8x Việt bị lạc giữa "nơi tận cùng của thế giới" và hành trình 6 ngày chạy hơn 1.000km dưới núi tuyết

Ngân Hà, Theo Trí thức trẻ 18:54 10/03/2023

Dành nguyên một tuần chạy xe máy rong ruổi Ladakh - Vùng đất được mệnh danh là tiểu Tây Tạng của Ấn Độ, travel blogger Phạm Quang Tuân đã thu về cho mình những trải nghiệm đáng nhớ.

Ôm ấp ước muốn khám phá vùng đất Ladakh từ chuyến đi cách đây 7 năm

Phạm Quang Tuân (Nickname: Tuân Cuồng Chân) sinh năm 1989, quê ở Quảng Trị. Công việc chính của anh là Digital Marketing và Travel Blogger. Quang Tuân đã có hơn 8 năm gắn bó với công việc "vừa đi chơi, vừa đi làm".

Đúng như biệt danh "Tuân Cuồng Chân", 8x Quảng Trị vốn là một người đam mê đặc biệt với "chủ nghĩa xê dịch". Anh đã có quãng thời gian gần 10 năm trời để đi đây đi đó. Các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S đều đã có dấu chân của anh đi qua.

Đến nay, Phạm Quang Tuân còn đặt chân tới nhiều nước như Nepal, Bhutan, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Ấn Độ.

8x Việt bị lạc giữa nơi tận cùng của thế giới và hành trình 6 ngày chạy hơn 1.000km dưới núi tuyết - Ảnh 1.

Phạm Quang Tuân - "Tuân Cuồng Chân" vốn đam mê đặc biệt với "chủ nghĩa xê dịch"

Vốn đam mê du lịch trải nghiệm, khám phá những vùng đất và thu gom trải nghiệm mới mẻ, do đó mới đây, Phạm Quang Tuân đã quyết định dành gần 1 tuần để khám phá Ladakh. Đây là vùng đất thuộc địa phận bang Jammu và Kashmir, thuộc đất nước Ấn Độ. Ladakh được biết đến nhờ vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ vĩ, mộc mạc, hoang sơ và được ví vón là "nơi tận cùng của thế giới". Tại đây, nền văn hóa bản địa được gìn giữ và tiếp nối một cách trọn vẹn, nguyên bản nhất.

8x Quảng Trị chia sẻ, lý do anh lựa chọn Ladakh làm điểm đến tiếp theo trong chuyến đi tuổi trẻ là hoàn toàn tự nhiên. Phạm Quang Tuân nhớ lại: "'Chị ơi! Sau này em quay lại Bhutan thì cho em chạy xe máy vòng vòng ở đây chơi nhé'. Đó là câu nói vu vơ của mình trong chuyến đi Bhutan năm 2016.

Chỉ là câu nói vu vơ lúc đó thôi, nhưng sau này trở thành ước muốn thật sự, ước muốn được chạy xe lang thang dưới dãy núi tuyết huyền thoại.

Trước đây, mình đã có gần 30 ngày đi bộ ở Bhutan rồi qua Nepal - hai đất nước nằm sát bên dãy núi Himalayas, đó là chuyến đi đáng nhớ nhất của cuộc đời mình.

Vốn là một người rất thích khám phá thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, sự mộc mạc của những ngôi làng và nền văn hóa của người bản địa, nên những đất nước quanh dãy tuyết sơn luôn thu hút mình.

Ladakh tuy là không giáp ranh trực tiếp với dãy tuyết sơn, nhưng cũng là nơi ảnh hưởng bởi văn hoá, cảnh vật của dãy núi này.

Cảnh sắc thiên nhiên ở đó rất hùng vĩ. Khi đứng ở đó mình cảm thấy con người rất nhỏ bé, nên tới đây luôn là điều mình ao ước. Và bây giờ mình có cơ hội thực hiện chuyến đi đáng nhớ khác: Chạy xe máy ở Ladakh, dưới núi tuyết hùng vĩ".

Ladakh được bao quanh bởi những ngọn núi tuyết.

Ladakh được bao quanh bởi những ngọn núi tuyết của dãy Himalayas. Do đó, nền văn hóa và lịch sử của vùng đất này liên quan chặt chẽ với Tây Tạng.

Bị lạc giữa "Nơi tận cùng của thế giới" ngay ngày đầu tiên và hành trình 6 ngày chạy hơn 1.000km dưới núi tuyết

Ladakh sở hữu cảnh sắc thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ, khiến những "kẻ mộng mơ" khi có dịp đặt chân đến đều không khỏi choáng ngợp.

Do đó, travel blogger Phạm Quang Tuân quyết định dành nguyên một tuần để khám phá bằng hết vùng đất này.

Ngày đầu tiên khi đáp xuống sân bay New Delhi rồi di chuyển đến Leh (Một thị trấn thuộc huyện Leh của bang Jammu và Kashmir, từng là thủ đô của vương quốc Ladakh miền Himalaya), 8x Quảng Trị đi tìm thuê một chiếc xe máy với giá cho thuê là 1500 Rupee/ngày.

Theo anh, với những vùng đất như Ladakh, việc đi lang thang bằng xe máy qua những ngôi làng, những địa điểm đẹp được bao quanh bởi núi tuyết kỳ vĩ là lựa chọn lý tưởng.

Phạm Quang Tuân đã dành gần 7 ngày rong ruổi xe máy, đi tổng cộng hơn 1.000km

"Mình muốn đi nhiều nơi, được trải nghiệm hơn là chụp ảnh check-in. Cứ thích ở đâu thì dừng lại, rồi lâu lâu lại đi lạc vào một nơi không nằm trong kế hoạch là điều vô cùng thú vị. Chỉ có phương tiện xe máy giúp mình lang thang như vậy được".

Phạm Quang Tuân đã đi tổng cộng 6 ngày, hơn 1.000km. Chuyến đi dẫn anh tới những ngôi làng tuyệt đẹp, hồ Pangong - Nơi quay bộ phim Ba Chàng Ngốc của đạo diễn Rajkumar Hirani với những thước hình đẹp "nức lòng" người hâm mộ.

Anh còn chạy xe máy qua hai con đèo là Chang La và Khardung La. Đèo Khardung La có độ cao lên đến hơn 5.600 mét, được mệnh danh là con đường dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới.

Dù đã tìm hiểu kỹ và chuẩn bị đầy đủ từ tinh thần đến thể lực, nhưng 8x Quảng Trị vẫn cảm thấy choáng ngợp khi thời tiết tại Khardung La thay đổi đến chóng mặt.

Càng lên cao nhiệt độ càng thấp, giảm xuống âm độ C, có những đoạn tuyết rơi dày, phủ trắng xóa khắp không gian, đường đi.

Đây quả thực là hành trình nhiều thử thách và chỉ dành cho những "phượt thủ" thực sự đam mê phiêu lưu.

8x Việt bị lạc giữa nơi tận cùng của thế giới và hành trình 6 ngày chạy hơn 1.000km dưới núi tuyết - Ảnh 4.

Đường lên đèo Khardung La, con đường đi cao nhất thế giới cho xe cơ giới chạy lên

Ngay ngày đầu tiên xuất phát chính thức, Quang Tuân đã bị lạc. Anh kể: "Lúc đó khoảng gần 9 giờ tối, thời tiết tầm 1 - 2 độ C, tay mình lạnh cóng đến nỗi khó bóp được phanh tay. Xung quanh thì tối đen, không một bóng người, những ngôi nhà cũng tắt đèn.

Mình không thể kiếm khách sạn để dừng chân, và đã bị lạc đến hơn 60km so với địa điểm đáng ra phải đến.

Đang loay hoay dừng lại để tìm cách xử lý thì may mắn sao mình dừng ngay tại đồn cảnh sát. Thế là được chú cảnh sát cho vào đồn ngủ lại đêm đó.

Những ngày sau, mình đi qua nhiều đoạn đèo rất cao và hẹp, nên luôn trong tình trạng lái xe cực kỳ căng thẳng, phải tập trung cao độ.

Khi chạy tới đèo Chang La - Đây là con đèo cao thứ 3 thế giới cho phương tiện cơ giới đi ngang qua thì tuyết rơi khá dày, tất cả phương tiện đều phải dừng ở dưới chân đèo chờ công nhân làm sạch đường để xe lên.

Sau 2 tiếng, mình mới được lên đèo để chạy về Leh. Mặt đường trên đèo có nhiều đoạn đóng băng, cả đoàn xe máy đi trên đèo đề bị xìa bánh té, té ngã liên tục. May mắn cuối cùng mình vẫn trở về an toàn".

Đường lên đèo Khardung La

Trải qua chuyến đi đầy phiêu lưu, mạo hiểm, nhưng những trải nghiệm thu về - theo anh Phạm Quang Tuân là hoàn toàn xứng đáng và sẽ khiến anh nhớ mãi không quên.

8x Việt có dịp ghé thăm Nubra - Thung lũng trù phú nhất toàn vùng Ladakh với trung tâm là làng Diskit, nằm cách thủ phủ Ladakh 150km về phía Bắc.

Nubra từng là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Tơ lụa năm xưa. Vẻ đẹp của Nubra khiến "kẻ lang thang" ngẩn ngơ. Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho nơi này cảnh quan tuyệt sắc cùng những tu viện cổ sừng sững trên đỉnh đồi.

Anh Quang Tuân còn không quên dạo chợ địa phương, hòa cùng nhịp sống của người dân bản địa tại những ngôi làng nhỏ để tìm hiểu nếp sống, văn hóa của họ.

Kinh nghiệm đúc kết sau chuyến đi

Giáp Tết năm 2014, giữa lúc cả xã hội quay cuồng với "deadline", anh Tuân quyết định xin nghỉ việc.

Với "bạn đồng hành" là chiếc xe máy cũ, anh đi từ thành phố Hồ Chí Minh về đến quê nhà Quảng Trị và mang theo một thùng rác. Vừa đi vừa nhặt rác. Đó cũng là mong muốn mà Phạm Quang Tuân ấp ủ từ lâu: Ngành du lịch không rác thải.

Kể từ đây, 8x Quảng Trị nhận ra bản thân đam mê "xê dịch", yêu những không gian văn hóa, con người, vùng đất mới biết nhường nào.

8x Việt bị lạc giữa nơi tận cùng của thế giới và hành trình 6 ngày chạy hơn 1.000km dưới núi tuyết - Ảnh 6.

Anh tìm thấy ngã rẽ cho mình ở tuổi 25, khi nhiều người trẻ vẫn đang hoang mang với những lựa chọn trên đường đời.

Quang Tuân xác định sẽ theo đuổi công việc Freelance, Digital Marketing và Travel Blogger. Vừa rong chơi vừa kiếm tiền. Có những ngày, anh làm việc miệt mài đến 18 tiếng/ngày. Nhưng cũng có khi là quãng thời gian dài dành để nghỉ ngơi, chỉ để đi và trải nghiệm.

Với 8x Quảng Trị, những chuyến đi không chỉ đơn giản là hành trình mà còn là trách nhiệm, tình yêu và cả sự ngạo nghễ.

Không chỉ đi và trải nghiệm cho riêng mình, anh còn lan tỏa năng lượng tích cực và khát khao xê dịch thông qua những câu chuyện, bộ ảnh, video cực "hot" trên trang mạng xã hội của mình.

Từ những gì bản thân tự học hỏi, đúc kết, Phạm Quang Tuân sẵn lòng chia sẻ, chỉ cho người khác những thứ mình biết, học được từ các bài học kinh nghiệm "xương máu".

Sau chuyến đi đến "hành tinh cô đơn", tiểu Tây Tạng Ấn Độ - Ladakh, anh cũng không quên "bật mí" kinh nghiệm gửi gắm đến mọi người:

"Tuy chỉ một tuần chạy xe máy rong ruổi, nhưng đủ cho mình cảm thấy phấn khích vô cùng khi được đặt chân đến từng ngôi làng nhỏ nằm cách nhau gần 200km.

Cảm nhận được cái lạnh buốt xuyên qua găng tay, thấm vào từng ngón tay. Cảm nhận được con người, cảnh vật hoa sơ và nguyên thuỷ nhất mình từng thấy.

Để có được chuyến phiêu lưu này, các bạn nên có sự chuẩn bị thật kỹ trước đó. Rèn luyện thể lực, đảm bảo sức khỏe tốt để chống chịu với thời tiết khắc nghiệt và quãng đường di chuyển khá vất vả.

Hãy chuẩn bị đầy đủ áo quần ấm mang theo để không bị lạnh. Đừng quên thuốc chống sốc độ cao, các loại thuốc thông dụng khác.

Nên dành ra nhiều ngày để chạy, một ngày đi tầm 80km là hợp lý nhất. Trước khi rong ruổi dưới núi tuyết, hãy dành một ngày để làm quen với xe, với độ cao".

Anh cho hay bản thân còn muốn lan tỏa niềm đam mê xê dịch đến gia đình, đặc biệt là vợ và con nhỏ. Do đó, anh luôn tranh thủ thời gian đưa vợ và con nhỏ cùng đi những hành trình ngắn ngày trong nước để các thành viên thêm gắn kết và có nhiều trải nghiệm đáng nhớ cùng nhau.