còn truy cập được trên CNKI.

Ái nữ tỷ phú Huawei: Từ bỏ hào quang

Dong Xiying

Sau khi tốt nghiệp, Dong Xiying làm việc tại Bệnh viện Ung bướu, Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc. Sau đó, cô đến Bệnh viện Hữu nghị Trung Nhật để học nội trú và gặp Xiao Fei.

Nhìn lại quá trình học tập, các bài báo của Dong Xiying khi còn là sinh viên trải dài trên nhiều lĩnh vực như hình ảnh y tế, nội tiêu hóa, ngoại thần kinh. Về nước học y được 2 năm đã được tham gia phẫu thuật cấp 4, người hướng dẫn là viện sĩ chỉnh hình, bằng cấp là nội khoa, làm việc tại khoa tiết niệu, nội trú tại khoa lồng ngực, đề tài luận văn tốt nghiệp là hình ảnh học. Cô được ví như một "chiến binh lục giác"! Thậm chí, thời gian nội trú bắt buộc ít nhất 3 năm đối với sinh viên tốt nghiệp y khoa cũng được rút ngắn xuống còn 1 năm đối với cô.

Một số ý kiến công chúng nghi ngờ việc Dong Xiying lấy được bằng tiến sĩ y học chỉ trong 4 năm thông qua chương trình “4+4,” đặc biệt khi cô có nền tảng kinh tế thay vì y khoa. Với chuyên ngành nội khoa, việc cô tham gia phẫu thuật ngoại khoa trong thời gian thực tập ngắn cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực của Dong Xiying và tính hợp chuẩn của quá trình đào tạo.

Ngay sau vụ bê bối, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã mở cuộc điều tra cấp cao vào bác sĩ Xiao, Dong Xiying và các cơ quan liên quan, bao gồm PUMC, nhằm làm rõ các vấn đề an toàn y tế, đạo đức nghề nghiệp và lạm dụng quyền lực. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, chưa có kết luận chính thức.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày