Hoàng Thị Diệu Thuần
Mắc ung thư máu, đã ghép tế bào gốc năm 2012
Sinh năm 1987.
Quê quán: Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Hiện đang sinh sống và làm việc tại Vinh và Hà Nội.
Tốt nghiệp Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dự án xã hội: Mạng lưới vì trẻ em ung thư.
3 cuốn sách về bệnh nhân ung thư: Như hoa Hướng Dương, Muôn ánh mặt trời và Đóa hoa vô thường.
Chị phát hiện mắc ung thư máu trong hoàn cảnh nào?
Năm lớp 11 trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An), tôi bị sụt cân bất thường và ngất xỉu. Vì học xa nhà, cô giáo thay bố mẹ đưa đến bệnh viện chụp tim phổi và kết quả hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, tình trạng sụt cân không thuyên giảm. Mọi người nghĩ rằng do tôi học và thi cử dồn dập nên sức khỏe yếu dần, cân nặng giảm từ 46 kg xuống còn 37 kg, thường xuyên chảy máu cam và sốt về đêm.
Năm 2005, tôi đi đỗ Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Một lần tình cờ vào Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thăm người nhà của bạn cùng phòng ký túc xá bị bệnh về máu, tôi thấy mình cũng có những triệu chứng tương tự.
Tôi không ngờ rằng chuyến đi thăm đó đã cứu sống tôi và là khởi đầu cho một cuộc sống hoàn toàn khác xa với những gì tôi và gia đình hy vọng.
Về ký túc xá, mặc dù chưa có cơ sở chắc chắn, nhưng tôi đã xâu chuỗi toàn bộ biểu hiện bất thường của cơ thể, linh tính khả năng cao mắc bệnh.
Đêm đó, tôi nằm khóc một mình.
Sáng hôm sau, tôi được ba người bạn thân là Nam (SN 1985), Mây (SN 1987) và Mai (SN 1987) đưa đến Viện Huyết học làm xét nghiệm. Buổi chiều, ba người bạn đến bệnh viện nhận kết quả, biết rằng tôi bị ung thư máu nhưng đã giấu và nói dối "tắc đường nên đến trễ, bác sĩ hẹn ngày mai".
Sau này được nghe kể lại tôi mới biết, suốt đoạn đường từ bệnh viện về nhà, Nam đã khóc. Bữa cơm hôm đó, trong lúc mọi người đang trò chuyện vui vẻ, Nam nói với các bạn cùng phòng của mình "cái Thuần bị ung thư rồi" khiến ai cũng lặng đi.
Nam cũng là người bí mật gọi điện cho bố tôi ở quê báo tình hình sức khỏe của tôi. Bố quyết định đi chuyến xe đêm ra Hà Nội với tôi để đến bệnh viện lấy kết quả xét nghiệm. Lúc đó, mọi người đều đã biết tôi mắc ung thư, chỉ có tôi là không biết.
Buổi sáng, bố đưa tôi đến bệnh viện nhưng vẫn không nói rõ tình trạng bệnh. Các y tá thấy tôi thì vội nói "Sao không nhập viện luôn, chỉ số bạch cầu lên quá cao, dễ bị tắc mạch. Chậm vài ngày sẽ nguy hiểm đến tính mạng".
Mọi thứ diễn ra nhanh và bất ngờ, tôi nhập viện, cùng phòng với một vài bệnh nhân ung thư lớn tuổi khác. Thấy tôi còn trẻ, ai nấy đều cảm thán "Ôi thương thế, đang trẻ sao lại mắc căn bệnh này". Tôi hoang mang vì thực sự không biết bản thân đang mắc bệnh gì, nguy hiểm như thế nào. Thời điểm đó, thông tin về ung thư rất mơ hồ.
Hoàn tất thủ tục nhập viện, tôi bắt đầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết và được truyền máu, vì lúc đó chỉ số huyết sắc tố và hồng cầu rất thấp. Dồn nén những thắc mắc lẫn đau đớn, tôi muốn giật đứt sợi dây truyền máu và không muốn tiếp tục. Bố tôi đã phải ghìm rất chặt để tôi không thể vùng vẫy thoát ra. Đây là lần đầu tiên, tôi muốn dừng lại tất cả, bởi không biết cơ thể đang bị căn bệnh gì chi phối.
Tôi khóc nức nở, nhìn bố - người đàn ông hơn 60 tuổi, mái tóc bạc trắng, đáng nhẽ ở quê nghỉ ngơi, lại phải ra Hà Nội chăm con cái bệnh tật. Từ đó về sau, nếu buồn và mệt, tôi chỉ khóc một mình.
Để tiện điều trị, mẹ đã nhờ bạn bí thư lớp cấp 3 của tôi viết đơn xin bảo lưu kết quả học tập ở trường Đại học. Hồ sơ xin bảo lưu được đặt trên tủ phòng bệnh. Một lần, tôi vô tình mở tập hồ sơ ra xem, chết lặng với dòng chữ "nguyên nhân xin bảo lưu: ung thư máu".
Không dám òa khóc, tôi lặng lẽ đặt lại giấy tờ vào chỗ cũ, trở lại giường nằm.
Chị Hoàng Thị Diệu Thuần những ngày tháng đầu "chiến đấu" với ung thư máu
18 tuổi, vừa mới bước chân vào Đại học, cánh cửa phía trước rộng mở lại phát hiện mắc ung thư, chị suy nghĩ thế nào?
18 tuổi, mắc ung thư máu, tôi tự hỏi: Mình sinh ra để làm gì?
Tôi đã không biết ung thư là căn bệnh như thế nào, chỉ biết "dễ bị chết". Nhưng tôi không sợ chết, chỉ nghĩ sao bản thân lại rơi vào hoàn cảnh này, có tiếp tục được đi học không? Nếu điều trị tốn kém thì bố mẹ lấy đâu ra tiền?
Tôi gần như trải qua tất cả phương pháp điều trị để tìm cơ hội sống. Từng giọt hóa chất ngấm vào cơ thể gây mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, thậm chí không thể đi lại. Mọi hoạt động phải nhờ y bác sĩ và bố mẹ giúp đỡ, cơ thể suy kiệt nặng, người "mỏng dính" chỉ còn 34 kg.
Tôi buồn khi nghĩ mình còn trẻ mà phải nhờ cậy mọi người, nhất là bố mẹ lớn tuổi.
Có lần truyền hóa chất, sức khỏe tôi không ổn, liên tục bị vỡ ven. Để thay đổi không khí, một người bạn đã xin phép mẹ được dẫn tôi đi chơi và ăn uống. Người gầy gò, ốm yếu, tôi vừa đi vừa thở, chân tay đầy rẫy các vết tiêm truyền, trông không khác gì một "kẻ nghiện". Khi vào quán ăn, tôi cảm nhận được ánh nhìn tò mò của những người xung quanh. Lúc đấy, tôi chạnh lòng và tủi thân.
Nhiều người cũng từng nói với mẹ tôi rằng "Nhìn cái Thuần như thế, chắc không trụ được bao lâu…".
Một thời gian dùng thuốc nhắm đích giúp tình trạng bệnh cải thiện nhưng sau đấy tôi bị kháng thuốc. Tôi bị teo một bên chân, đi lại khó khăn và phải có người cõng. Những người bạn sinh viên sẵn sàng cõng tôi đến bệnh viện mỗi khi bác sĩ thông báo có máu để truyền.
Bác sĩ nói không có cách nào để giảm đau, ngoại trừ việc chịu đựng. Tôi cũng không muốn lạm dụng thuốc, đã từng mong có thể được giải thoát khỏi những đớn đau này.
Kháng thuốc cũng khiến tôi mất ngủ, tinh thần giảm sút. Mỗi khi nhắm mắt, những hình ảnh đáng sợ về cái chết lại hiện lên. Nó cứ lặp đi lặp lại như thế.
Chị Thuần của hiện tại - 35 tuổi - sức khỏe ổn định và nhiệt huyết với các hoạt động xã hội
Hành trình vượt qua căn bệnh ung thư của chị diễn ra thế nào?
Năm 2012, sau 7 năm điều trị, bác sĩ tư vấn ghép tế bào gốc - phương án cứu cánh cuối cùng với tỷ lệ 50/50. Ngày đó, chi phí ước tính khoảng 400 - 500 triệu đồng và có thể phát sinh thêm. Đây là một con số không hề nhỏ mà bố mẹ tôi không thể kham nổi.
Trước đó, tôi nhiều lần bị ám ảnh cảnh mẹ chưa đến kỳ lương, phải vay nợ để có tiền chạy chữa. Là giáo viên, mẹ phải nhờ người khác dạy thay, thường xuyên bị trừ lương trong những tháng ngày ra Hà Nội chăm con ung thư.
Tôi là đứa trẻ khá bảo thủ, không thích cảnh vay nợ người khác. Bởi thế, khi bác sĩ nói về phương pháp ghép tế bào gốc, tôi đã nghĩ khả năng rất lớn không thể thực hiện.
"Giá như được ghép tế bào gốc thì tốt quá, nhưng không được đâu…" – tôi đăng dòng trạng thái vu vơ lên trang Facebook cá nhân như một sự giải tỏa tinh thần, rồi vội xóa ngay.
Một người bạn đã vô tình đọc được, nhắn tin hỏi thăm và ngỏ ý kêu gọi ủng hộ chi phí. Tôi đã rất chần chừ và bỏ ngỏ câu trả lời, đáp rằng cần thêm thời gian suy nghĩ.
Tôi tự nhủ mình là một cá thể nhỏ bé, không giỏi giang, không ít lần vì quá đau mà có suy nghĩ "giá như mình chết đi, sẽ tốt hơn". Tôi đau nhiều, mọi người sẽ vất vả nhiều hơn, đặc biệt là mẹ - người đã hi sinh, vất vả rất nhiều để chăm sóc tôi suốt nhiều năm. Liệu tôi có xứng đáng với sự giúp đỡ của mọi người hay không? Dù đau đớn nhưng cuộc sống 18 năm qua tôi không tiếc nuối điều gì, không muốn những người xung quanh vất vả vì tôi.
Người bạn đọc được bài đăng "chớp nhoáng" của tôi trên Facebook và những người bạn khác được nghe kể đều khuyên tôi tiến hành ghép tế bào gốc. Mọi người dự định sẽ kêu gọi cộng đồng cựu học sinh THPT Phan Bội Châu quyên góp.
Tôi đã rất vui và cảm thấy may mắn khi có những người bạn tốt, nhưng họ đã phải mất khá nhiều thời gian để thuyết phục một đứa cứng đầu như tôi. Cuối cùng, tôi đưa ra mong muốn của mình, rằng sau khi bác sĩ làm các xét nghiệm và khẳng định tôi có thể ghép tế bào gốc, thì mọi người mới tiến hành gây quỹ. Vì tôi sợ không đủ điều kiện ghép thì số tiền quyên góp của mọi người sẽ không đúng mục đích.
Trong gia đình, anh trai là người hiến tế bào gốc để cứu tôi. Mẹ đã phải đi vay tiền để thực hiện các xét nghiệm HLA (nhằm xác định người hiến – nhận tạng phù hợp). Chỉ số tương thích giữa tôi và anh trai là 90%, tuy nhiên xét nghiệm phát hiện tôi mắc thêm viêm gan C, khiến ca ghép có thể nhiều nguy hiểm.
Nguy cơ cao, các bác sĩ cân nhắc và gửi kết quả đánh giá sang Mỹ, sau cùng khẳng định có khả năng ghép. Từ đó, những người bạn của tôi bắt đầu chiến dịch kêu gọi ủng hộ, câu chuyện của tôi cũng được báo chí đồng loạt đưa tin.
Có người gọi điện, có người đến tận bệnh viện hay phòng trọ gửi tặng những món quà. Tôi không bao giờ quên được một bác xe ôm đưa cho mình 100.000 - 200.000 đồng, dặn "cố gắng lên, vì bác cũng có một đứa con đang học Đại học. Bác vất vả kiếm tiền, trích một khoản tặng cháu có thêm sức mạnh. Cháu cũng như con của bác".
Ngoài việc được hỗ trợ tiền bạc, tôi còn được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Những người vốn xa lạ đã giúp đỡ tôi đều trở nên thân thiết cho đến tận bây giờ.
Chị Thuần chụp ảnh với các y bác sĩ tại đơn vị ghép tế bào gốc
Năm 2012 chị Thuần được ghép tế bào gốc từ anh trai
Tháng 9/2012, tôi bắt đầu vào phòng cách ly để được ghép tế bào gốc. Anh trai cũng nhập viện cùng thời điểm, được tiêm kích các chỉ số máu và bị một số tác dụng phụ gây đau xương và đau đầu. Nhưng sau khi được tách lọc tế bào gốc, sức khỏe anh dần hồi phục nhờ được bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp.
Tôi vào phòng cách ly, chờ thời điểm thích hợp để được truyền tế bào gốc máu ngoại vi đã được tách lọc và bảo quản từ anh trai. Tôi được truyền qua tĩnh mạch trong khoảng 15 – 20 phút, bị sốc nhẹ và tăng nhịp tim nhưng được bác sĩ xử lý kịp thời.
Sau ghép, tôi được bác sĩ chẩn đoán bị "ghép chống chủ ở gan", phải uống các loại thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài. Sức đề kháng giảm, sụt cân còn 33 kg, sốt và cảm cúm nhiều nên tôi phải ở lại bệnh viện thường xuyên.
Tôi mất hai năm để ổn định sức khỏe và đến nay gần như không cần dùng thêm bất kỳ một loại thuốc nào nữa. 10 năm qua, tuy chỉ số máu vẫn thấp, nhưng sức khỏe ổn định, duy trì tình trạng hiện tại và không cần uống thuốc.
Ngày trước, mỗi 3 tháng tôi tái khám một lần. Nhưng hiện nay, do tình hình dịch Covid-19, 6 tháng một lần tôi mới cần đến Viện Huyết học.
Ca ghép tế bào gốc có để lại di chứng gì và gây trở ngại cho cuộc sống hiện tại của chị không?
Sau ghép, chu kỳ kinh nguyệt của tôi bị rối loạn, thường 3 năm tôi mới có 1 lần. Điều đó khiến tôi có phần tự ti về bản thân, nghĩ mình có khiếm khuyết nên cũng không có ý định yêu đương hay lập gia đình.
Bạn bè xung quanh cũng dần có gia đình riêng. Đôi khi, tôi cảm giác bị bỏ lại. Nhưng nếu người đàn ông nào đó có tình cảm với mình, tôi sẽ "chặn đứng" ngay và không mở lòng. Quan trọng, tôi không muốn ảnh hưởng tới người khác.
Nếu gặp được một người thật lòng yêu mình, tôi sẽ nói ngay từ đầu với anh về căn bệnh của mình. Dù y học hiện đại, các cặp vợ chồng có nhiều phương pháp để sinh con, nhưng tôi vẫn khá bảo thủ, hoặc do chưa gặp được đúng người.
Bố mẹ cũng không ép buộc hay thúc giục kết hôn dù họ cũng mong muốn tôi có một gia đình riêng, có người chăm sóc thật lòng. Ngược lại, bố mẹ tôn trọng ý kiến của con gái. Bởi thế, tôi cảm thấy bây giờ cuộc sống độc thân vẫn rất ổn. Tôi sống khỏe mạnh và dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội.
Cô gái nhỏ nhắn tràn đầy năng lượng tích cực
Chiến thắng ung thư, cuộc sống gần như "bình thường mới", chị tìm kiếm cơ hội việc làm ở đâu?
Tốt nghiệp khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2010, cùng thời điểm sử dụng thuốc nhắm đích, tôi tăng cân, da dẻ hồng hào và khỏe mạnh. Tôi bắt đầu đi xin việc ở 3-4 cơ quan, qua hết các vòng nhưng bị loại ở vòng phỏng vấn khi nói về tiền sử bệnh ung thư máu.
Nhiều công ty lo ngại tôi không khỏe mạnh, sẽ ảnh hưởng đến chuỗi công việc chung. Sau 4 lần bị từ chối, tôi quyết định không xin việc nữa mà quay sang viết lách và học biên kịch.
Đã có lúc tôi làm phiền lòng bố mẹ, những khi quá đau và buồn mà kể cho bố mẹ nghe những giấc mơ xấu, những cảm xúc tiêu cực. Tôi thậm chí đã cáu gắt và giận dỗi với mọi người xung quanh. Tôi ân hận và nghĩ cách để cải thiện tính xấu đó của mình bằng việc tập trung tâm trí vào thiên nhiên và trò chuyện với chúng bằng thơ.
Tôi đã viết khá nhiều thơ - sau này được đưa vào cuốn tự truyện đầu tiên có tên "Như hoa hướng dương", ra mắt tháng 8/2012, chỉ vài ngày trước khi tôi vào phòng cách ly để ghép tế bào gốc. Đó là những dòng nhật ký và thơ của tôi trong suốt 7 năm điều trị bệnh ung thư máu, nhiều nước mắt nhưng cũng đong đầy yêu thương.
Tôi từng nghĩ biết đâu nếu phải chết thì vẫn có một cuốn sách để mọi người nhớ đến mình. Tôi chọn hoa hướng dương để đặt tên, như nói về chính mình – một cô gái nhỏ bé, còi cọc nhưng được mọi người xung quanh tỏa ánh mặt trời để tiếp tục sống.
Cuốn sách thứ hai được viết sau khi tôi ghép tế bào gốc. Nhiều bệnh nhân ung thư hỏi về kinh nghiệm và phương pháp điều trị. Tôi xâu chuỗi những dòng nhật ký đứt đoạn của mình, viết cuốn "Muôn ánh mặt trời". Ánh mặt trời chính là những người đã yêu thương và bên cạnh tôi, là bố mẹ, là bạn bè, là bác sĩ, là những bệnh nhân ung thư khác.
Số tiền từ việc bán sách lên tới hơn 90 triệu đồng, tôi gửi hết vào quỹ "Em ước mong sao" do tôi thành lập để giúp đỡ các bệnh nhi ung thư.
Cuốn sách thứ ba do tôi chắp bút, viết về hành trình chiến đấu với ung thư vú và những lời dặn dò con gái của một nữ nhà báo, đồng thời là một người bạn thân thiết của tôi. Chị không kỳ vọng về một cuốn sách xuất sắc, chọn tôi là người truyền tải cảm xúc, vì hai chị em thường xuyên kể nhau nghe về cuộc sống, gia đình. Cuốn sách mang tên "Đóa hoa vô thường", sau mấy tháng xuất bản thì chị qua đời.
Và cuốn sách thứ 4 trong tương lai, tôi dự định viết về những trẻ em ung thư.
Từ 2016, chị Thuần quay lại Viện huyết học - Truyền máu Trung ương giúp đỡ các bệnh nhi ung thư
Chị Thuần tổ chức buổi workshop vẽ để gây quỹ cho các bệnh nhi ung thư
Bên cạnh công việc viết lách, tôi từng làm việc với vai trò là biên kịch phim hoạt hình tại chương trình "Quà tặng cuộc sống" trong hơn 1 năm. Khi sức khỏe đã ổn định, tôi trở lại bệnh viện với vai trò tình nguyện viên tại Khoa bệnh máu trẻ em, mong muốn được làm bạn với các em trong những buổi đọc sách, vẽ tranh, ca hát.
Các hoạt động này bắt đầu từ 2016 đến nay, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Ở đây, tôi được chung sức với các anh chị phòng Công tác xã hội - Viện Huyết học hỗ trợ tinh thần cho các bệnh nhi ung thư, được lắng nghe các em tâm sự, được cùng các em vượt qua một số khó khăn giúp cuộc sống của tôi có nhiều ý nghĩa hơn.
Về sau, để có tư cách pháp nhân làm việc với các quỹ từ thiện, tôi đã thành lập doanh nghiệp xã hội với tên gọi "Mạng lưới vì trẻ em ung thư", hướng đến bệnh nhi ung thư và cả những em bé có bố hoặc mẹ bị ung thư.
Hiện tại tôi đang tạo sinh kế bằng nghề thêu cho phụ huynh bệnh nhi ung thư tại khoa bệnh máu trẻ em, Viện huyết học – Truyền máu Trung ương. Sau nhiều năm điều trị và hoạt động tình nguyện ở đây, tôi nhận ra có nhiều phụ huynh phải nghỉ việc để ở lại bệnh viện chăm sóc con. Nhiều người trong số họ mất nguồn thu nhập và thường cảm thấy áp lực vì không đủ tiền trang trải cuộc sống.
Bệnh viện đã rất ủng hộ và hỗ trợ dự án này vì nó không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình các bệnh nhi mà còn giúp nâng đỡ tinh thần họ. Những bà mẹ vừa chăm con vừa thêu. Khi tập trung vào một công việc, họ không những tạm quên đi lo âu và muộn phiền, mà còn tạo ra thu nhập. Và những đứa trẻ ung thư trông thấy bố mẹ thoải mái, cũng được truyền thêm năng lượng tích cực giúp ích cho quá trình điều trị.
Năm ngoái, từ số tiền bán đồ thêu và ủng hộ của mạnh thường quân, "Mạng lưới vì trẻ em ung thư" đã trao được 10 suất học bổng, tương đương 50 triệu đồng, cho những học sinh có bố mẹ bị ung thư.
Cùng với sự góp sức của cộng đồng, "Mạng lưới vì trẻ em ung thư" đã hỗ trợ cho trẻ em ung thư bằng nhiều hình thức như tặng bỉm, sữa, quần áo, máy lọc không khí, tặng suất ăn từ thiện cho ngân hàng suất ăn của bệnh viện.
Quá trình "chiến đấu" với ung thư, hình ảnh đau thương nhất mà chị cảm nhận?
Đó là những lúc nhận tin từ bệnh viện thông báo một người bạn hoặc một em bé qua đời. Cảm giác bất lực lắm và thương nhớ rất nhiều.
Có lúc tôi khóc rất nhiều, có lúc tôi ghìm lòng mình lại, nhưng hình ảnh và kỷ niệm về họ sẽ hiện ra khiến tôi buồn vô hạn. Biết có sinh, có tử nhưng chứng kiến những em bé ngây thơ phải chịu đựng đau đớn và ra đi mãi mãi, tôi không thể không tiếc thương và đau buồn.
Trong các buổi tình nguyện ở bệnh viện, tôi nhìn các em hồn nhiên viết, đọc, hát, vẽ, vui chơi… và cảm thán trong lòng vì cách mà các em đối diện với ung thư. Các em sống trọn vẹn từng giây phút của mình, lúc vui thì cười và tận hưởng nó, lúc đau thì khóc và cần được vỗ về, nhưng hầu như các em không để tâm trí mình phiền não như nhiều người lớn.
Tôi học được điều đó từ các bệnh nhi ung thư và mong muốn được cùng mọi người giúp các em đối diện với ung thư bằng tiếng cười, niềm vui và sự an ủi.
Từng ấy năm, chị Thuần vẫn gắn bó với những em bé mắc ung thư, học được từ các em cách sống trọn vẹn từng phút giây
Đến bây giờ, với chị, ung thư mang lại điều gì?
Với nhiều người, ung thư là "dấu chấm hết của cuộc đời". Khi phát hiện ung thư hầu như ai cũng hoang mang và sốc, vì họ biết đó là một trong những căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Tôi cũng từng như vậy. Nhưng dần dần, như một bản năng tự nhiên, tôi thích nghi với tình huống này và học cách đối diện, sống chung với nó.
Các bệnh nhân ung thư thay đổi để cải thiện sức khỏe bằng nhiều cách như chế độ ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục điều độ hơn, bắt đầu nghe nhạc và tập thiền, chia sẻ và yêu thương với người thân nhiều hơn.
Ung thư không ai mong muốn nhưng nó cũng tác động để ta nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống và học cách sống trọn vẹn.
Nói "ung thư là dấu chấm hết" không chính xác, vì giờ đây ngày càng có nhiều người mắc ung thư được chữa khỏi. Đó vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng không phải là không có hy vọng.
Với tôi, ung thư đã lấy đi nhiều thứ nhưng cũng mang lại nhiều bài học. Ung thư giúp tôi biết được mình là người may mắn khi có một gia đình hạnh phúc, những người bạn tốt; giúp tôi biết trân trọng từng ngày được sống; giúp tôi tìm ra ý nghĩa riêng, con đường riêng cho mình – đó là tham gia các hoạt động xã hội để giúp đỡ cho trẻ em ung thư. Nhìn các em hồn nhiên, kiên cường, bố mẹ các em dù khó khăn và áp lực tinh thần vẫn luôn quan tâm, hỗ trợ nhau, tôi cảm thấy không có lý do gì mà mình không cố gắng.
Chị Hoàng Thị Diệu Thuần của ngày xưa (bên trái) và hiện tại - sau 10 năm ghép tế bào gốc
10 năm từ ngày được ghép tế bào gốc, 17 năm ròng rã "chiến đấu" với ung thư, chị rút ra điều gì?
Sau quãng thời gian dài trải qua nhiều biến cố từ lúc 18 tuổi, tôi cảm thấy trưởng thành hơn trong cuộc sống. Hành trình vừa đau đớn, buồn bã, nhưng cũng đong đầy yêu thương và sự sẻ chia.
Tôi gặp gỡ nhiều người, đón nhận nhiều bài học và nhất là giúp đỡ người khác hướng đến cuộc sống tích cực hơn.
18 tuổi, tôi tự hỏi: Mình sinh ra để làm gì?
35 tuổi, tôi đã tìm được câu trả lời.
Tôi sinh ra để được làm con của bố mẹ, được kết thân với những con người tốt bụng xung quanh mình, được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Tôi không còn mông lung giữa cuộc đời này nữa. Mỗi ngày thức dậy, tôi trau dồi kiến thức và kỹ năng, hoạt động xã hội tốt hơn, giúp nhiều người hơn nữa trên hành trình của mình.
Đây là một hành trình nhiều cảm xúc, nhiều câu chuyện khác nhau, mà tôi tin, sẽ không bao giờ kết thúc. Với bệnh nhân ung thư, nếu có cơ hội được sống, họ sẽ trở thành những người có ích!