8 năm sau vụ nổ bình oxy, chàng trai cụt hai tay làm thiết kế, cuối tuần bán hàng rong ở phố đi bộ hồ Gươm để nuôi mẹ bệnh tật

Minh Nhân - Ảnh: Minh Nhân, NVCC, Theo Tổ Quốc 00:01 12/04/2022

Mất hai cánh tay trong vụ nổ bình oxy cách đây 8 năm, Dương Hữu Phúc không từ bỏ ước mơ và đam mê, quyết tâm tốt nghiệp Đại học, tìm kiếm công việc ổn định nuôi mẹ bệnh tật.

Đứng giữa dòng người nhộn nhịp ở phố đi bộ hồ Gươm, Dương Hữu Phúc, 27 tuổi, quê Lạng Sơn vừa cúi gập người, vừa rao lớn "Mua đồ chơi nhựa anh chị ơi". Những đứa trẻ mắt sáng rực, đứng xung quanh Phúc, thích thú hò reo.

Từ lâu, người Hà Nội đã quen với hình ảnh chàng thanh niên trẻ bị cụt hai tay bán vòng hoa và đồ chơi ở phố đi bộ. Mọi người nhớ tên anh, mỗi lần đi qua đều hỏi thăm "Phúc ơi, khỏe không?". Sau những biến cố cuộc đời, Phúc trở thành trụ cột chính gia đình, làm nhiều công việc để nuôi mẹ bệnh tật.

8 năm sau vụ nổ bình oxy, chàng trai cụt hai tay làm thiết kế, cuối tuần bán hàng rong ở phố đi bộ hồ Gươm để nuôi mẹ bệnh tật - Ảnh 1.

Dương Hữu Phúc - chàng trai cụt hai tay bán hàng rong trên phố đi bộ hồ Gươm

3 năm trước, Phúc bán vòng hoa đội đầu trên phố đi bộ, nay chuyển sang bán đồ chơi (Ảnh: Quý Nguyễn)

Clip: 8 năm sau vụ nổ bình oxy, chàng trai cụt hai tay làm thiết kế, cuối tuần bán hàng rong ở phố đi bộ nuôi mẹ bệnh tật

Vụ nổ bình oxy dập tắt ước mơ

7h sáng 25/1/2014, một tiếng nổ lớn vang rền trời tại một xưởng cơ khí ở Lạng Sơn. Chiếc bình oxy phát nổ khiến Phúc – khi đó là học sinh lớp 12 vừa đi học vừa làm thêm phụ giúp gia đình - ngồi thụp xuống đất, cơ thể lạnh toát, cố gắng lấy hai tay chống xuống mặt đất nhưng lạ lắm. Anh mở mắt, giơ hai tay lên thì cánh tay đã rã rời.

"Mình đau đến mức tưởng đang nằm mơ", Phúc nhớ lại cảnh tượng người đi đường đứng xung quanh hiện trường, gọi xe cấp cứu đưa anh xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Các bác sĩ nhận định phải cắt bỏ hoàn toàn hai cánh tay, nhưng Phúc vẫn hi vọng cứu được cánh tay trái.

Nghe tin con trai gặp nạn, cô Hoàng Thị Phượng, 46 tuổi, ngất đi tỉnh lại không biết mấy lần. Cô gom hết những thứ có thể bán, vay mượn khắp nơi để lo cho con.

12h trưa hôm đó, Phúc được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và tiêm thuốc giảm đau. Sau khi chụp chiếu và làm các xét nghiệm, 12 tiếng sau, anh được đưa vào phòng phẫu thuật. Mũi tiêm thuốc mê khiến anh chìm dần vào giấc ngủ.

9h sáng hôm sau, Phúc tỉnh dậy, thấy hai cánh tay đều băng bó, vội hỏi bác sĩ "phải cắt hết tay cháu ạ?".

"Nếu không cắt sẽ phải tháo khớp, sau này cháu làm việc gì cũng khó và không linh hoạt. Bác đã cố gắng phẫu thuật để cánh tay được dài nhất có thể", lời bác sĩ khiến Phúc thở dài dù trước đó anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý.

Nằm trên giường bệnh, Phúc chỉ im lặng.

Phúc sau khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 

Thời điểm xảy ra vụ nổ cách ngày thi tốt nghiệp THPT chỉ 12 ngày. Phúc không có ý định thi Đại học, chỉ mong hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, rồi trở thành một thợ cơ khí, có thể mở xưởng gần nhà chăm sóc mẹ. Giấc mơ này đã phải khép lại, thay vào đó là những tháng này đau đớn nằm trong bệnh viện.

Sau 5 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phúc được về nhà tại Lạng Sơn. Nhưng 3 ngày sau, vết mổ bị nhiễm trùng, anh phải mổ đi mổ lại nhiều lần. Đến nay, anh đã phải phẫu thuật 4 lần cánh tay phải và 2 lần bên trái.

Vụ nổ khiến Phúc suýt mù hai mắt và hai bên đầu gối bị bỏng nhẹ. 16 ngày sau, anh bắt đầu tập đi lại. Đến ngày thứ 28, anh được xuất viện, mọi sinh hoạt đều dựa dẫm vào mẹ.

Việc đầu tiên anh học là đi vệ sinh cá nhân, sau đó tắm giặt, mặc quần áo. Chàng trai bắt đầu tập lại những thao tác xúc cơm như trẻ con 3 tuổi với đôi tay giả. Hai cánh tay nhanh chóng mỏi nhừ, cơm vung vãi khắp nơi. Chỉ được dăm bữa, nhận thấy việc mang tay giả không khả thi nên Phúc dừng lại.

Trong một giải pháp tình thế, cô Phượng đã chế cho con trai một cặp tay khác, đơn giản hơn. Tay mới được làm từ một chiếc thìa gắn vào một chai nước lọc cắt bỏ phần đế. Phúc sẽ đút phần cẳng tay còn lại vào chai nước lọc để điều khiển thìa.

Suốt một năm, Phúc tự giam mình trong nhà, ít giao tiếp và giữ khoảng cách với những người xung quanh. Phải đến khi bắt đầu viết được chữ bằng hai khuỷu tay, anh xin mẹ cho trở lại trường học.

Tháng 7/2015, Phúc đến trường học lại chương trình lớp 12, chọn thi ngành thiết kế nội thất của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Cô Phượng bắt xe xuống Hà Nội nộp hồ sơ cho con trai. Phần thi năng khiếu, Phúc được nhà trường tạo điều kiện vẽ tại nhà rồi mang xuống trường nộp. Anh dùng chai nhựa gắn vào cánh tay để vẽ, mất khoảng 4 tiếng. Chiều hôm đó, nhà trường thông báo nam sinh trúng tuyển.

Một tháng sau, hai mẹ con khăn gói từ Lạng Sơn xuống Hà Nội tìm phòng trọ, để kịp cuối tháng 9 Phúc nhập học. Hôm đầu tiên đến lớp, anh ngồi hàng ghế cuối, nhận được những ánh nhìn và câu hỏi tò mò từ các bạn. Câu đầu tiên và cũng được hỏi nhiều nhất: "Tay thế này thì vẽ và sử dụng máy tính như thế nào?".

Ngoài bán hàng rong, Phúc còn là cộng tác viên của công ty thiết kế, có đam mê với nhiếp ảnh

5 năm Đại học kết thúc, tháng 1/2021, Phúc bảo vệ đồ án tốt nghiệp, được nhận vào một công ty thiết kế nội thất. Anh mất 4 tháng học việc không lương. Thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống hai mẹ con chật vật. Anh phải vay nợ trả tiền nhà, may mắn được chính quyền địa phương hỗ trợ gạo, mì tôm và mắm muối.

Đến tháng thứ 5, Phúc được công ty hỗ trợ 4 triệu đồng. Tháng thứ 6, anh được nhận chính thức với mức lương 7 triệu. Một tháng gần đây, anh bị điều chuyển xuống làm cộng tác viên do tình hình kinh doanh công ty khó khăn.

Mỗi ngày, Phúc thức dậy từ 6h sáng, bắt 2 tuyến xe buýt từ nhà đến công ty. Quãng đường dài 14km, đi mất 2 tiếng. Nhiều đêm, anh về nhà khi đã 9 rưỡi tối.

Ngoài công việc thiết kế, 3 năm trước, Phúc bắt đầu bán vòng hoa ở phố đi bộ hồ Gươm. Dịch Covid-19 khiến phố đi bộ đóng cửa gần 1 năm, cuộc sống hai mẹ con Phúc bởi thế thêm khó khăn. Đến ngày 18/3, phố đi bộ chính thức được mở cửa trở lại, nhận thấy vòng hoa không còn được ưa chuộng như xưa, Phúc nhập đồ chơi nhựa về bán.

Mỗi món đồ chơi Phúc bán với giá 50.000 đồng, trung bình mỗi ngày lãi khoảng 300 - 400.000 đồng, đủ giúp hai mẹ con chi tiêu. Tối thứ 6, anh bán từ 19h đến 22h. Hai ngày cuối tuần từ 9h sáng đến 10h tối.

"Ngày xưa bán vòng hoa, mình chỉ mỏi chân vì phải đứng nhiều. Khi chuyển qua bán đồ chơi, để giữ con vật chuyển động không bị ngã, mình phải cúi gập người, thậm chí ngồi hẳn xuống đường, nên đau lưng, toát mồ hôi", Phúc kể.

9X còn có sở thích và đam mê với nhiếp ảnh. Một người bạn chuyển đến cùng khu nhà trọ, đã hướng dẫn Phúc trải nghiệm với máy ảnh. Anh tìm hiểu và tích cóp tiền, tự mua 1 chiếc máy, thỉnh thoảng chụp vài bộ ảnh nghệ thuật. Nhưng anh không nghĩ sẽ phát triển nhiếp ảnh thành một công việc chính, bởi vẫn mặc cảm bản thân là người khiếm khuyết.

"Mình sợ người ta nghĩ mình không làm được, nên chỉ chụp ảnh như một đam mê, sở thích và giải lao", Phúc nói.

Khi bán những chú trâu phát sáng, Phúc buộc phải cúi gập người để giữ con vật không bị ngã

"Cuộc đời còn nhiều khó khăn nhưng mọi chuyện rồi sẽ phải tốt lên"

Bố mẹ li hôn năm 2000 khi Phúc mới 5 tuổi. Ngày chồng bỏ đi, cô Phượng như chết một nửa, gắng gượng lắm, kéo chỗ này vá chỗ kia mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Hai đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn là niềm an ủi lớn lao nhất của cô.

Một mình cô Phượng nuôi 2 chị em Phúc bằng đủ thứ nghề, kể cả công việc thấp kém nhất trong xã hội. Từ khi xuống Hà Nội theo con học Đại học, người mẹ phải làm cùng lúc 2 công việc, vừa lao công, vừa giúp việc nhà. Cô rời nhà từ 5h sáng đến 9h tối, hai mẹ con không ăn cùng nhau bữa cơm nào.

Từ năm 2018, cô đi khám, phát hiện bị suy thận độ 3, tụt canxi đường huyết, bệnh máu không đông, biếu cổ, huyết áp, tiền sử suy tim. Khi đó, Phúc vẫn là sinh viên năm 3, không cho mẹ đi làm nữa. Anh dùng số tiền ít ỏi từ công việc bán hàng trên hồ Gươm để hai mẹ con tằn tiện chi tiêu.

Đến tháng 3/2022, cô Phượng mắc Covid-19, do nhiều bệnh nền nên phải uống nhiều loại thuốc. Hậu Covid-19 khiến cô mệt mỏi, nhiều khi đi xe máy lại bị tê tay, dừng một lúc rồi mới tiếp tục.

8 năm sau vụ nổ bình oxy, chàng trai cụt hai tay làm thiết kế, cuối tuần bán hàng rong ở phố đi bộ hồ Gươm để nuôi mẹ bệnh tật - Ảnh 7.

Khi những chú trâu đi lệch đàn, Phúc dùng phần cùi tay để "điều tiết giao thông"

Năm Phúc 18 tuổi, cô Phượng kỳ vọng con có thể tự lập, kiếm tiền, nhưng vụ nổ năm đó đã cướp đi mọi thứ. Quá trình điều trị nhiều đau đớn và mệt mỏi khiến Phúc nhiều khi "bất cần đời", nghĩ tương lai, ước mơ và sự nghiệp đều không còn – mất cánh tay là mất tất cả. Phúc buồn và khóc, nhưng thấy mẹ, anh lại phải cười. Lúc đấy, bên cạnh anh chỉ có mỗi mẹ.

"Khi mình nằm viện, mẹ lo lắng và sợ mình nghĩ quẩn. Mình cố gắng vui vẻ, lạc quan và yêu đời để mẹ yên tâm", Phúc nhớ lại.

Thời gian này, Phúc bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội và được nhiều người biết đến. Lúc anh bán hàng trên phố đi bộ, chốc chốc có người đi ngang qua lại nói: "À anh này vừa lên tivi" khiến anh rất vui. 

"Mọi người biết đến cuộc sống của mình, biết mình là ai, mình cố gắng như thế nào. Mình cảm thấy rất hạnh phúc", anh nói cuộc sống từng là những tháng ngày tồi tệ nhất, nhưng lúc nào cũng động viên bản thân cười tươi để có được như ngày hôm nay. 

Ngoài mẹ, người đi đường cũng giúp đỡ Phúc mỗi khi mua hàng

Hơn 10h tối, giữa dòng người thưa dần ở phố đi bộ, hai mẹ con gói ghém đồ đạc chuẩn bị về nhà. Phúc thì thầm với mẹ, "dù còn nhiều khó khăn thì cần sống cho đáng, cho vui vẻ, mọi chuyện rồi sẽ phải tốt lên".

https://kenh14.vn/8-nam-sau-vu-no-binh-oxy-chang-trai-cut-hai-tay-lam-thiet-ke-cuoi-tuan-ban-hang-rong-o-pho-di-bo-ho-guom-de-nuoi-me-benh-tat-20220411183503733.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày